Áp dụng phương pháp tăng thuế hỗn hợp với lộ trình tăng dần
Tại tọa đàm với chủ đề “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá – Những vấn đề đặt ra” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 19/11, nhiều đại biểu Quốc hội cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế - tài chính… đã cùng thảo luận, phân tích về lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá.
TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, chủ trì Tọa đàm cho rằng, các quy định cần phải được xây dựng thông qua nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam: “Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện và lấy ý kiến từ các bên liên quan với nhiều điểm sửa đổi quan trọng. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về Dự án Luật, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các quy định mới sẽ tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, ổn định, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo ông Nam, các quy định phải dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ, khoa học và thực tiễn, được xây dựng thông qua nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tham dự Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, tiếp tục khẳng định việc tăng Thuế TTĐB là cần thiết và nên áp dụng theo phương pháp hỗn hợp.
“Mục tiêu chính của việc tăng thuế là giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi và bệnh hô hấp”, bà Cúc phân tích.
Tuy nhiên, dẫn chứng bằng số liệu phân tích từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, bà Cúc chia sẻ cả hai phương án tăng thuế trong dự thảo đều dự báo tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030.
Sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm mạnh, với phương án 1 giảm 30% (tương đương 28 tỷ điếu) và phương án 2 giảm 36% (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thuốc lá, khi doanh thu giảm từ 32% đến 35%, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Cùng với đó, lượng thuốc lá lậu được dự báo tăng mạnh, với phương án 1 tăng 205% (khoảng 22 tỷ điếu) và phương án 2 tăng 230% (tương đương 24 tỷ điếu) vào năm 2030 so với năm 2025, đặt ra thách thức lớn cho công tác kiểm soát thị trường và thực thi pháp luật.
Từ đó, bà Cúc cũng cho rằng việc tăng giá thuốc lá hợp pháp sẽ tạo cơ hội cho thuốc lá lậu, vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng, tràn vào thị trường. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của chính sách khi tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm nhưng thuốc lá lậu lại gia tăng.
Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cũng đồng tình với việc tăng thuế nhưng nhấn mạnh rằng lộ trình tăng cần được giãn ra để các lực lượng quản lý, như Bộ đội Biên phòng, có thời gian chuẩn bị đối phó với tình trạng buôn lậu tăng cao.
Thượng tá Lê Thiện Thành cũng đồng tình với việc tăng thuế nhưng nhấn mạnh rằng lộ trình tăng cần được giãn ra để các lực lượng quản lý có thời gian chuẩn bị đối phó với tình trạng buôn lậu tăng cao.
Ông Thành đề xuất sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để xử phạt nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp hợp pháp.
Tương tự, khẳng định việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết, tuy nhiên, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện. Ông Nghĩa dẫn chứng, ngành thuốc lá vẫn có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua. Điển hình, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) nộp ngân sách tăng dần qua các năm, riêng trong năm 2023 đã nộp hơn 14.000 tỷ đồng vào ngân sách; đóng góp 100 tỷ đồng vào Quỹ Phòng chống COVID-19 và 265 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ Môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho hơn 90.000 nông dân…
Theo ông Hồ Lê Nghĩa, việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá – vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng. Vì vậy, ông đề xuất áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần: 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.
Lộ trình hợp lý để ổn định thị trường
Các Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và Tráng A Dương (Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc) đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng thuế nhưng lưu ý rằng lộ trình tăng cần có tính toán kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả giảm tỷ lệ hút thuốc mà không làm gia tăng buôn lậu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng thuận ý kiến với các Đại biểu khác về sự cần thiết về tăng thuế nhưng lộ trình tăng cần đạt được hiệu quả giảm tỷ lệ hút thuốc mà không làm gia tăng buôn lậu.
Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng đồng tình rằng: Mục tiêu quan trọng của tăng thuế TTĐB là thay đổi hành vi của người sử dụng thuốc lá. Vì vậy, việc tăng thuế không nên tăng đều hằng năm và mà nên có khoảng cách thời gian và có thể lùi thời gian áp dụng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị chuyển đổi.
Cho rằng mức tăng thuế tuyệt đối trong hai phương án dự thảo hiện nay là quá đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - VCCI lưu ý: Việc tăng thuế quá nhanh sẽ làm giá thuốc lá nội địa tăng mạnh, khiến người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu, đồng thời không tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi máy móc và vùng trồng nguyên liệu. Theo bà Thủy, cần lộ trình hợp lý để đảm bảo ổn định thị trường và giảm dần tác động tiêu cực.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phân tích, thuế TTĐB chỉ là một trong nhiều công cụ chính sách để đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội.
“Chính sách thuế cần xem xét đến chi phí sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như những tác động dài hạn đến sự dịch chuyển ngành nghề. Trong khi đó, từ góc độ cầu, cần chú trọng đến thói quen tiêu dùng, khả năng chấp nhận giá cả của người dân và hiệu quả của chính sách thuế trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng để hướng tới các mục tiêu như giảm thiểu tác hại sức khỏe hoặc bảo vệ môi trường”, TS Võ Trí Thành phân tích.
TS Võ Trí Thành phân tích chính sách thuế cần xem xét đến chi phí sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, những tác động dài hạn đến sự dịch chuyển ngành nghề.
Theo ông Võ Trí Thành, để thuế TTĐB thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự kết hợp linh hoạt với các công cụ chính sách khác, như truyền thông nâng cao nhận thức, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc triển khai chính sách này đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, cần lắng nghe tiếng nói của thị trường xem nó như thế nào, rồi quyết định điều chỉnh, để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tài chính, kinh tế và xã hội.
Hoàng Dung