Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân gần kề với nhiều hoạt động thăm hỏi, vui chơi, tụ họp đông người… bệnh sởi được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và kéo dài.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần cuối cùng của năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 405 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc trong năm 2024 là hơn 4.000 ca. So sánh với trung bình 4 tuần trước, số ca mắc của tuần 52 tăng 9,3%. Mặc dù đà tăng có dấu hiệu chững lại nhưng số ca mắc sởi vẫn tiếp tục gia tăng khiến nguy cơ bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Là bệnh viện tuyến cuối chuyên tiếp nhận điều trị cho trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam, thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tiếp nhận nhiều ca trẻ em mắc sởi. Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận điều trị, Khoa Nhiễm - Thần kinh đã kê thêm giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh của khoa lên 150 giường. Bệnh viện cũng sẵn sàng bổ sung thêm nhân sự cho Khoa nếu bệnh nhi tiếp tục gia tăng.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, trong các ca nhập viện do mắc sởi có tỷ lệ lớn trẻ từ các tỉnh, thành khác chuyển đến và rất nhiều trẻ chưa được tiêm phòng vaccine. "Virus sởi có hệ số lây lan cao nhất trong tất cả các virus gây bệnh, cao hơn cả cúm hay COVID-19. Một người mắc sởi có thể lây cho 16-18 người khác. Hiện vaccine vẫn là giải pháp phòng bệnh tốt nhất và chỉ có tiêm vaccine mới có thể sớm chấm dứt được dịch sởi", bác sĩ Dư Tuấn Quy nhận định.
Tương tự, các bệnh viện tuyến cuối khác của Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng tiếp nhận nhiều ca mắc sởi trong nửa năm qua, trong đó có cả người lớn. Theo các bác sĩ, ai cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa có kháng thể và chưa được tiêm phòng vaccine đầy đủ, thậm chí người lớn mắc sởi còn có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với trẻ em, nhất là những người có sẵn bệnh lý nền, phụ nữ mang thai…
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, thời điểm Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân đang gần kề với nhiều hoạt động thăm hỏi, vui chơi giải trí, tụ họp đông người là môi trường dễ lây lan bệnh sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Đặc biệt, tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao hoặc điều kiện y tế hạn chế, khả năng sởi bùng phát rất lớn và có thể gây áp lực lên hệ thống y tế.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho đối tượng trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi cư trú trên địa bàn nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh với 20-30 điểm tiêm chủng mỗi ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, điều này là chưa đủ để kiểm soát dịch sởi bởi muốn sớm kiểm soát dịch sởi cần có độ bao phủ miễn dịch cộng đồng rộng hơn nữa. “Hiện nhiều địa phương vẫn chưa có chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi, trong khi lưu lượng đi lại, giao lưu giữa các địa phương trong dịp lễ, Tết rất lớn nên nguy cơ lây lan rất cao”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, hiện nay Chiến dịch tiêm vaccine sởi của Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ giới hạn ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi, trong khi ai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu chưa có kháng thể hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những người ngoài đối tượng của Chiến dịch (trẻ lớn, người lớn) cũng cần trang bị cho mình các mũi tiêm vaccine cơ bản để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và hạn chế lây lan cho người khác.
“Người lớn cũng nên kiểm tra lại xem mình đã tiêm đủ mũi vaccine chưa, nếu không nhớ rõ thì tiêm thêm 1 mũi nữa cũng không gây hại cho sức khỏe. Việc tiêm vaccine cho người lớn, trẻ lớn rất quan trọng, vừa bảo vệ chính bản thân người được tiêm vừa bảo vệ cho cộng đồng, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi, độ tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine phòng sởi”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)