Chuyên gia chỉ rõ những kỹ năng cần thiết tránh đuối nước ngày hè

Chuyên gia chỉ rõ những kỹ năng cần thiết tránh đuối nước ngày hè
6 giờ trướcBài gốc
Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm
Chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của mùa nắng nóng mà tại một số tỉnh, thành khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đã liên tục ghi nhận các vụ đuối nước làm nhiều người chết, mất tích hoặc phải nhập viện cấp cứu.
Điển hình như tại Đà Nẵng, vào chiều 10/5, 2 em Đ.X.T và T.Q.V (cùng SN 2011, cùng trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) rủ nhau ra khu vực bãi biển Nam Ô, quận Liên Chiểu để tắm. Trong lúc tắm, các em không may bị sóng cuốn ra xa. Phát hiện vụ việc, người dân lập tức hô hoán và phối hợp ứng cứu 2 nạn nhân, tuy nhiên, cả hai đã không qua khỏi.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cảnh báo tình trạng này khi mùa hè bắt đầu.
Sáng 20/5, một vụ đuối nước xảy ra tại bãi biển Cửa Lò thuộc phường Nghi Hương, thành phố Vinh, Nghệ An, khiến 2 người thiệt mạng. Theo lãnh đạo Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống thiên tai thành phố Vinh, sự việc xảy ra khi đôi nam nữ đến bãi biển tắm vào khoảng 6h cùng ngày. Sau khi xuống nước, cả 2 bị cuốn vào dòng xoáy ngầm tại vùng nước sâu, dẫn đến đuối nước.
Ngày 20/5, đại diện một trường đại học tại Hà Nội xác nhận 3 sinh viên bị đuối nước tại đập Quán Trăn (xã Tân Xã (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là sinh viên của nhà trường. Trong số này, 2 nam sinh đã tử vong, một người đang trong bệnh viện theo dõi sức khỏe; nam sinh đứng quay clip đang được hỗ trợ ổn định tâm lý.
Các sinh viên tự lên ý tưởng và rủ nhau đi quay một clip về việc cứu người tự tử, để truyền thông điệp Facebook có lợi hay có hại. Sau khi quay cảnh 3 nam sinh nhảy xuống nước, thấy bạn bị đuối nước nam sinh đứng quay clip phía trên đã chạy đi gọi người cứu. Kết quả một người được cứu, hai nam sinh còn lại không qua khỏi.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế Công cộng, hiện nay mới chỉ có một số địa phương, khu vực hạn chế được tiếp cận các dự án về phòng chống đuối nước và triển khai các hoạt động cụ thể, còn đa phần các địa phương mới triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền.
Trong khi đó, môi trường vẫn còn nhiều rủi ro đuối nước đối với trẻ em: "Cộng đồng chúng ta còn rất nhiều địa điểm mất an toàn, đặc biệt là những hồ nước mở, các khu công nghiệp hay các hố nước mà còn tồn tại ở các công trường. Đó là một trong những nguy cơ. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em biết bơi ở Việt Nam hay kỹ năng xác định phòng chống đuối nước, kỹ năng an toàn khi chơi ở các hồ nước vẫn còn thấp, trừ những tỉnh có những hoạt động dự án tăng cường", ông Cường cho biết.
Nắm chắc các kỹ năng này để tránh đuối nước
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, tình trạng đuối nước xảy ra ở lứa tuổi học sinh vào dịp nghỉ hè gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Ở tuổi mới lớn, các cháu sẽ luôn tự tin là người khỏe hơn người khác, thích thể hiện cá tính mạnh mẽ nên có thể sẽ làm những việc mạo hiểm vượt quá kỹ năng và sức khỏe của mình. Nhiều khi a dua theo bạn bè mà làm liều. Trong đó có việc tự ý theo bạn bè tắm biển, tắm sông.
Để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, không xảy ra đuối nước, các bậc phụ huynh và nhà trường cùng có những khuyến cáo, hay tốt hơn là những buổi tập huấn nghiêm túc với các em học sinh về kỹ năng bảo vệ mình khỏi đuối nước.
Nhắc các em không tự ý lập nhóm đi tắm biển, tắm sông mà không có sự đồng ý và giám sát của phụ huynh và nhà trường. Trong nhóm có thể có em biết bơi, bơi giỏi nhưng nếu gặp luồng nước xoáy, luồng nước chảy thì bơi giỏi cũng khó thoát.
Trong nhóm có một vài em không biết bơi, nghe bạn rủ rê và liều mình xuống nước thì nguy hiểm với cả bạn biết bơi và bạn không biết bơi.
Lưu ý tiếp theo là khi tập bơi trên sông thì chỉ được tập bơi ở sông cạn, nước ít chảy và cần phải có người bơi giỏi kèm cặp. Tốt nhất là học bơi theo lớp học chuyên nghiệp do doanh nghiệp hoặc đoàn thanh niên địa phương đứng ra tổ chức. Phạm vi bơi cần được giăng phao giới hạn để kiểm soát khu vực học bơi.
Khi đi tắm biển phải có người lớn giám sát và tìm hiểu kỹ về địa hình, độ sâu, tính chất dòng chảy ngầm ở nơi tắm. Tốt nhất là chỉ tắm biển ở khu vực được thiết kế cho tắm biển, có chòi quan sát và có đội cứu hộ.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, phụ huynh và giáo viên cần dạy trẻ cách nhận biết dòng chảy xa bờ khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ là nơi cực kỳ nguy hiểm ngay cả với người lớn bơi giỏi. Nếu rơi vào dòng chảy xa bờ mà không biết cách xử lý có thể bị nước biển cuốn trôi ra xa.
Quan sát từ bờ biển nhìn ra có thể thấy rõ, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ.
Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Với người biết bơi mà gặp dòng chảy xa bờ (thấy nước cuộn cuộn chảy dưới chân từ bờ ra biển) thì lập tức bơi song song bờ biển để thoát khỏi khu vực này. Đừng cố bơi vào bờ ở khu vực này sẽ không thắng được lực chảy của nước. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm.
Chuyên gia khuyến cáo, với trẻ em gái khi tắm ở các hồ bơi lớn ở các resort cần có mũ cao su chụp tóc. Một phần là vệ sinh, phần khác quan trọng hơn là tránh để tóc bị hút vào ống lọc nước ở bên hông hoặc đáy bể bơi. Tóc bị hút vào có thể khiến đầu bị ghim vào thành bể hoặc đáy bể.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-ro-nhung-ky-nang-can-thiet-tranh-duoi-nuoc-ngay-he-169250522104316006.htm