Anh Kenny Nguyễn chia sẻ tại talkshow AI với văn hóa Đọc. Ảnh: Ngọc Bích.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Trung Kiên (Kenny Nguyễn), Giám đốc Kỹ thuật tại Công ty TNHH Cốc Cốc, tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2025 do trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) tổ chức sáng 26/4.
AI đang làm gì trong văn hóa đọc
Theo anh Kenny, trong kỷ nguyên số, các định dạng như ebook, audiobooks và podcast đang trở thành xu hướng chủ đạo trong văn hóa đọc. Chúng mang lại sự tiện lợi cho người đọc, cho phép họ tiếp cận tri thức mọi lúc mọi nơi, đồng thời nâng cao trải nghiệm nghe và đọc.
Bên cạnh đó, với thời gian hạn hẹp, người đọc ngày càng chọn lựa nội dung ngắn gọn và dễ hiểu, làm nổi bật sự cần thiết của AI trong việc cung cấp tóm tắt chính xác.
Sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa đọc không chỉ thay đổi hình thức mà còn cả cách thức nội dung được truyền tải và tiêu thụ. Trong đó, AI đang thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cách mà chúng ta tiếp cận và tiêu thụ sách.
Cụ thể, AI giúp người dùng tóm tắt nội dung dài thành những điểm chính, tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng nhận thức. Các thuật toán AI giúp phân tích hành vi và sở thích đọc của người dùng để đưa ra các gợi ý sách phù hợp với nhu cầu, sở thích, khả năng, tầm hiểu biết của mỗi cá nhân.
Công cụ AI còn có khả năng chuyển văn bản thành giọng nói cho những người có nhu cầu đặc biệt, hoặc cho những ai ưu tiên nghe hơn là đọc.
Bên cạnh đó, AI có thể hỗ trợ người dùng trong việc giải thích các khái niệm phức tạp khi đọc; hỗ trợ người khiếm thị thông qua các dịch vụ đọc và chuyển đổi định dạng (ví dụ chuyển từ sách nổi thành văn bản, từ văn bản sang tiếng nói)...
Học sinh Nguyễn Siêu tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2025. Ảnh: Ngọc Bích.
Mặt trái của AI trong văn hóa đọc
Tuy nhiên, anh Kenny nhận định không ít mặt trái của AI trong văn hóa đọc. Theo đó, việc liên tục "nhờ" AI tóm tắt nội dung khiến người dùng phụ thuộc quá mức vào AI, dần dần lười đọc sách.
Nó cũng dẫn đến việc người đọc không còn khả năng tư duy độc lập và đối mặt với thông tin. Độc giả mất đi thói quen phân tích và phản biện, dẫn đến việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động.
Bên cạnh đó, người đọc có thể cảm thấy áp lực từ việc sử dụng công nghệ, làm giảm đi sự thư giãn và thoải mái mà việc đọc sách truyền thống mang lại.
Anh Kenny cũng nhắc đến nguy hại "bong bóng thông tin". Theo đó, sử dụng AI để tìm kiếm thông tin có thể dẫn đến việc người đọc chỉ tiếp cận những quan điểm một chiều. Dần dần, thế giới quan của họ hình thành xung quanh nó, nghĩ rằng mọi điều AI đưa ra là đúng, gây hạn chế trong tư duy.
Để tiếp cận AI một cách thông minh và có trách nhiệm, đảm bảo rằng công nghệ hỗ trợ chứ không thay thế vai trò của con người, anh Kenny gợi ý học sinh sử dụng AI với nguyên tắc 3C.
Cụ thể, các em cần cân bằng giữa đọc truyền thống và đọc thông qua AI. Ví dụ, các em có thể đọc sách truyền thống khi thư giãn và có nhiều thời gian, ngược lại, dùng AI khi cần tóm tắt nội dung dài trong thời gian ngắn.
Chủ động trong lựa chọn sách thông minh cũng là cách để các em tránh phụ thuộc vào AI.
"Chúng ta phải lấy lại thế chủ động. Thay vì luôn đọc sách do AI gợi ý, các em tự tìm cuốn sách mới, tự mở rộng phạm vi kiến thức của mình", vị chuyên gia nói.
Cuối cùng, học sinh cần sử dụng AI có đạo đức, đảm bảo rằng công nghệ thực sự phục vụ lợi ích của con người.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, xác định không thể cấm học sinh sử dụng AI, thay vào đó là khuyến khích, khuyến cáo các em cách để sử dụng tốt, biến AI trở thành trợ lý đắc lực và hạn chế các mặt trái.
Bà Thúy nhận định muốn sử dụng AI, học sinh phải làm cho AI hiểu mình. Muốn AI hiểu, các em phải đưa câu hỏi thông minh, đúng vấn đề để AI đưa ra câu trả lời đúng.
Như vậy, để sử dụng AI hiệu quả, việc đầu tiên các em phải làm là vững kiến thức cơ bản, biến nó thành năng lực, tự làm chủ mình và tự tin vào trí tuệ, cảm xúc của bản thân.
Ngọc Bích