Nước sông Đà có thể chảy và làm sạch sông Tô Lịch
KS Nguyễn Trường Duy, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước, nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, đã hơn 20 năm nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước các con sông diễn ra ngày càng trầm trọng, sông không có dòng chảy thường xuyên nước tù đọng, mầu đen ngòm, đặc quánh, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc khó chịu, gây ô nhiễm môi trường, làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm trong khu vực.
Nhiều người dân vẫn phải dùng nước bẩn này để tưới cho lúa, rau màu, cây trồng và đưa vào ao hồ để nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản, thực phẩm và sức khỏe đời sống nhân dân.
Chuyên gia để xuất có thể dẫn nước sông Đà về làm sạch sông hồ Hà Nội.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên hiện nay Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó tập thu gom và xử lý nước thải để năm 2025 đạt 50% và phấn đầu đến năm 2030 sẽ đạt 100% nước thải được xử lý.
Theo KS Duy, giải pháp bơm nước sông Hồng vào thau rửa 2 con sông Tô Lịch và sông Nhuệ cần được phải được nghiên cứu kỹ. Vòng đời của một trạm bơm thì chi phí xây dựng chỉ chiếm 5-10% còn lại là chi phí bảo trì và vận hành. Về lâu dài, đơn giá bơm điện quá cao và không bền vững.
Giải pháp là cấp nguồn tự chảy có thể thay thế xây trạm bơm. Hà Nội có địa hình dốc từ Ba Vì về Hồ Tây và ở ngay chân núi Ba Vì có con sông Đà, dòng chảy từ phía Nam lên phía Bắc, hợp lưu với sông Hồng tại xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Sông Đà có cao trình mức nước cao hơn rất nhiều so với sông Hồng và đóng góp trên 40% lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng. Nguồn nước chảy trên sông Đà đoạn này là nước xả của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nên luôn có dòng chảy.
Cống Thuần Mỹ lấy nước vào sông Tích, nằm trên bờ hữu sông Đà, cống có 3 cửa mỗi cửa rộng 6,0m và có 2 tầng lấy nước, tầng dưới cao trình đáy +5,5m và tầng trên cao trình đáy +10,0m. Với cao trình đáy cống thiết kế lấy nước như trên thì mực nước sông Đà trước cống dao động từ +9,0m đến +12,0m và lấy qua cống khoảng 100m3/s. Như vậy nước vào sông Tích về đến Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sẽ sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây khoảng +10,0m.
Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40m3/s theo sông Tích về sông Bùi; Còn 60m3/s theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30m3/s; về đến sông Nhuệ xả 25m3/s, còn lại 5m3/s về sông Tô Lịch và Hồ Tây.
"Từ cống Thuần Mỹ về đến Sơn Tây là dòng sông Tích dài 37 km đã có sẵn; Từ Sơn Tây về đến vành đai 4 dài khoảng 20km vẫn là đất nông nghiệp, đã được cắm mốc chỉ giới, đoạn này làm kênh hở, dưới là kênh dẫn nước, trên là đường giao thông. Đoạn từ đường vành đai 4 đến đường Võ Chí Công ra sông Tô Lịch dài khoảng 10km, đường đang thi công có đoạn đã xong chiều rộng B=60,5m, đoạn này lưu lượng nhỏ làm kênh hộp hoặc xi phông đi ngầm dưới hè đường", KS Nguyễn Trường Duy phân tích.
Theo yêu cầu mực nước thiết kế tại sông Đáy +5,4m; sông Nhuệ +3,7m, sông Tô Lịch khoảng + 4,5m. Trong khi đó theo tuyến chuyển nước từ sông Đà vào sông Tích về đến Sơn Tây là +10,0m về đến sông Đáy khoảng +8,5m, còn lại 10km về sông Nhuệ và sông Tô Lịch có độ chênh mực nước khoảng 5,0m là hoàn toàn tự chảy được.
Tuy nhiên do mấy năm gần đây việc khai thác cát và biến động của dòng chảy đã hạ thấp cao trình đáy sông Đà, kết hợp với sự biến động của thời tiết không theo quy luật đã làm giảm cao trình mực nước sông Đà trước cống Thuần Mỹ rất thấp không lấy được nước vào sông Tích. Vì vậy cần làm đập dâng trên sông Đà sau cống Thuần Mỹ sử dụng đa mục tiêu để trả lại cao trình đáy sông Đà và mực nước theo thiết kế của cống Thuần Mỹ.
Dự kiến lấy vào cống Thuần Mỹ khoảng 100m3/s chỉ bằng 60% của 3 con sông đã được cấp phép (sông Tích 60m3/s, sông Đáy 36,0m3/s, sông Nhuệ 70m3/s), nên không làm thiếu hụt nguồn nước vùng hạ lưu do làm đập dâng.
Sông Đáy và sông Nhuệ sẽ có dòng chảy tự nhiên
Ở phương án làm đập dâng, theo KS Nguyễn Trường Duy, tuyến công trình theo dòng sông Tích hiện tại và kết hợp với tuyến đường giao thông theo quy hoạch sử dụng đa mục tiêu, để không phải tái định cư, chi phí giải phóng mặt thấp, mặt bằng thi công thuận lợi.
Sử dụng hệ thống Thủy lợi đã có để chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt nội đồng. Mùa khô lấy nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ điều tiết cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Mùa mưa đóng cống Thuần Mỹ để không xẩy ra ngập lụt trong đồng phía hạ lưu; khi mực nước sông Hồng tại Cẩm Đình (+5,40m), mở cống Cẩm Đình đưa nước vào Sông Đáy; mực nước sông Hồng tại Liên Mạc (+3,70m) mở cống Liên Mạc đưa nước vào sông Nhuệ theo quy trình vận hành được duyệt.
Như vậy sông Đáy và sông Nhuệ thường xuyên có dòng chảy tự nhiên, chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, góp phần quan trọng vào cải tạo môi trường.
Chất lượng nước sông Đà luôn trong sạch, vì bùn cát và tạp chất đã được lắng đọng qua 3 hồ thủy điện trên sông Đà (Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu) và các hồ thủy điện trên sông nhánh (Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến, Nậm Na...).
Tuyến chuyển nước đi qua đầu các trục sông và hệ thống tưới thủy lợi nên rất thuận về cao độ cột nước để hoàn toàn tự chảy, đồng thời luôn chủ động được thời vụ. Khi cần tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thì vận hành các cửa điều tiết đưa nước về hệ thống kênh tưới. Tùy theo thực tế có thể sử dụng phương án cấp luân phiên để dâng cao đầu nước trên từng hệ thống tưới, sẽ tiết kiện được tiền điện, sản xuất đúng thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng.
Đập dâng sẽ tạo ra một kho nước dự trữ cho Hà Nội chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường; nhà máy nước sông Đà và các nhà máy lấy nước mặt luôn chủ động được nguồn. Đập dâng có âu thuyền sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thủy từ sông Hồng theo sông Đà lên thủy điện Hòa Bình được thuận tiện. Tạo cho nhân dân hai bên bờ sông phát triển kinh tế ổn định như du lịch đường thủy, nuôi cá lồng trên sông Đà...
Hồi sinh các dòng sông của Thủ đô Hà Nội cần được ưu tiên đầu tư, dự án chỉ đầu tư một lần, chi phí không cao nhưng sử dụng lâu dài, mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế và môi trường làm cho Thủ đô Hà Nội trở nên xanh, sạch, đẹp bền vững.
Mới đây, Hà Nội đang tìm giải pháp kỹ thuật để dẫn nước từ sông Hồng qua đê Âu Cơ về hồ Tây, làm 'hồi sinh' sông Tô Lịch. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sở đã phối hợp với các cơ quan khảo sát vị trí hệ thống bơm nước sông Hồng vào hồ Tây để cải thiện môi trường sông Tô Lịch. Đồng thời làm việc với Cục Đê điều (Bộ NN&PTNT) để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây qua đê Âu Cơ.
Để ngăn chặn sự ô nhiễm không dừng ấy của sông Tô Lịch cũng như các con sông nội đô khác, TP. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp để làm sạch hệ thống sông. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Dấu ấn rõ nét là năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm đã được TP Hà Nội đưa vào vận hành, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu.
Cùng đó, nhiều dự án cũng được TP. Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.
Tô Hội