Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7,25%
Bình luận về tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" ngày 12/12, TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh hiện nay nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước thời Covid-19. Năm nay, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 7,06% hoặc cao hơn.
Lý giải về nhận định này, ông Khôi cho biết năm 2024 Việt Nam tăng trưởng ổn định trên cả ba khu vực nông - lâm - thủy hải sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. So với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2022, tăng trưởng năm 2024 đã đạt được mức gần tiệm cận với mức phục hồi.
Các chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm hầu hết đạt được và vượt kế hoạch. Duy chỉ có tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP sẽ là thách thức rất lớn bởi 9 tháng đầu năm, tỷ lệ này mới là 29,84% trong khi mục tiêu cả năm là 35%.
Hiện nay, vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân được hơn 73%, tổng vốn đầu tư công 11 tháng mới đạt được 54%. Vì vậy, chỉ còn một tháng nữa rất khó để đạt được mục tiêu giải ngân trên 95% mà Chính phủ đề ra.
Ông Khôi đánh giá nếu trong quý cuối năm, các động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đều diễn biến tốt thì GDP cả năm có thể tăng tới 7,25%.
Vị chuyên gia này cho rằng sự biến chuyển tích cực của nền kinh tế là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và những điều hành rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong thời gian ngắn. Đồng thời, cầu thế giới đối với hàng hóa Việt Nam tăng, cũng như khu vực sản xuất trong nước cũng có sự khởi sắc là những yếu tố tạo ra bứt phá về tăng trưởng trong năm 2024.
TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
"Nền kinh tế thế giới dù có sự suy giảm nhưng chúng ta có thị trường rất lớn nhờ vào 16 FTA, vì vậy, nhu cầu hàng hóa đối với Việt Nam tăng mạnh trong năm 2024", ông Khôi nói.
Một động lực quan trọng nữa thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là dòng vốn FDI. Nhìn chung, xu hướng đầu tư FDI trên thế giới giảm nhưng khu vực châu Á lại tăng, đặc biệt là Việt Nam tăng rất mạnh.
Về địa phương, các đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang chững lại khi đóng góp vào GRDP năm 2025 là 45,69% nhưng đến năm 2023 chỉ còn 39,8%. Ngược lại, một số địa phương khác đang vươn lên như Bắc Giang, Bắc Ninh...
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng các chính sách mới như: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM hay Luật Thủ đô sẽ giúp các đầu tàu như TP.HCM hay Hà Nội sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước đây.
Cần lựa chọn FDI có chất lượng
Phân tích sâu hơn vào cơ cấu kinh tế, Phó Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh sự chênh lệch giữa khu vực FDI và khu vực nội địa còn lớn, hay nói cách khác Việt Nam có hai nền kinh tế. Trong đó, khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực xuất khẩu đến trên 70%, còn kinh tế trong nước vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng nếu nói nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng theo chiều rộng bằng việc mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu là không chính xác, nền kinh tế đã tiệm cận dần đến mức tăng trưởng theo chiều sâu.
Đóng góp vào tăng trưởng GDP đến từ hai nguồn: Tăng trưởng năng suất lao động và lao động. Hiện tăng trưởng năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng GDP trong 12 năm gần đây có khoảng 10 năm đạt 55%, mức lý tưởng là 60 - 70%.
Mặc dù, khu vực FDI có sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị gia tăng nhưng đóng góp của năng suất lao động lại rất thấp. Vì vậy, khu vực này mới tăng trưởng theo chiều rộng.
Phó Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh trong thời gian tới, cần có chính sách để lựa chọn FDI có chất lượng. Còn khu vực Nhà nước và khu vực đang tăng trưởng khá bền vững nhờ sự đóng góp của yếu từ tăng năng suất lao động.
Trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh cần có chính sách để lựa chọn FDI có chất lượng.
AI có thể giúp kinh tế bứt phá trong năm 2025
TS Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một số động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. Trong đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025. Đồng thời, cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn.
Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô. Thu Ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025.
Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.
Theo ông Khôi, thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn.
Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp phục hồi và có sự tăng trưởng, phát triển khá. Song song đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới.
"Một khi ứng dụng AI nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không có nhiều hoài nghi về tốc độ tăng trưởng hai con số”, TS Lương Văn Khôi dự báo.
Lệ Chi