Chuyên gia: Bốn đóng góp quan trọng của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN

Chuyên gia: Bốn đóng góp quan trọng của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN
8 giờ trướcBài gốc
Giáo sư Carl Thayer trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. (Ảnh: Thanh Tú/TTXVN)
Việt Nam đã có ít nhất bốn đóng góp quan trọng cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ khi gia nhập khối khu vực này vào tháng 7/1995.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia nhân dịp 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025).
Theo Giáo sư Carl Thayer, thứ nhất, Việt Nam đã thúc đẩy việc kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar (CLM), qua đó đạt được mục tiêu ban đầu của ASEAN là bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam cũng là nước ủng hộ mạnh mẽ việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) và các thành viên ban đầu của ASEAN.
Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Thứ hai, khi lần đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 vào năm 1998, Việt Nam đã thành công trong việc thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội kéo dài 6 năm để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020.
Thứ ba, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ hai vào năm 2010, Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, đồng thời đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất.
Thứ tư, với tư cách là Chủ tịch ASEAN lần thứ ba vào năm 2020, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của ASEAN trong đại dịch COVID-19. Việt Nam tiên phong tổ chức các cuộc họp trực tuyến của các quan chức ASEAN và chủ động vận động các cường quốc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
Theo Giáo sư Thayer, sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành thành viên của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng kể trong hợp tác kinh tế đa phương khi ASEAN đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Australia-New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong.
Việt Nam cũng tham gia chương trình xây dựng cộng đồng ba trụ cột của ASEAN, đó là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng chính trị-an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội. Tóm lại, Việt Nam đã học hỏi và áp dụng những thông lệ tốt nhất trong hợp tác kinh tế đa phương.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cũng cho rằng với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ, chú trọng hơn đến việc giảm thiểu rào cản thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và phát triển thị trường mới cùng với các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nói cách khác, Việt Nam cần thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương mở rộng."
Về phía ASEAN, theo Giáo sư Thayer, khối này cần tăng cường và củng cố cam kết đối với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. ASEAN cần thuyết phục các đối tác về lợi ích khi hợp tác với ASEAN thay vì hành động đơn phương.
Giáo sư Thayer cho rằng có 3 lĩnh vực cần được ưu tiên quan tâm, đó là: tạo ra một chế độ thuế quan ổn định; khôi phục Diễn đàn Đông Á như một cơ chế do các nhà lãnh đạo dẫn dắt; và đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.
Việt Nam có thể thông qua mạng lưới quan hệ với hơn 30 đối tác, gồm cả quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ Đối tác Chiến lược và quan hệ Đối tác Toàn diện, hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giáo sư Carl Thayer trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)
Nhìn về tương lai, Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu thành công trong chương trình tinh giản bộ máy chính trị hiện nay, Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ động trong ASEAN để đạt được 3 mục tiêu then chốt như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS đầu tháng Bảy vừa qua, bao gồm củng cố chủ nghĩa đa phương, cải thiện kết nối và quản trị toàn cầu; thúc đẩy tự do hóa thương mại bằng cách mở cửa thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; khai thác Trí tuệ nhân tạo an toàn và bảo mật để cải thiện y tế công, giáo dục, cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2029, Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của ASEAN thông qua vận dụng kinh nghiệm từ việc tiến lên trở thành một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Giáo sư Carl Thayer nhận định vai trò Chủ tịch ASEAN này có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam đạt được mục tiêu dài hạn là trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-bon-dong-gop-quan-trong-cua-viet-nam-ke-tu-khi-gia-nhap-asean-post1052248.vnp