Mưa lũ kéo dài suốt tuần tới
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 3-4/11, trên Biển Đông có khả năng hình thành một vùng xoáy thấp, không loại trừ khả năng có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Cũng trong những ngày đầu tháng 11, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh sẽ tràn xuống nước ta.
Sự kết hợp của xoáy thuận, không khí lạnh, nhiễu động gió Đông và địa hình đón gió của dãy Trường Sơn sẽ tạo ra một đợt mưa lớn dữ dội ở các tỉnh miền Trung. Dự báo, mưa bắt đầu từ khoảng ngày 3 - 10/11.
Chuẩn bị các phương án ứng phó với đợt mưa lớn ở miền Trung.
"Đây là đợt mưa lớn trên diện rộng, trong đó khả năng xuất hiện những trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở Bắc và Trung Trung bộ", ông Khiêm nói.
So với đợt mưa lũ cuối tháng 10 với trọng tâm từ Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, đợt mưa lần này có phạm vi tác động rộng lớn hơn. Mưa lớn không chỉ tập trung ở chính các tỉnh đã có mưa rất lớn những ngày qua còn mở rộng ra phần phía Nam, cụ thể là Quảng Nam đến Phú Yên. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 3-5/11, lượng mưa ở Bắc và Trung Trung bộ phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm, riêng Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.
"Chúng tôi cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng", ông Khiêm lưu ý.
Dự báo, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung có thể diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện thêm 2-3 đợt, trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều từ Quảng Bình đến Phú Yên. Đây cũng là giai đoạn mưa lũ đỉnh điểm ở miền Trung trong năm nay.
Chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hình thái mưa lớn trong giai đoạn từ 3/11 - 10/11 (có thể lâu hơn) ở miền Trung tương đối giống với hình thái mưa lụt trong tháng 10/2020.
Mưa theo kiểu cuốn chiếu từ phía Nam Trung Bộ ra phía Bắc Trung Bộ do vùng thấp gây nên trong khoảng từ 3 - 5/11 khu vực Quảng Ngãi tới Hà Tĩnh. Sau đó từ 6/11 - 10/11 có gió Đông Bắc ẩm mạnh thổi từ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) qua và gây mưa ngược trở lại từ Bắc Trung Bộ vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Giai đoạn này là lo nhất vì sóng biển sẽ cao khoảng 2,5m đến 3m ven bờ theo hướng Đông Bắc khiến nước khó thoát ra ngoài.
Bà con cần đề phòng tình huống lụt lớn và sạt lở đất. Kịch bản xấu có thể xảy ra được TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích là mưa lớn trên thượng nguồn khiến các hồ chứa đầy nước bắt buộc phải xả để điều tiết. Mưa ở dưới hạ lưu vẫn tiếp tục duy trì với lượng mưa lớn từ 500mm - 700mn cả đợt. Cá biệt có những nơi mưa rất lớn trên 1000mm ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam trong cả đợt. Nước biển dâng cao khiến nước khó thoát ra ngoài.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, kịch bản hài hòa có thể thích ứng lụt là các hồ chứa hạ mực nước xuống thấp nhất có thể trong giai đoạn từ nay đến 3/11 và giảm nguy cơ ngập giai đoạn từ 3-6/11. Giai đoạn 6-10/11 sẽ mưa cuốn chiếu và có các quãng nghỉ để nước thoát ra. Dù vậy, người dân cần có kế hoạch dự phòng phù hợp để không thiệt hại người và tài sản.
Người dân cần chuẩn bị nhu yếu phẩm, nước sạch, bằng cách tích trữ nước sạch vào các lu, chum vại, can nhựa hoặc bao ni lon dày như một túi nước tích trữ, đặc biệt là người dân vùng trũng thấp phải lưu ý. Nên sử dung bếp gas hơn là bếp củi, xoong nồi bát đĩa, nhu yếu phẩm như gạo, muối, đồ ăn, trứng gà... có thể ứng phó được trong khoảng 1 tuần mà không phải chờ ứng cứu.
Ngoài ra, cần chuẩn bị các loại thuốc thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, băng gạc, thuốc chống dị ứng... để sử dung nếu không may bị cô lập bởi mưa lũ. Cần chuẩn bị đèn pin, sạc pin dự phòng hay đèn tích trữ năng lượng để sử dụng được ít nhất trong 4-5 ngày nếu mất điện. Trong những ngày bị lũ cô lập, phải tiết kiệm các loại năng lượng này. Trường hợp nước lên cao, thôn xóm bị cô lập thì phải có phương tiện để liên lạc.
Những nơi có chăn nuôi, bà con cần đưa gia súc gia cầm lên các vị trí cao, cắt cử người trông coi. Những nơi chăn nuôi quy mô lớn, nếu mất điện cũng khiến gia cầm bị ngắt oxy đột ngột dẫn đến chết hàng loạt nên phải có phương án ứng phó vệ sinh chuồng trại thông thoáng. Quan trọng nhất là kê cao đồ đạc bằng cách lấy mức lũ lịch sử trước đây để làm mốc tối thiểu.
Đối với những trường hợp có nguy cơ cao như sản phụ sắp đến ngày sinh, người bệnh phải điều trị thường xuyên ở bệnh viện... thì phải có kế hoạch di chuyển ở gần các cơ sở y tế phòng ngừa trường hợp mưa lũ ngập sâu kéo dài nhiều ngày.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới để giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương miền Trung rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống…
Tô Hội