Chuyên gia đánh giá về chiến lược linh hoạt của ASEAN với chính sách thuế quan của Mỹ

Chuyên gia đánh giá về chiến lược linh hoạt của ASEAN với chính sách thuế quan của Mỹ
11 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Cách tiếp cận thực tế và thận trọng
Theo đài CNA, động thái của ASEAN – không áp dụng các biện pháp trả đũa đối với thuế quan mới của Mỹ – không phải là biểu hiện của sự yếu thế, mà là một lựa chọn có tính toán.
Bà Joanne Lin, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhận định phản ứng đã được cân nhắc của ASEAN không mang tính đối đầu, nhưng cũng không phải là lựa chọn mềm mỏng. Thay vào đó, khối đang theo đuổi một con đường thận trọng, dựa trên đối thoại, hợp tác và tôn trọng luật lệ quốc tế.
Theo bà Lin, ASEAN không sở hữu quyền lực kinh tế vượt trội để gây sức ép, nhưng khối lại có lợi thế chiến lược rất lớn: với hơn 670 triệu dân và vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, ASEAN cũng là nhóm kinh tế lớn thứ 5 thế giới – một đối tác không thể xem nhẹ trên bàn cờ thương mại quốc tế.
“Thay vì phản ứng bằng thuế, ASEAN có thể định hình các nguyên tắc cơ bản của trật tự kinh tế toàn cầu – dựa trên luật lệ, mở cửa và hợp tác – thông qua tiếng nói tập thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên các thỏa thuận song phương và tư duy 'giao dịch', cách tiếp cận kết hợp – vừa thể hiện lập trường chung, vừa để các quốc gia tự đàm phán với Mỹ – là phương án khả thi nhất”, bà Lin phân tích.
Chiến lược ứng biến linh hoạt
Quang cảnh đường phố tại Bangkok, Thái Lan, ngày 21/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Cách tiếp cận này càng trở nên hợp lý khi xét tới tính khó đoán trước trong chính sách của ông Trump. Sau khi ban hành loạt thuế nhập khẩu gây sốc vào đầu tháng 4 – với mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho mọi hàng hóa nhập khẩu, cộng thêm các mức thuế đối ứng theo từng nước – Tổng thống Trump đã bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế đối với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc trong vòng 90 ngày kể từ ngày 9/4.
Và ASEAN đã phản ứng ngay sau đó. Trong tuyên bố ngày 10/4, khối tuyên bố không có ý định đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự. Thay vào đó, ASEAN mong muốn tiếp tục duy trì đối thoại cởi mở và xây dựng với Mỹ nhằm tháo gỡ những quan ngại thương mại.
“Giao tiếp chân thành và hợp tác chính là chìa khóa để gìn giữ mối quan hệ cân bằng và bền vững”, tuyên bố chung sau cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Timor-Leste, với sự tham dự của Tổng thư ký ASEAN, nhấn mạnh.
Bà Lin chỉ ra rằng phần lớn các quốc gia thành viên, đặc biệt là những nền kinh tế nhỏ hơn, không đủ năng lực để bước vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng như Trung Quốc mà không tự gây tổn hại cho chính mình.
“Phản ứng trả đũa có thể sẽ phá vỡ các ngành công nghiệp trong nước và các chuỗi cung ứng khu vực, trong khi lại không đủ lực để buộc Mỹ phải thay đổi chính sách,” bà giải thích.
Trên thực tế, việc Mỹ áp thuế đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã gây ra những tác động không nhỏ. Campuchia và Lào chịu mức thuế lên tới 49% và 48%; Việt Nam 46%, Myanmar 44% và Thái Lan 36%. Các quốc gia khác như Malaysia, Brunei, Philippines và Singapore cũng chịu thuế từ 10% đến 24%.
Dù chịu ảnh hưởng lớn, ASEAN vẫn chủ trương giữ vững tinh thần đoàn kết, đồng thời để ngỏ cánh cửa đối thoại song phương. Bằng chứng là Campuchia đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ xuống còn 5%. Bà Lin cho rằng động thái này không làm suy yếu khối, mà phản ánh sự linh hoạt trong khuôn khổ đồng thuận ASEAN.
Cùng lúc đó, Malaysia cũng đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN để trực tiếp thảo luận về vấn đề thuế quan. Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Zafrul Abdul Aziz, cho biết tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý đến Mỹ để gặp Tổng thống Trump.
Đàm phán – vũ khí chiến lược và khả thi nhất
Ông Carmelo Ferlito, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thị trường có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), nhận định: Mỹ nhiều khả năng mong muốn các nước ASEAN quay lại bàn đàm phán để xây dựng mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn, và việc áp thuế có thể chỉ là cách để thúc đẩy quá trình này. Theo ông, trong bối cảnh hiện tại, “tìm kiếm đối thoại là biện pháp hiệu quả và rất có thể đây là điều mà Mỹ mong muốn ngay từ đầu”.
Tuy nhiên, bà Lin cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả cụ thể, ASEAN cần tính đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ. Dù vậy, theo chuyên gia địa chính trị Oh Ei Sun, điều này không dễ dàng, bởi Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu đối với nhiều mặt hàng chủ lực của khu vực - như chất bán dẫn và sản phẩm năng lượng Mặt Trời.
Tăng cường nội lực và hội nhập khu vực
Hàng hóa được bày bán tại siêu thị ở Rosemead, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 4/3/2025. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trước những biến động khó lường từ bên ngoài, bà Lin đề xuất ASEAN nên củng cố nội lực: đầu tư vào hội nhập kinh tế nội khối, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, cải thiện hạ tầng và điều chỉnh các quy định pháp lý để tăng tính cạnh tranh của khu vực như một trung tâm sản xuất có sức đề kháng cao.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các nền tảng hiện có – như Ủy ban ASEAN tại Washington – sẽ giúp khối truyền tải thông điệp thống nhất tới các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
“Thách thức lớn nhất là giữ vững sự đồng thuận, tính linh hoạt và tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục biến đổi”, bà nhấn mạnh.
Ông Ferlito thì đề cao vai trò của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như một giải pháp then chốt. Theo ông, những FTA thực sự – cho phép thương mại không thuế giữa các đối tác – sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới.
“Trong thế giới đang ngày càng hội nhập, tự lực là điều không tưởng. Tăng trưởng kinh tế được tạo ra bằng cách mở cửa, chứ không phải từ việc khép mình. Vì vậy, để tạo ra sức mạnh về kinh tế, các quốc gia cần hội nhập chứ không phải cô lập”, ông kết luận.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng nếu căng thẳng thuế quan đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, điều đó sẽ tác động nghiêm trọng đến khu vực ASEAN.
Ông James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Tasmania, cảnh báo: “Nhiều quốc gia ASEAN hiện phụ thuộc nặng nề vào thương mại và dòng vốn từ Trung Quốc. Nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu sâu sắc hơn, ASEA chắc chắn sẽ trở thành nạn nhân gián tiếp – một loại ‘tổn thất ngoài dự kiến’ của cuộc chiến giữa hai siêu cường”.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNA)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-danh-gia-ve-chien-luoc-linh-hoat-cua-asean-voi-chinh-sach-thue-quan-cua-my-20250412215952311.htm