PGS.TS. Nguyễn Lân Cường qua đời ở tuổi 84. (Nguồn: Vietnamnet)
PGS.TS. nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sinh năm 1941, là con thứ tư của cố NGND Nguyễn Lân. Chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học từng đảm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và chỉ huy Dàn hợp xướng Hanoi Harmony.
Ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm đáng tự hào của ông là sách Bộ xương nói với bạn điều gì? gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính ông vẽ.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường sớm định hình một con đường riêng mang dấu ấn mạnh mẽ giữa khoa học và nghệ thuật. Với ông, khảo cổ học không phải chỉ là chuyện đào xới di tích, nghiên cứu bộ xương khô cằn mà là hành trình tìm về sự sống - nơi mỗi di cốt là một câu chuyện, một linh hồn cần được hiểu, trân trọng và phục hồi.
Hơn 50 năm gắn bó với cổ nhân học, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ tại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều công trình khảo cổ học lớn, tiêu biểu như nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội), cũng như các đề tài quốc gia về phục chế, tu bổ tượng nhục thân thiền sư tại chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn, chùa Phật Tích...
Không dừng ở những nghiên cứu khô khan, ông đưa sự sống vào khoa học bằng cả nét cọ và nốt nhạc. Cuốn sách Bộ xương người nói với bạn điều gì? - ấn phẩm đoạt giải B tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2024 là minh chứng sinh động. Tác phẩm không chỉ chứa đựng tri thức khoa học mà còn được ông tự tay vẽ minh họa hơn 320 hình sơn dầu, khiến bộ xương tưởng chừng vô tri bỗng trở nên gần gũi, mang vẻ đẹp nhân bản.
Ông có gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc, nổi bật như Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo... Sau những bụi bặm, nhọc nhằn đường xa gắn với các chuyến đi nghiên cứu về di cốt người cổ, trở về Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa và lên sân khấu phiêu cùng những bản hợp xướng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nói đó là khoảnh khắc được là chính mình.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường để lại nhiều giáo trình, sách, công trình khoa học về khảo cổ và âm nhạc, với hơn 70 tác phẩm âm nhạc, gồm hợp xướng và các ca khúc chủ yếu viết cho thiếu nhi. Những sáng tác đầu tay gắn với tên tuổi ông như ca khúc Tiếng hát bản Mường và hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ, từng đoạt giải trong các cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên của Hà Nội.
Chủ đề cho thiếu nhi ông được nhắc tới với các ca khúc Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa...
Phi Yến