Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương, Hội Đông y Việt Nam, tỏi vị cay, tính ôn, vào hai kinh can và vị. Từ lâu tỏi được y học cổ truyền sử dụng để sát khuẩn, tiêu viêm, tăng cường tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, đồng thời có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch rất tốt nếu dùng đều đặn và đúng liều.
Tỏi là một loại kháng sinh tự nhiên cực tốt. (Ảnh minh họa)
Cách dùng tỏi để nâng cao sức đề kháng
Lương y Nguyễn Trung Hái cho biết: “Nhiều người có thói quen băm tỏi rồi xào nấu ngay, điều này vô tình làm mất hoạt chất quý. Vì vậy nên để tỏi tiếp xúc với không khí một lúc trước khi dùng hoặc chế biến”.
Nhiều cách dùng tỏi để phát huy hiệu quả bảo vệ sức khỏe, trong đó phổ biến và hiệu quả nhất là tỏi sống đập dập để 10-15 phút trước khi dùng. Lúc này hoạt chất allicin trong tỏi phát huy tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chỉ được tạo ra khi tỏi được đập dập và để ở môi trường không khí khoảng 10-15 phút.
Dùng tỏi ngâm mật ong là cách dùng tỏi vừa dễ uống vừa phù hợp với người có hệ tiêu hóa yếu. Tỏi bóc vỏ, đập nhẹ, ngâm với mật ong nguyên chất trong 7-10 ngày. Mỗi ngày có thể dùng 1-2 thìa nhỏ. Cách này không chỉ tăng đề kháng mà còn hỗ trợ phòng ngừa cảm lạnh, viêm họng.
Tỏi đen lên men tự nhiên cũng cực kỳ tốt. Tỏi đen được xem là phiên bản nâng cấp của tỏi trắng nhờ quá trình lên men giúp tăng cường hàm lượng các hợp chất chống oxy hóa. Tỏi đen dễ ăn hơn, ít mùi hăng, phù hợp với người cao tuổi, người có bệnh mãn tính muốn bồi bổ sức khỏe mà không lo bị kích ứng dạ dày.
Những lưu ý khi sử dụng tỏi
Lương y Nguyễn Trung Hái khuyến cáo, dù có nhiều lợi ích nhưng tỏi vẫn mang tính cay, nóng, có thể gây kích ứng dạ dày nếu ăn quá nhiều. Liều dùng an toàn theo khuyến nghị của chuyên gia là 1–2 tép tỏi sống/ngày hoặc 1–2 thìa cà phê tỏi ngâm/mật ong, tùy thể trạng và mục đích sử dụng.
Không nên dùng tỏi khi bụng đói, hoặc với người đang gặp các vấn đề tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm ruột, tiêu chảy. Với người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc huyết áp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tỏi như một liệu pháp bổ sung.
Không dùng tỏi ngay sau khi phẫu thuật hoặc trong thời gian chảy máu vì tỏi có tính chất chống đông máu nhẹ, nếu sử dụng trong giai đoạn hậu phẫu (ví dụ: chảy máu chân răng, rong kinh…), có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
Người vừa trải qua phẫu thuật hoặc có bệnh lý liên quan đến đông máu cần tránh dùng tỏi trong ít nhất 1–2 tuần sau can thiệp.
Tuyệt đối không dùng tỏi kết hợp với một số loại thuốc Tây, vì tỏi có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường, thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc chống đông như warfarin, làm tăng tác dụng thuốc hoặc gây biến chứng.
Vì vậy, trước khi sử dụng tỏi như một liệu pháp hỗ trợ, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, đặc biệt khi đang dùng thuốc lâu dài.
Tỏi là một trong những “thảo dược từ gian bếp” có thể giúp nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể nếu biết dùng đúng cách. Việc kết hợp các phương pháp sử dụng tỏi cùng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và giữ tinh thần lạc quan sẽ tạo nên một lá chắn sức khỏe vững chắc cho mỗi người.
Theo chuyên gia Đông y Nguyễn Trung Hái, điều quan trọng không phải chỉ là dùng tỏi, mà là dùng tỏi đúng liều, đúng thời điểm và đúng với thể trạng từng người.
Thanh Tâm