Chuyên gia: Để người trẻ mua được nhà, cần hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà giá rẻ

Chuyên gia: Để người trẻ mua được nhà, cần hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà giá rẻ
một ngày trướcBài gốc
Giảm mạnh lãi suất
Theo nhiều chuyên gia, để doanh nghiệp làm được nhà ở thương mại giá rẻ, phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân, đặc biệt là người trẻ, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về lãi suất.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, cần có những ưu đãi về lãi suất khi doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, có như vậy, doanh nghiệp mới mặn mà với phân khúc này, thay vì tập trung làm nhà trung và cao cấp như hiện nay.
Cụ thể, ông Huy đề xuất, nếu doanh nghiệp làm nhà thương mại giá rẻ thì nên có mức hỗ trợ lãi suất chỉ 3 - 4%/năm. Với mức này, doanh nghiệp sẽ bớt một phần áp lực về chi phí lãi vay, từ đó có thể giảm chi phí và giá thành sản phẩm.
Tất nhiên, để được hưởng mức lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp phải cam kết giá bán nhà dưới 35 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và TP.HCM; dưới 30 triệu đồng/m2 tại các tỉnh khác. Các căn hộ phát triển chỉ nên có diện tích nhỏ 35 - 60m2. Tổng giá trị căn hộ không quá 2,5 tỷ đồng tại Hà Nội và TP.HCM và không quá 1,5 tỷ đồng tại các tỉnh.
"Mục tiêu của chính sách này là khuyến khích phát triển phân khúc nhà vừa túi tiền, thay vì dồn lực vào các dự án cao cấp vốn không phục vụ số đông. Điều này cũng tăng thêm nguồn cung nhà phù hợp túi tiền cho người trẻ", ông Huy nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp làm nhà giá rẻ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận, lãi suất cao là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp không muốn làm nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội.
"Tôi từng làm nhà ở xã hội và phải vay ngân hàng với mức lãi suất 14%, tương đương như lãi suất thương mại. Với mức lãi suất này thì khó có thể giảm giá thành xây dựng và giá nhà xuống được", vị này cho biết.
Ông đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ, mức lãi suất chỉ nên dưới 5%/năm, thời gian hỗ trợ cần kéo dài thêm và các điều kiện vay cũng đơn giản hóa hơn. Có như vậy, doanh nghiệp mới mặn mà với phân khúc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, phân tích: Về tài chính bất động sản, doanh nghiệp trông chờ vào 4 nguồn: huy động từ nhà đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, vốn chủ sở hữu. Tín dụng là nguồn vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp, song tiền chảy ra thị trường vẫn còn hạn chế do điều kiện vay khó khăn, dù ngân hàng đang thừa vốn.
Ngoài ra, một số giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra như cho phép doanh nghiệp được chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác… cũng khó triển khai trên thực tế
Chính vì vậy, song song với việc điều chỉnh hạ lãi suất, các ngân hàng cần xem xét, nới lỏng điều kiện vay để doanh nghiệp, khách hàng tăng cơ hội tiếp cận được với các khoản vay, tránh trường hợp “lãi tuy giảm” nhưng thủ tục lại “chặt”.
Gỡ nút thắt pháp lý cho dự án
Chỉ ra nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao vượt quá khả năng chi trả của người dân, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh những vướng mắc về pháp lý kéo dài trong thời gian qua khiến nhiều dự án bị ách tắc, đình trệ, có những dự án mất tới 4-5 năm, thậm chí lâu hơn mới hoàn thiện thủ tục pháp lý, kéo theo chi phí bị “đội” lên rất nhiều so với kế hoạch ban đầu. Điều này khiến chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán để bù đắp.
Chính vì vậy, theo ông Châu, để hạ giá nhà, Nhà nước cần tiếp tục rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài thì chi phí xây dựng càng đội lên cao tính vào giá nhà; thủ tục hành chính càng rút ngắn thì mới càng mong giảm được giá nhà ở cho người dân.
Ngoài lãi suất, cần đẩy nhanh thủ tục pháp lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh minh họa: Minh Đức).
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản là một giải pháp nhưng chưa đủ để kéo giảm giá nhà. Bởi vì giá nhà không chỉ phụ thuộc vào lãi vay mà còn bị chi phối bởi hàng loạt yếu tố. Thời gian hoàn tất pháp lý thường kéo dài 3-5 năm, khiến chi phí tài chính đội lên rất lớn. Điều này cần cải cách pháp lý, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án xuống để giảm chi phí cơ hội và lãi vay cho doanh nghiệp.
Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp huy động vốn xã hội hợp pháp (quỹ đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác công tư) thay vì phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, cần hỗ trợ thuế, phí và đất đai để khuyến khích phát triển các dự án nhà ở có giá phù hợp với đại đa số người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng; xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của bất động sản. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi “gây khó” cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án, tránh phát sinh các chi phí khác.
Trong buổi gặp các ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu để có những gói cho vay ưu đãi cho người trẻ, xác định từ 35 tuổi trở xuống mua nhà. Sau đó không lâu, ngân hàng ACB công bố gói vay dành cho người trẻ với thời gian 30 năm, thời gian cố định lãi suất kỳ đầu tiên lên đến 5 năm, lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm.
Tại Ngân hàng VIB, khách hàng trẻ có thể chọn những gói vay linh hoạt, trả gốc theo nhu cầu với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, khách hàng trẻ có thể chọn gói vay với lãi suất chỉ từ 6,3%, ưu đãi biên độ lãi suất chỉ từ 2,5%, tùy theo sản phẩm khách hàng tham gia.
Châu Anh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chuyen-gia-de-nguoi-tre-mua-duoc-nha-can-ho-tro-doanh-nghiep-xay-nha-gia-re-ar926886.html