Chuyên gia cấp cứu cảnh báo 8 tình huống nguy hiểm thường xảy ra trong dịp nghỉ lễ

Chuyên gia cấp cứu cảnh báo 8 tình huống nguy hiểm thường xảy ra trong dịp nghỉ lễ
8 giờ trướcBài gốc
1. Tai nạn giao thông – nguy cơ luôn rình rập trong dịp nghỉ lễ
NỘI DUNG:
1. Tai nạn giao thông – nguy cơ luôn rình rập trong dịp nghỉ lễ
2. Ngộ độc thực phẩm, rượu bia
3. Đuối nước
4. Chấn thương sinh hoạt
5. Tái phát bệnh mãn tính
6. Say nắng, kiệt sức do nắng nóng
7. Bị động vật cắn (chó, mèo, côn trùng...)
8. Phản ứng dị ứng – phản vệ
9. Lưu ý chung
Trong các dịp lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 – 1/5, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán..., số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, việc liên hoan, uống rượu bia rồi tham gia giao thông,… chính là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông diễn ra phổ biến. Nhiều trường hợp phải cấp cứu do chấn thương sọ não, gãy xương, đa chấn thương nghiêm trọng.
Cách phòng tránh:
Không lái xe khi đã uống rượu bia.
Tuân thủ tốc độ và luật giao thông.
Tránh di chuyển vào các khung giờ cao điểm nếu không cần thiết.
Luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe máy.
Nhiều người phải vào viện cấp cứu trong dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Thái Bình - ảnh minh họa).
2. Ngộ độc thực phẩm, rượu bia
Tình trạng ăn uống quá độ, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc rượu bia kém chất lượng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu, đặc biệt là methanol (cồn gỗ) trong các dịp lễ.
Những ca cấp cứu do đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy cấp, thậm chí hôn mê, suy hô hấp không phải là hiếm.
Cách phòng tránh:
Ưu tiên thực phẩm tươi, được nấu chín kỹ.
Hạn chế ăn uống ở những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Kiểm soát lượng rượu bia, tuyệt đối không dùng rượu không rõ nguồn gốc.
3. Đuối nước
Thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình chọn đi tắm biển, hồ bơi, dẫn đến tăng nguy cơ đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong dịp nghỉ lễ.
Cách phòng tránh:
Không để trẻ tự bơi khi không có người lớn giám sát.
Trang bị áo phao cho trẻ và người không biết bơi.
Chỉ bơi tại khu vực an toàn, có lực lượng cứu hộ túc trực.
4. Chấn thương sinh hoạt
Các tai nạn sinh hoạt như té ngã, bỏng, cắt trúng tay, ngã cầu thang… cũng xảy ra phổ biến khi các gia đình nấu nướng, dọn dẹp, trang trí nhà cửa trong dịp lễ.
Cách phòng tránh:
Giữ nhà cửa gọn gàng, tránh trơn trượt.
Cẩn trọng khi sử dụng dao kéo, bếp gas, nước sôi.
Không để trẻ nhỏ chơi gần khu vực nguy hiểm.
5. Tái phát bệnh mãn tính
Nhiều người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn dễ bị tái phát do thay đổi sinh hoạt, ăn uống thất thường hoặc bỏ qua việc dùng thuốc trong dịp nghỉ.
Cách phòng tránh:
Tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ.
Không bỏ thuốc dù đang đi chơi, du lịch.
Hạn chế ăn mặn, uống bia rượu quá mức.
Giữ liên lạc với bác sĩ điều trị, nếu phải bay xa, đi dài ngày hãy liên lạc với bác gia đình để được tư vấn, chuẩn bị trước chuyến đi.
6. Say nắng, kiệt sức do nắng nóng
Nhiều người đi du lịch, leo núi hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời dưới thời tiết nắng gắt mà không có sự chuẩn bị phù hợp dễ bị say nắng, kiệt sức, tụt huyết áp, thậm chí đột quỵ do nhiệt.
Cách phòng tránh:
Đội nón rộng vành, mặc quần áo sáng màu, thoáng mát.
Uống đủ nước, tránh hoạt động ngoài trời vào giữa trưa, hạn chế ra ngoài từ 11h–15h.
Nghỉ ngơi tại nơi mát mẻ nếu cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi.
7. Bị động vật cắn (chó, mèo, côn trùng...)
Trong những ngày nghỉ, trẻ em thường chơi đùa ngoài trời nhiều hơn, dễ bị chó mèo cắn hoặc côn trùng chích gây nhiễm trùng, dị ứng, thậm chí nguy cơ dại.
Cách phòng tránh:
Không để trẻ tiếp xúc với động vật lạ.
Tiêm phòng dại cho thú nuôi
Khi bị cắn, rửa vết thương ngay và đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
8. Phản ứng dị ứng – phản vệ
Một số người có thể gặp phản ứng dị ứng với thực phẩm lạ, hải sản, thuốc uống, hoặc côn trùng trong khi đi du lịch. Trường hợp nặng có thể gây phản vệ, rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời.
Cách phòng tránh:
Tránh dùng các thực phẩm hoặc thuốc lạ nếu có tiền sử dị ứng.
Mang theo thuốc dị ứng, thuốc cấp cứu (như adrenaline) nếu cần.
Nói rõ với nhân viên phục vụ ăn uống nếu bạn bị dị ứng với thành phần nào đó.
9. Lưu ý chung
PGS.TS. Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh thêm, trong những ngày nghỉ lễ dài ngày, mọi người cần mang theo túi sơ cứu cá nhân khi đi xa; Lưu sẵn số cấp cứu 115. Ngoài ra, cần tìm hiểu về điều kiện chăm sóc y tế như bệnh viện và các chuyên khoa nơi bạn sẽ đi du lịch tới; Luôn nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để bảo vệ sức khỏe; trau dồi kiến thức về y tế và tự chăm sóc bản thân.
Quỳnh Mai
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-cap-cuu-canh-bao-8-tinh-huong-nguy-hiem-thuong-xay-ra-trong-dip-nghi-le-169250420105322865.htm