Chuyên gia hiến kế giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Chuyên gia hiến kế giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
6 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) cho biết, trường sẽ giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên chuyển đổi số
Xóa bỏ rào cản thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp
Hội thảo xoay quanh vấn đề, tập trung làm rõ những nội dung cốt lõi và điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 68, đồng thời đánh giá vai trò kinh tế tư nhân (KTTN) trong nền kinh tế quốc dân hiện nay và giai đoạn tới.
Chương trình do UFM tổ chức thu hút sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện các tổ chức đào tạo.
Hội thảo đưa ra những thách thức hiện hữu, đề xuất các giải pháp thiết thực, toàn diện, bao gồm cả chính sách, quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN cần phải thực hiện nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, toàn cầu hóa sâu rộng và đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) khẳng định, Nghị quyết 68 là sự kế thừa và phát triển trong tư duy của Đảng về KTTN, thể hiện tầm nhìn mới và giải pháp toàn diện nhằm đưa khu vực này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn chính sách Chính phủ, để KTTN phát triển bền vững, cần cải cách mạnh mẽ thể chế, xây dựng niềm tin và động lực cạnh tranh quốc tế.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt cũng nhấn mạnh, trong kỷ nguyên phát triển mới với mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, khu vực KTTN cần đóng vai trò then chốt trong đổi mới, sáng tạo, tạo việc làm và tăng trưởng bền vững.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả nhấn mạnh việc “cởi trói” thể chế, thay đổi tư duy quản lý hành chính “xin - cho”, chuyển sang hậu kiểm và minh bạch hóa môi trường pháp lý; cần hoàn thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ rào cản thủ tục hành chính và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phối hợp hiệu quả với Nhà nước.
Đồng thời, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, phân bổ rủi ro hợp lý và minh bạch hóa quy trình triển khai PPP để khu vực tư nhân tham gia hiệu quả hơn vào các dự án đầu tư công; sửa đổi Luật Đầu tư, hoàn thiện quy định liên quan đến quỹ đầu tư mạo hiểm và cho phép doanh nghiệp tư nhân được mua công nghệ từ nước ngoài.
Các chuyên gia tham gia Hội thảo nêu quan điểm, những điều chỉnh trên sẽ góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao đóng góp của khu vực tư nhân vào phát triển dài hạn của nền kinh tế.
Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TW hướng tới mục tiêu phát triển khu vực KTTN mạnh mẽ, hiện đại và bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới.
Đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, để giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên chuyển đổi số, UFM sẽ tập trung nâng cao chất lượng giảng viên và đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp chặt chẽ thực tiễn doanh nghiệp.
Các học phần trọng tâm như khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, fintech, quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển bền vững… được đưa vào nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho sinh viên. Sinh viên cũng được khuyến khích trải nghiệm thực tế qua cuộc thi UFM Startup, các chương trình thực tập chuyên sâu và dự án nghiên cứu ứng dụng phối hợp cùng doanh nghiệp.
Song song với đó, UFM chủ động hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo riêng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nội bộ. Mục tiêu là thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho giảng viên, sinh viên và tư vấn cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ bền vững sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại hội thảo, một số đại biểu đề xuất phát triển năng lực quản trị doanh nghiệp tư nhân để hướng đến mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030; giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo mở, phân tích lợi ích và thách thức, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ rào cản thể chế, nâng cao năng lực nội tại và phát triển văn hóa đổi mới nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam; nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong tự chủ công nghệ và làm chủ chuỗi giá trị.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất ưu đãi vốn, hỗ trợ R&D, đơn giản hóa thủ tục đấu thầu và hoàn thiện pháp luật nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp đầu tàu; hay ý kiến tập trung vào phát triển đội ngũ doanh nhân “có tâm, có tầm”, với giải pháp nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số hóa, và hoàn thiện hệ sinh thái hỗ trợ doanh nhân, trong sự phối hợp của Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số
TS. Hoàng Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Kinh tế học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đánh giá, việc chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể là bước then chốt để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030. Do đó, nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ phần mềm kế toán, miễn giảm thuế, bắt buộc dùng hóa đơn điện tử và sửa đổi pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi, quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Kỳ Phương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-gia-hien-ke-giai-phap-de-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-176585.html