Chuyên gia hàng đầu về ASEAN: Việt Nam - 'Nhà vô địch mà khu vực từng không biết mình đang rất cần'

Chuyên gia hàng đầu về ASEAN: Việt Nam - 'Nhà vô địch mà khu vực từng không biết mình đang rất cần'
7 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ phải), Tổng thư ký ASEAN cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)
Hai mục tiêu song hành
Khi chính thức gia nhập Hiệp hội năm 1995, tương lai của Việt Nam vẫn là một ẩn số. Ít ai có thể đoán chắc quốc gia này sẽ hội nhập trọn vẹn và tham gia một cách chủ động vào đại gia đình ASEAN.
Thế nhưng hôm nay, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình như một “nhà vô địch” mới về hội nhập kinh tế và tự chủ chiến lược – một trong những quốc gia đi đầu, định hình tương lai, kiến trúc khu vực.
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN được thúc đẩy bởi hai mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất là phát triển kinh tế, đưa người dân thoát nghèo và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Thứ hai là bảo đảm hòa bình và ổn định trong một châu Á đang chuyển mình mạnh mẽ.
Trong những năm đầu, Việt Nam tiến hành tái cơ cấu sâu rộng trong nước và nâng cao năng lực thể chế để thích nghi với cơ chế và các cam kết của ASEAN. Phải mất thời gian cùng với quyết tâm vững vàng, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa các lợi ích và cơ hội từ việc trở thành thành viên của Hiệp hội.
Tuy nhiên, sang thập kỷ thứ hai, Việt Nam đã thuần thục hơn trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế trong nước để phù hợp với các chương trình và nỗ lực hội nhập khu vực của ASEAN. Việt Nam đã nắm bắt đầy đủ các trụ cột của Cộng đồng kinh tế ASEAN và dần vượt qua một số quốc gia thành viên khác trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu. Đất nước hình chữ S từng bước phát triển thành một trong những nền kinh tế cởi mở và thân thiện với doanh nghiệp nhất trong khu vực.
Đối với Việt Nam, một môi trường khu vực hòa bình luôn là điều kiện tiên quyết cho con đường phát triển. Điều này lý giải vì sao Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, từ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) cho đến Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Những cơ chế này không chỉ thúc đẩy đối thoại toàn diện và ổn định khu vực mà còn củng cố vai trò trung tâm của ASEAN – điều mà Việt Nam đặc biệt coi trọng như một “tấm khiên” bảo vệ trước cạnh tranh giữa các cường quốc.
Hai mục tiêu song hành – tăng trưởng kinh tế và gìn giữ hòa bình chiến lược – cũng là động lực giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập với ASEAN và hệ thống toàn cầu. Khi gắn kết sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một trong những nước hưởng lợi lớn từ tự do hóa thương mại và dòng vốn đầu tư quốc tế.
Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất xanh, hiện coi Việt Nam là điểm đến ưu tiên. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang đẩy nhanh các cải cách trong nước nhằm thúc đẩy minh bạch, hiệu quả và quản trị tốt – những tín hiệu tích cực tạo niềm tin cho cả nhà đầu tư và đối tác nước ngoài.
Trong vài tuần qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có được thỏa thuận bước đầu về thuế quan với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump – một diễn biến không chỉ mang tính biểu tượng. Sự kiện này thể hiện khả năng linh hoạt trong ngoại giao và năng lực ứng phó hiệu quả trước các cú sốc bên ngoài – từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đến những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bằng việc duy trì các nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định song song với mở rộng quan hệ thương mại song phương và đa phương, Việt Nam đã chứng hoàn toàn có thể vượt qua những thời điểm bất định.
Chuyên gia hàng đầu về ASEAN Kavi Chongkittavorn chia sẻ tại một phiên thảo luận tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, tháng 4/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Nuôi dưỡng khát vọng rõ ràng
Bước sang thập kỷ thứ tư trong ASEAN, Việt Nam không hề có dấu hiệu chững lại. Các bạn đang nuôi dưỡng khát vọng rõ ràng trong việc định hướng chương trình nghị sự khu vực. Việt Nam mong muốn duy trì vai trò thiết yếu của ASEAN trong một kỷ nguyên mà cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế và chính trị sâu rộng hơn trong toàn khối – tất cả vì cộng đồng ASEAN 675 triệu dân vững mạnh.
Với nền kinh tế ngày càng cởi mở và hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong các hiệp định thương mại quy mô lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Những khuôn khổ đan xen này giúp Việt Nam đa dạng hóa thương mại, tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, đồng thời thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ và tính bao trùm – những giá trị phản ánh đúng bản sắc hướng về người dân và tương lai của ASEAN.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 tổ chức ngày 9/7, Tuyên bố chung đã ghi nhận vai trò quan trọng của Diễn đàn Tương lai ASEAN do Việt Nam khởi xướng. Sáng kiến này được đánh giá cao nhờ thúc đẩy tầm nhìn chiến lược, đổi mới chính sách và tăng cường hợp tác khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh rằng diễn đàn này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”, với trọng tâm là tính bao trùm, phát triển bền vững và duy trì vai trò trung tâm lâu dài của ASEAN.
Nhìn về phía trước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng chiến lược phát triển được hoạch định cẩn trọng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và có tính tự chủ cao hơn. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, vai trò dẫn dắt và chính sách “ưu tiên ASEAN” của Việt Nam có thể thúc đẩy ổn định cho khu vực vốn đang tìm sự cân bằng và cùng tồn tại hòa bình.
Sẽ không quá lời khi nói rằng, Việt Nam chính là “nhà vô địch mới” của ASEAN – một nhà vô địch mà khu vực từng không biết rằng mình đang rất cần.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Kavi Chongkittavorn
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chuyen-gia-hang-dau-ve-asean-viet-nam-nha-vo-dich-ma-khu-vuc-tung-khong-biet-minh-dang-rat-can-322383.html