Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, việc xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là yêu cầu tất yếu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ sửa đổi hoặc ban hành thay thế Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, bên cạnh sửa đổi thì những nguyên tắc nền tảng trong Quyết định số 37 cần tiếp tục được giữ vững và phát huy, thậm chí siết chặt hơn nữa để bảo đảm chất lượng đội ngũ học thuật đầu ngành.
Sửa đổi trên tinh thần không giảm nhẹ các tiêu chuẩn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, so với những quy định trước đó, các Quyết định số 37, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg) có các yêu cầu cao và tiêu chuẩn khắt khe, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn đất nước và nền học thuật nước nhà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải. (Nguồn ảnh: Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu)
“Dù còn có những hạn chế nhất định, chưa thật sự phù hợp, đồng bộ với thực tiễn và các văn bản pháp quy khác, nhưng việc thực hiện Quyết định số 37 đã có tác động mạnh đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, viện hàn lâm và viện nghiên cứu chứ không chỉ đến đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong cả nước”, Phó Giáo sư Hải chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) bày tỏ, về ưu điểm, các tiêu chí đánh giá trong Quyết định số 37 đã giúp sàng lọc và đánh giá công bằng, khách quan các ứng viên. Đặc biệt, với những quy định cụ thể về chuẩn giờ giảng, nhiệm vụ hướng dẫn, công bố khoa học…, Quyết định số 37 đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của giảng viên giữ chức danh giáo sư, phó giáo sư - “điều mà trước đây đôi khi còn mơ hồ”, Phó Giáo sư Đức nhận xét.
Theo thầy Đức, chức danh giáo sư, phó giáo sư không chỉ là sự công nhận về học thuật, mà còn đi kèm với trách nhiệm thực thi chuyên môn trong đơn vị.
Tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), các nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư đều được quy định rõ ràng, phù hợp với chức danh, từ khối lượng giảng dạy cho đến nhiệm vụ nghiên cứu, hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh.
“Bên cạnh trách nhiệm cá nhân, mỗi giáo sư, phó giáo sư còn được sự quan tâm, quy hoạch chuyên môn của nhà trường. Giáo sư, phó giáo sư phải làm việc tương xứng với vị trí học thuật mà họ đảm nhận”, Phó Giáo sư Đức chia sẻ.
Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người đánh giá, bản thân người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, cũng như các nhà trường, viện nghiên cứu đều được hưởng một số lợi ích nhất định, tùy thuộc vào đối tượng và trường hợp cụ thể.
“Ví dụ, khi được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, bản thân người này sẽ được nâng ngạch lương, hoặc được nâng một bậc lương trước hạn,... Đương nhiên, việc này cũng đang có tình trạng “mỗi nơi một khác, mỗi nơi làm một kiểu” nên lợi ích các bên cũng không giống nhau tuyệt đối”, Phó Giáo sư Hải nêu.
Trước thực tế một số quy định liên quan đến ngoại ngữ, số lượng bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo, số giờ giảng,... trong Quyết định số 37 đã và đang nảy sinh bất cập thời gian qua, ở góc độ cơ sở giáo dục đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) khẳng định, Quyết định số 37 bảo đảm chặt chẽ, chất lượng ứng viên nâng lên. Những quy định về ngoại ngữ, số giờ giảng,... chưa nhận thấy phát sinh tiêu cực trong nhà trường. Nhà trường kê khai rõ ràng, có bộ phận giám sát kiểm tra, và các hội đồng ở các cấp rà soát rất kỹ, nghiêm túc hồ sơ của ứng viên.
Mặt khác, Phó Giáo sư Hải nhận định rằng, những quy định trên có một vài điểm bất hợp lý, song điều quan trọng hơn cả là việc thực hiện các quy định đó có đúng và trúng hay không. Nếu không, sẽ làm nảy sinh những tiêu cực, làm “nản lòng” các ứng viên, gây tác động đến chất lượng và số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.
Cụ thể, thầy Hải lấy ví dụ, về việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh đã có quy định rõ ràng, nhưng mức độ chặt chẽ ở mỗi nơi một khác. Đáng lưu ý là hội đồng cơ sở, hội đồng liên ngành đánh giá đúng thực chất trình độ ngoại ngữ của các ứng viên ra sao?
Quy định về số lượng bài báo khoa học, sách chuyên khảo, số giờ giảng, cách quy đổi điểm cũng có bất cập, ảnh hưởng đến các ứng viên. Đơn cử như làm từ điển chuyên ngành - sách công cụ mà được tính tối đa 1 điểm tương đương 1 bài báo dài 8-12 trang, hoặc một sách chuyên khảo tối đa là 3 điểm tương ứng 3 bài báo tính điểm tối đa là chưa hợp lý - “cách quy đổi này cũng là nguyên nhân khiến cho có ít giáo sư, phó giáo sư viết sách chuyên khảo, làm từ điển,... Một nền học thuật định hướng công nhận và tôn vinh các giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở đánh giá các bài tạp chí cao hơn sách chuyên khảo, giáo trình, từ điển,... sẽ có phần không hợp lý”, Phó Giáo sư Hải chia sẻ.
Bày tỏ sự lo ngại khi thời gian gần đây, số lượng giáo sư, phó giáo sư đang có xu hướng giảm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải cho rằng, nếu xu hướng này còn tiếp diễn thì nhiều nơi sẽ “trắng” giáo sư, và tiếp đến sẽ “trắng” phó giáo sư.
“Nếu tính trong độ tuổi làm việc thì Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện có ít giáo sư. Chưa kể, ở các trường đại học, khoa về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, số lượng các ứng viên được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trong vài ba năm gần đây cũng ngày càng ít dần. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có gắn với quy định của Quyết định số 37 và nguyên nhân khác.
Nếu chỉ nhìn vào Quyết định số 37 với hy vọng bằng việc sửa đổi các điểm cụ thể trong đó để tạo nên sự gia tăng số lượng và chất lượng giáo sư, phó giáo sư ngay trong một, hai năm tới thì khó khả thi, nhất là với yêu cầu số lượng gắn với chất lượng thực sự. Tuy nhiên, việc sửa đổi Quyết định số 37 lúc này là điều cần thiết và phải sửa một cách căn bản theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”
_Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải chia sẻ_
Một vấn đề khác đặt ra là việc áp dụng một bộ tiêu chí chung trong xét duyệt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn. Theo Phó Giáo sư Đức, thực tế là nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên thường có lợi thế hơn trong công bố quốc tế so với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, Quyết định số 37 cũng đã tính đến điều này khi phân chia thành các khối ngành, áp dụng tiêu chí phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực. Đó là một điểm hợp lý và cần tiếp tục được giữ trong phiên bản sửa đổi sắp tới.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Hải cho rằng, điều này gây ra sự bất bình đẳng do mức độ khó khăn trong công bố quốc tế khác nhau rõ rệt giữa các ngành. Thực tế nhiều năm qua, có nơi cũng chưa đánh giá thực chất các bài đăng quốc tế của ứng viên.
“Về thực chất của ứng viên thì các chuyên gia trong ngành, trong nghề đều có thể nắm được trình độ, khả năng và phẩm chất của họ. Do đó, sau khi xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên thì tình trạng xì xào, ồn ào mới nảy sinh (nếu không thực chất). Điều này cho thấy, nếu căn cứ vào tiêu chuẩn cứng ở Quyết định số 37 trong việc xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và xét duyệt ở các hội đồng trong thực tế thì có vẻ đang nặng về mặt số lượng hơn chất lượng.
Tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng ít giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc Khoa học xã hội và Nhân văn, thì phải giảm nhẹ các tiêu chuẩn trong Quyết định số 37. Bởi, nếu giảm nhẹ các tiêu chuẩn này có thể làm tăng số lượng ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng sẽ giảm chất lượng, rất đáng lo ngại”, Phó Giáo sư Hải chia sẻ.
Đề xuất cải cách trình tự xét duyệt và bổ nhiệm
Trong xu thế đổi mới giáo dục đại học, chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các chức danh học thuật cao, có vai trò then chốt. Do đó, Phó Giáo sư Đức cho rằng, mọi sửa đổi chính sách cần dựa trên nguyên tắc không nới lỏng, không thỏa hiệp với chất lượng mà phải đặt mục tiêu nâng cao chuẩn mực lên hàng đầu.
Các ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt tiêu chuẩn chức danh theo Quyết định số 37 là rất xứng đáng. Nếu sửa đổi Quyết định số 37 thì cần làm chặt chẽ, theo hướng nâng cao chất lượng hơn nữa. Trong đó, một điểm quan trọng được nhấn mạnh là vai trò của hội đồng giáo sư cơ sở. Hiện nay, quy trình xét duyệt được thực hiện rất bài bản, công khai, minh bạch, phản biện kín, đối chất giữa các thành viên trong hội đồng. Việc này tuy tốn nhiều thời gian nhưng là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng và sự công tâm.
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức danh phó giáo sư năm 2024. (Ảnh: website nhà trường)
Bên cạnh những ưu điểm, từ góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư Hải nhận xét, hiện nay, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các tầng hội đồng với rất nhiều giấy tờ, thủ tục, gây nhiều phiền hà, trùng lặp, lãng phí. Chưa kể đến việc còn một cấp ở cơ sở là bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Quy trình này thành ra phải qua 4 tầng xét (Hội đồng Giáo sư cơ sở; Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng Giáo sư nhà nước; Hội đồng xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư) ứng với 4 hội đồng khác nhau thì ứng viên mới thực sự được công nhận chức danh giáo sư, hoặc phó giáo sư trong thực tế.
“Với Quyết định số 37, có lẽ nên khuyến nghị chỉnh sửa một cách căn bản từ nền tảng theo tinh thần: giảm bớt trình tự xét duyệt và bổ nhiệm từ 4 hội đồng thành 2 tầng xét ứng với 2 hội đồng, quy định xét duyệt chặt chẽ về trách nhiệm giải trình, minh bạch, dân chủ, công khai, khách quan, công bằng.
Cụ thể, hội đồng cấp cơ sở (các trường/khối trường) xét hồ sơ trực tiếp; sau đó hội đồng cấp trên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, miễn nhiệm. Tất cả công việc của 4 hội đồng như trong Quyết định số 37 nên được quy định cho 2 cấp hội đồng sẽ góp phần đơn giản hóa nhiều thủ tục trùng lặp, không cần thiết, tránh lãng phí”, Phó Giáo sư Hải chia sẻ.
Bàn thêm về việc khuyến khích giáo sư, phó giáo sư tiếp tục cống hiến hết mình cho học thuật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người bày tỏ, chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư bắt nguồn từ chất lượng đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đào tạo ở một số cơ sở giáo dục, cũng như chất lượng bài báo khoa học của nhiều tiến sĩ thấp, lương thưởng cho đội ngũ trí thức cũng thấp so với mặt bằng xã hội đang khiến nhiều người mất động lực phấn đấu.
Từ ngày 1/7/2024, với mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thì mức lương của giáo sư và phó giáo sư như sau (chưa bao gồm phụ cấp):
Với lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp có mức lương dao động từ khoảng 20 triệu đồng/tháng đến hơn 23 triệu đồng/tháng.
Với lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp có mức lương dao động từ 14-18 triệu đồng/tháng.
Khi lương và đãi ngộ cho các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chưa tương xứng, khiến cho họ “chân ngoài dài hơn chân trong”.
Chưa kể, thủ tục liên quan đến nghiên cứu khoa học và thù lao cho việc nghiên cứu cũng đang làm nản chí nhà khoa học làm chủ nhiệm đề tài các cấp, sụt giảm tinh thần cống hiến cho khoa học.
Ngoài ra, giáo sư, phó giáo sư đến tuổi về hưu muốn tiếp tục cống hiến thì cũng chỉ được kéo dài thời gian làm việc ngang với tiến sĩ là nghiên cứu viên cao cấp hoặc giảng viên cao cấp (Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 của Chính phủ Về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, các giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng). Do vậy, sẽ có nhiều tiến sĩ cũng không còn động lực làm giáo sư, phó giáo sư.
Nguyễn Mai