Bảo vệ đồ điện tử trong nhà khi trời nồm ẩm
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh vừa có những chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống về hiện tượng thời tiết nồm ẩm và các cách ứng phó hiệu quả.
Theo đó, nồm là hiện tượng thời tiết rất đặc trưng ở miền Bắc nước ta, xẩy ra vào khoảng đầu xuân, từ tháng 2 đến tháng 3 có khi kéo sang cả tháng 4, do các đợt gió nồm Nam nóng ẩm từ biển về xen kẽ với gió mùa Đông Bắc lạnh vừa đi qua.
Khi gió mùa Đông Bắc đến, làm nền nhiệt độ của địa phương hạ xuống tương đối thấp; Khi gió nồm có nhiệt độ cao hơn và độ ẩm lớn hơn về sẽ gây đọng sương vào mọi vật tiếp xúc với nó, đó chính là hiện tượng nồm.
Có nhiều cách để phòng chống nồm ẩm trong gia đình.
Hiện tượng nồm tương tự như khi mở vòi sen để tắm, nước nóng phun ra làm không khí bị ẩm và ngưng tụ vào gương làm mờ gương. Hoặc khi mùa hè chúng ta đang ngồi trong ô tô mát lạnh rồi mở cửa bước ra ngoài, sẽ thấy kính mắt mờ đi do hơi nước đọng sương lên bề mặt kính. Hoặc khi phòng điều hòa đang chạy lạnh. Thấy cần thông gió, ta liền mở lớn cửa cho không khí nóng ùa vào, ẩm sẽ ngưng đọng trên mọi vật, rõ nhất trên bề mặt kim loại, kính của tivi, bàn ăn hoặc laptop…
Gió nồm có độ ẩm tương đối rất cao thường kèm theo mưa phùn, độ ẩm đạt bão hòa 100%, nhiệt độ không khí cao hơn so với nhiệt độ nền, cao hơn nhiệt độ trong nhà, ẩm ngưng tụ vào mọi vật có nhiệt độ thấp hơn nên nền nhà ướt sũng. Đặc điểm là nhiệt độ trong nhà thấp hơn nhiệt độ ngoài nhà. Phải cẩn thận khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài nhà.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cảnh báo, nồm ẩm khiến cây cối đâm chồi nảy lộc nhưng là "kẻ thù" của đồ điện tử như tivi, bếp điện, laptop, máy photo, nhạc cụ, đàn piano, máy ảnh… rất dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, các loại vi khuẩn, virus phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt là các bênh về hô hấp như cảm cúm…
Phòng chống nồm ẩm, cần đóng kín cửa ra vào, cửa sổ tương tự như khi sử dụng điều hòa vào mùa hè. Sau đó là dùng máy điều hòa chạy chế độ hút ẩm, cũng có thể dùng máy hút ẩm; Nên có ẩm kế trong nhà để theo dõi. Độ ẩm an toàn trong nhà nên là khoảng dưới 75%.
"Các đồ điện tử như tivi, máy in, laptop nên để ở chế độ chờ để sưởi cho bo mạch; Quần áo giặt ở chế độ vắt cao nhất, xong có thể cho phơi trong lô gia, nếu cần có thể sấy bằng tủ sấy. Tủ quần áo có thể dùng bóng đèn điện 30-40W cho vào hộp sắt để vào ngăn trống trong tủ để chống ẩm mốc", GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên.
Những cách hút ẩm tối ưu nhất
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, bật điều hòa ở chế độ hút ẩm là tốt nhất. Trong tháng 2 thì nhiệt độ phòng còn hơi thấp. Nên cũng có thể bật chế độ sưởi khi có cảm giác lạnh trong phòng, khi đó độ ẩm tương đối sẽ giảm, tuy hàm lượng ẩm trong phòng là không đổi. Hiệu quả không tốt bằng dùng chế độ hút ẩm.
Khi sử dụng chế độ hút ẩm thì ẩm sẽ ngưng tụ lại ở dàn sôi và chảy ra ngoài. Nhưng cũng cần lưu ý rằng quá trình hút ẩm luôn luôn gắn với quá trình hạ nhiệt độ của phòng, nhiệt độ phòng sẽ giảm từ 1,5 đến 2,0 độ C.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên, nên bật chức năng hút ẩm khi không khí trong phòng có độ ẩm cao trên 75%. Máy nén làm việc nhưng quạt dàn lạnh chạy ở tốc độ nhỏ nhất đôi khi ngừng chạy, để tạo nhiệt độ thấp ở dàn lạnh, tạo khả năng tách ẩm cao. Ẩm được tách ra nhưng nhiệt độ phòng cũng giảm xuống chút ít (từ 1,5 đến 2,0 độ C) dù ta không muốn. Ở các máy điều hòa biến tần hiện đại có thể điều chỉnh được độ giảm của nhiệt độ phòng.
Nếu không có máy điều hòa thì có một số cách như sưởi phòng bằng cách bật lò sưởi hoặc quạt sưởi khi nhiệt độ trong phòng thấp. Bật hết đèn trong nhà khi nhiệt độ trong phòng tương đối cao. Đối với các thiết bị nhạy cảm với độ ẩm như tivi, laptop, máy in, giấy in, máy photo, giấy photo, đàn piano… thì bật chế độ chờ hoặc có đèn sưởi riêng cho từng thiết bị; máy ảnh, ống nhòm, đĩa nhạc… phải cho vào tủ hút ẩm hoặc trong tủ có để một bóng đèn sưởi.
Có thể sưởi tủ quần áo bằng 1 bóng đèn 15 - 30W đặt trong hộp kẹo rỗng bằng kẽm trong một ngăn rỗng của tủ… Lưu ý an toàn cháy chập điện. Sử dụng các chất hút ẩm như vôi sống, silicagel… để trong phòng.
Cách tự chế tủ hút ẩm
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, nên đưa hoa, cây cảnh ra ngoài nhà vào những ngày nồm ẩm vì thực vật cũng hô hấp và thải ra hơi ẩm. Đóng kín cửa khi bên ngoài nhiệt độ cao. Khu bếp và nấu ăn như nồi cơm điện, đun nấu, đun nước, thức ăn, cà phê, nước chè cần đóng kín cửa bếp, lau khô đồ đạc… Đưa tủ sấy quần áo ra bên ngoài phòng.
Ngoài ra có thể tận dụng các gói hút ẩm có trong các loại bánh kẹo, đồ dùng trong nhà, đặt trong các thùng xốp kín để hút ẩm bảo vệ thiết bị. Có thể cắt ra và đổ vào bát sứ cho vào lò vi sóng để hoàn nguyên (khử ẩm để tái sinh). Sau khi thải hết ẩm, cho vào bao vải (như tất cũ chẳng hạn), hoặc cho vào lọ nhưng để mở nắp và cho vào thùng xốp nhựa để hút ẩm.
Có thể tự chế tủ hút ẩm đơn giản. Để bảo quản máy in, laptop, giấy in, có thể kiếm một hộp xốp đủ lớn làm vỏ cách ẩm, bên trong đặt một túi chất hút ẩm như silicagel hay vôi sống hoặc đơn giản là dùng hộp sắt tây (đựng bánh kẹo) bên trong bố trí một bóng đèn (thờ) 10-15 W. Dùng chất hút ẩm thì phải thay mới hoặc hoàn nguyên khi đã bị no ẩm.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, nguyên lý của tủ hút ẩm (dry cabinet) thường có dung tích 50-150 lít, không cách nhiệt, độ ẩm xuống tới 20- 30%, để bảo quản máy ảnh, đĩa CD, VCD, giấy ảnh…, dùng máy lạnh nhiệt điện công suất 3-15 W. Ẩm ngưng tụ trên dàn lạnh phía trong chảy ra ngoài làm mát luôn cho dàn nóng ở phía ngoài.
Tô Hội