Chuyên gia: Coi chừng trẻ hít chất gây ung thư từ đồ chơi Brainrot nhái

Chuyên gia: Coi chừng trẻ hít chất gây ung thư từ đồ chơi Brainrot nhái
9 giờ trướcBài gốc
Những món đồ ngộ nghĩnh lấy cảm hứng từ vũ trụ Brainrot trở thành “cơn sốt” mới trên thị trường đồ chơi trẻ em. Từ các nhân vật có tên gọi lạ tai như Tung Tung Tung Sahur, Tralalero Tralal… đến thú nhồi bông, mô hình nhựa đều đang mạnh mẽ chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã bắt mắt. Trẻ nhỏ thi nhau sưu tầm các nhân vật yêu thích, phụ huynh cũng tìm mua những món đồ chơi “hot trend” này để chiều lòng con.
Brainrot là loại đồ chơi đắt đỏ, mỗi món nhỏ xíu có giá từ 20–30 USD (khoảng 520.000–780.000 đồng) trong khi trẻ nhỏ thường thích sưu tầm nhiều món. Vì thế mà thị trường ngập tràn các phiên bản nhái phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình trở xuống, vốn chiếm số đông. Mỗi món đồ nhái giá 40.000–50.000 đồng, rẻ bằng 1/10 hàng chính hãng. Tiến sỹ Vũ Thị Tần, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cảnh báo, mua loại đồ nhái này đồng nghĩa với việc cho trẻ chơi đùa với chất độc.
Hiểm họa từ đồ chơi nhái
Theo Tiến sỹ Vũ Thị Tần, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất độc hại, thậm chí chất gây ung thư. Trẻ tiếp xúc thường xuyên với sản phẩm kém chất lượng có thể nhận hậu quả nghiêm trọng mà không phải phụ huynh nào cũng nhận thức được.
Một trong những mối nguy lớn nhất là formaldehyde, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thường có trong các loại nhựa tái chế, vải và nhồi bông không đạt chuẩn.
"Phía sau vẻ ngoài dễ thương, bắt mắt của những món đồ chơi giá rẻ là hàng loạt nguy cơ về sức khỏe. Dù ở nồng độ thấp, formaldehyde vẫn có thể gây ra các phản ứng tức thời như ho, kích ứng da, nổi mẩn đỏ hoặc viêm da tiếp xúc. Khi tiếp xúc ở mức độ cao hơn, cơ thể có thể gặp các triệu chứng khó chịu hơn như chảy nước mắt, đau rát mắt, mũi và họng", chuyên gia nhấn mạnh.
Đồ chơi nhựa mô phỏng các nhân vật trong vũ trụ Brainrot. (Ảnh: Chuyên gia cung cấp)
Formaldehyde từ lâu đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm 1 – các chất gây ung thư ở người. Từ năm 2004, formaldehyde được xác định có mối liên hệ trực tiếp với các loại ung thư ở trẻ em.
“Trẻ em có hệ miễn dịch và làn da mỏng manh hơn người lớn rất nhiều. Nếu tiếp xúc thường xuyên với formaldehyde qua các món đồ chơi không rõ nguồn gốc, tổn thương lâu dài là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cơ thể trẻ dễ bị tác động bởi các hóa chất độc hại trong thời gian dài mà không bộc lộ triệu chứng ngay lập tức. Đây là lý do khiến nhiều phụ huynh chủ quan khi lựa chọn đồ chơi cho con", TS Tần chia sẻ.
Tháng 6/2025, khoảng 2.000 món đồ chơi Baby Three nhái bị thu hồi tại Quảng Ninh vì chứa formaldehyde vượt ngưỡng cho phép. Vụ việc này là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh trong việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm mà con trẻ tiếp xúc hàng ngày.
Chất Formaldehyde được phát hiện trong 2.000 con Baby Three được thu hồi ở Quảng Ninh. (Ảnh: Chuyên gia cung cấp)
Cách nhận diện và chọn đồ chơi an toàn
Theo TS Vũ Thị Tần, các bậc cha mẹ nên ưu tiên chọn đồ chơi làm từ nhựa ABS nguyên sinh, loại nhựa an toàn, bền, không chứa chất gây ung thư. Hãy tránh những sản phẩm có mùi nhựa nồng, sắc sảo hoặc màu sắc quá rực rỡ bởi đó có thể là dấu hiệu của nhựa tái chế, phẩm màu công nghiệp và hóa chất độc hại.
Đối với thú nhồi bông và các sản phẩm chứa vải, cha mẹ cũng cần cẩn trọng. Formaldehyde thường được sử dụng trong ngành dệt may để giữ cho sản phẩm không nhăn, chống ẩm mốc khi vận chuyển hoặc trưng bày lâu ngày. Những chất này dễ tồn dư trong vải vóc và gây kích ứng da, kích ứng đường hô hấp khi trẻ tiếp xúc lâu dài.
Một mẹo nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng là luôn giặt sạch quần áo mới, gấu bông mới trước khi cho trẻ sử dụng. Đây là bước đơn giản nhưng hiệu quả trong việc loại bỏ hóa chất tồn dư mà nhiều phụ huynh bỏ qua vì nghĩ "hàng mới thì sạch".
TS Tần khuyến cáo, cha mẹ thường có xu hướng chiều theo sở thích tức thời của con mà quên đi rằng trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất trước các tác nhân môi trường, đặc biệt là hóa chất độc hại trong đồ dùng, đồ chơi. Những món đồ chơi rẻ tiền không rõ nguồn gốc có thể để lại hậu quả nặng nề về sau.
Khi mua đồ chơi, cha mẹ đừng chỉ nhìn vào hình dáng hoặc trào lưu mà hãy đọc kỹ nhãn mác, kiểm tra xuất xứ, chất liệu và ưu tiên những sản phẩm có chứng nhận an toàn từ các cơ quan uy tín.
Nhật Thùy
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chuyen-gia-coi-chung-tre-hit-chat-gay-ung-thu-tu-do-choi-brainrot-nhai-ar954423.html