Chuyên gia: Đề xuất mức thuế 0% đối với hàng hóa Hoa Kỳ của Việt Nam là động thái kịp thời và mang tính chiến lược

Chuyên gia: Đề xuất mức thuế 0% đối với hàng hóa Hoa Kỳ của Việt Nam là động thái kịp thời và mang tính chiến lược
một ngày trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối 4/4. (Nguồn: TTXVN, Nhà Trắng)
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, động thái chủ động của Việt Nam, trong cuộc điện đàm ngày 4/4 giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald J. Trump, nhằm đàm phán giảm thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ xuống mức 0% không chỉ là một "cành ô liu mang tính biểu tượng" - mà còn là một động thái được tính toán và có chiến lược.
Quyết định này không chỉ phản ánh chủ nghĩa thực dụng về kinh tế, mà còn phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về động lực địa chính trị đang thay đổi, đặc biệt là khi Hoa Kỳ đánh giá lại các mối quan hệ thương mại của mình trong khuôn khổ các chính sách kinh tế tiềm tàng thời Tổng thống Trump.
Thuế quan - Con dao hai lưỡi
Thuế quan từ lâu đã được coi là một "công cụ cùn"—không chỉ gây hại cho các nhà xuất khẩu mục tiêu mà còn bất lợi đối với người tiêu dùng trong nước và chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu thực nghiệm và nhiều thập kỷ kinh nghiệm thương mại toàn cầu cho thấy, thuế quan làm tăng chi phí, làm xói mòn khả năng cạnh tranh và dẫn đến các biện pháp trả đũa, thường gây tổn hại cho tất cả các bên liên quan.
Thay vì trả đũa, Việt Nam đã lựa chọn một con đường thông minh hơn - đưa ra mức giảm đơn phương xuống 0% đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Điều này tránh được căng thẳng leo thang trong khi củng cố cam kết của Việt Nam đối với thương mại tự do. Nó cũng đảm bảo cho chiến lược tiếp tục tiếp cận thị trường Hoa Kỳ - điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, với thương mại song phương đạt khoảng 136 tỷ USD vào năm 2024.
Động thái này của Việt Nam đồng thời, mở ra một thị trường Việt Nam cho hàng hóa công nghệ và nông nghiệp của Hoa Kỳ giá rẻ hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước.
Về mặt địa chính trị, động thái này cũng gửi đi một tín hiệu kịp thời. Bằng cách đưa ra đề xuất vào đúng thời điểm ông Donald Trump đang đề cao chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”, Việt Nam đã thực sự mang lại cho ông ấy một chiến thắng về quan hệ công chúng - minh chứng rằng - các chính sách thương mại cứng rắn sẽ mang lại những "nhượng bộ".
Điều này có thể giúp bảo vệ Việt Nam khỏi các hành động trừng phạt trong tương lai.
Trên thực tế, thị trường lập tức phản ứng tích cực với cách xử lý của Việt Nam. Cổ phiếu các thương hiệu lớn của Hoa Kỳ sản xuất tại Việt Nam—như Nike và Adidas—đã phục hồi ngay lập tức, dự đoán điều kiện thương mại được cải thiện và rủi ro hoạt động thấp hơn.
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và thực tế?
Ông Trần Sĩ Chương có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và một số doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ông từng là Trợ lý Nghị sĩ về đối ngoại và thương mại quốc tế, đồng thời là Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, D.C.
Liệu nước Mỹ có thực sự đang suy thoái? Không phải theo hầu hết các chỉ số cấu trúc.
Năm 1991, GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 1,7% sản lượng toàn cầu trong khi Hoa Kỳ chiếm 26%.
Năm 2025, mặc dù Trung Quốc tăng nhanh lên 18,5% GDP toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn duy trì mức ổn định là 25%, với nền kinh tế 30,34 nghìn tỷ USD.
Tiềm lực thực tế tiếp tục minh chứng cho vị thế dẫn đầu của Washington trong các hệ thống kinh tế toàn cầu, đổi mới công nghệ và sức mạnh thể chế.
Về mặt quân sự, Hoa Kỳ vượt qua tất cả các quốc gia có ngân sách quốc phòng 900 tỷ USD - gấp 4 đến 5 lần so với Trung Quốc - và hơn 300 cơ sở quân sự ở nước ngoài.
Về mặt văn hóa, ảnh hưởng của Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế, từ Hollywood đến thời trang toàn cầu và các chuẩn mực xã hội.
Về giáo dục, các trường đại học Hoa Kỳ tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng quốc tế, trong khi các công ty Hoa Kỳ dẫn đầu về đổi mới trong lĩnh vực AI, chất bán dẫn và hàng không vũ trụ.
Câu chuyện của Tổng thống Trump gây được tiếng vang với một bộ phận cử tri Mỹ cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Bởi trong khi thu nhập trung bình trong nền kinh tế đã tăng gấp đôi kể từ năm 1991, bất bình đẳng cũng đã tăng đáng kể, thể hiện qua sự gia tăng của hệ số Gini (đo lường bất bình đẳng trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) từ 0,43 lên 0,49.
Bài hùng biện "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Trump đã đánh trúng tâm lý này, coi Hoa Kỳ là nạn nhân của sự mất cân bằng thương mại toàn cầu—một tuyên bố, mặc dù quá đơn giản, nhưng chứng minh được hiệu quả về mặt chính trị.
Tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Trump
Chiến lược kinh tế đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump tránh xa các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, WTO, NATO và TPP. Thay vào đó, bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực cứng rắn, với dân số 345 triệu người, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, biên giới an toàn và thị trường nội địa trị giá 20 nghìn tỷ USD, Hoa Kỳ có thể tự lực cánh sinh.
Mục tiêu của Tổng thống Trump là giảm thâm hụt liên bang (hiện tại khoảng 1,8 nghìn USD mỗi năm) và buộc các đối tác thương mại phải nhượng bộ các điều khoản song phương. Bất kỳ quốc gia nào muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều phải cung cấp các lợi ích có đi có lại—cho dù đó là tăng nhập khẩu đậu nành, thịt bò của Hoa Kỳ hay di dời các nhà máy đến Xứ cờ hoa. Đây là mô hình giao dịch ngoại giao và thương mại, tận dụng quy mô và tài sản chiến lược của Hoa Kỳ.
Ngoại giao có tính toán của Việt Nam
Đề xuất của Việt Nam về việc giảm thuế quan xuống mức 0 không chỉ là một hành động thiện chí—mà là một tính toán địa chính trị và kinh tế khôn ngoan. Nó giúp giảm leo thang rủi ro thương mại, đảm bảo tiếp tục tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nâng cao hình ảnh thương mại toàn cầu của đất nước và định vị Việt Nam thuận lợi trong mắt của Tổng thống Trump.
Trong thời đại đơn phương và bất ổn chiến lược, Việt Nam đã chứng minh rằng sự nhanh nhẹn, tầm nhìn xa và cởi mở về kinh tế là những công cụ tốt nhất để đảm bảo lợi ích quốc gia. Khi làm như vậy, Việt Nam không chỉ bảo vệ động lực kinh tế mà còn báo hiệu sự sẵn sàng đóng vai trò quyết đoán hơn trong cấu trúc đang phát triển của thương mại toàn cầu.
Trần Sĩ Chương
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chuyen-gia-de-xuat-muc-thue-0-doi-voi-hang-hoa-hoa-ky-cua-viet-nam-la-dong-thai-kip-thoi-va-mang-tinh-chien-luoc-310093.html