Chuyên gia hiến kế nâng cao hiệu quả dự án PPP

Chuyên gia hiến kế nâng cao hiệu quả dự án PPP
3 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu - Ảnh: M.Minh
Chiều 4/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức buổi tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật về đầu tư).
Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật PPP. Các kiến nghị này đều hướng đến tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế khi áp dụng Luật PPP hiện hành, trong đó có nhiều giải pháp tăng cường thu hút đầu tư PPP, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp kém mặn mà với loại dự án này.
Đưa hợp đồng BT trở lại Luật PPP nhưng có đổi mới toàn diện
Luật PPP năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định có 7 loại hợp đồng PPP là: BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), O&M (Kinh doanh - Quản lý), BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) và hợp đồng hỗn hợp.
Luật này đã loại bỏ phương thức đầu tư theo hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) đã áp dụng trước đó ra khỏi danh mục các loại hợp đồng theo dự án PPP và dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng này. Lý do vì việc triển khai dự án BT trong thực tế đã đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp, dẫn đến nhiều dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt.
Tuy nhiên tại Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư sắp được trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất đưa lại hợp đồng BT vào Luật nhưng có đổi mới toàn diện để khắc phục các bất cập.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Nguyễn Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc bổ sung lại hình thức BT là rất cần thiết, trước kia thế giới vẫn dùng BT rất tốt nhưng ở ta trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều vướng mắc ở khâu cơ quan quản lý đàm phán với nhà đầu tư và công thức thanh toán sai.
Theo dự thảo Luật, hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT bao gồm hai hình thức là bằng tiền và bằng quỹ đất. Ông Nguyễn Nội cho rằng, nên cân nhắc một phương thức nữa là dùng quỹ đất đấu giá lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo đó, sau khi Nhà nước xây dựng xong hạ tầng thì tổ chức đấu giá. "Ví dụ dự án Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh nếu áp dụng cách này thì tiền Nhà nước bỏ ra sẽ giảm đi rất nhiều và có thể sử dụng giá trị tăng thêm của đất đấu giá này. Nhà đầu tư cũng có thể tham gia đấu giá với ưu tiên giảm 5-10%", ông Nội đề xuất.
Cũng ủng hộ việc đưa trở lại loại hình BT vào Luật PPP, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, BT không có gì sai mà chỉ vướng mắc ở chỗ đổi đất lấy hạ tầng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nên bổ sung hình thức thanh toán là đấu giá quỹ đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư dự án BT .
Quan tâm câu chuyện đổi đất, ông Tuấn nêu vấn đề: giá trị quỹ đất (dùng để đổi lấy công trình) được xác định trên cơ sở nào, ở thời điểm nào khi mà tổng vốn đầu tư và quỹ đất đều là dự kiến? Thực tế thì khi lập dự án xin quyết định đầu tư, quỹ đất lúc đó là dự kiến vì chưa có thông số cụ thể.
Theo ông Tuấn, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư thì Luật Xây dựng có rồi, phương pháp tính quỹ đất thì Luật Đất đai đã có; vấn đề ở đây dự thảo luật cần chốt xác định giá trị đất và tổng vốn đầu tư ở thời điểm nào.
"Thực tế chúng tôi làm ở vài dự án liên quan đến BT, người ta xác định giá trị đất ở thời điểm chính quyền giao đất cho nhà đầu tư. Tổng vốn đầu tư cũng phải được tính toán điều chỉnh phù hợp ở thời điểm ấy", vị này cho hay.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng lưu ý, quy định của chúng ta là nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án sau khi đã khởi công và hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình BT, hoàn thành trách nhiệm đối ứng để bồi thường hỗ trợ tái định cư quỹ đất.
"Quy định này có lợi cho Nhà nước nhưng nếu đã xác định ở thời điểm thực hiện 50% giá trị công trình để tính toán thì cũng tuyên ngay vào thời điểm này để xác định giá đất. Chỗ này phải rất cụ thể, nếu không sau này rất rủi ro cho nhà đầu tư", ông nói.
Một điểm nữa vị chuyên gia pháp chế lưu ý: "Tại điểm b khoản 1 Điều 45a của dự thảo Luật quy định "Tổng mức đầu tư công trình BT được xác định căn cứ thiết kế kỹ thuật". Cái này không đúng quy định của pháp luật về xây dựng. Thiết kế kỹ thuật là thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở còn khi lập dự án thì tổng vốn đầu tư đưa vào dự án duyệt là thiết kế cơ sở của dự án còn thiết kế kỹ thuật đi theo từng dự án cụ thể".
Trong khi đó,ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 45a của dự thảo Luật ("Dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác").
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, VCCI
Lý do vì dự án đối ứng là một dự án độc lập với dự án BT, khi nhà đầu tư thực hiện xong theo tiến độ thì được quyền kinh doanh, không cho phép khai thác dự án đối ứng sẽ gây ra lãng phí về nguồn lực của các nhà đầu tư và xã hội và ràng buộc việc khai thác dự án đối ứng với việc hoàn thành và chuyển giao công trình BT là chưa phù hợp.
Ngoài ra ông Thạch đề nghị làm rõ dự án BT thanh toán bằng quỹ đất thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu và xử lý dân sự, nếu phát sinh chi phí bồi thường cho nhà đầu tư và nhà đầu tư phải trả lại quỹ đất; ở trên đất đối ứng này đã hình thành dự án hoặc dự án đang thực hiện trên đất đối ứng thì có thu hồi lại dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư không.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nêu vấn đề, đối với dự án BT thanh toán bằng quỹ đất, tài sản công, dự thảo quy định nếu hợp đồng BT có nội dung chưa phù hợp với pháp luật và thuộc trường hợp xử lý hình sự thì thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư (nếu có).
Theo ông Đỉnh, trách nhiệm hình sự là của cá nhân nhưng lại đặt ra chế tài với pháp nhân là chưa thỏa đáng. Thay vào đó, cần làm rõ xử lý hình sự với ai, phạm tội gì, quan hệ nhân - quả giữa hành vi phạm tội với việc được giao đất, giao dự án. Nếu có quan hệ nhân – quả thì mới được thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư.
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh
Ngoài ra, nếu quá trình xử lý hình sự chưa kết thúc (chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật) thì những người liên quan chưa bị kết tội; vì vậy, quyết định thu hồi đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư phải căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, không thể chỉ căn cứ vào việc có xử lý hình sự.
Mặt khác, việc thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư như trên cũng không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, do đó quy định này sẽ dẫn đến “xung đột pháp luật” và không có trình tự, thủ tục tương ứng để ban hành quyết định thu hồi đất, đặc biệt là việc giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất của Nhà nước (vấn đề bồi thường, hỗ trợ sẽ không được giải quyết do Luật Đất đai 2024 không có quy định tương ứng về lập, phê duyệt phương án bồi thường trong trường hợp này).
Đồng quan điểm, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhận xét, quy định nếu hợp đồng có nội dung chưa phù hợp và xử lý hành chính theo hướng chấm dứt đồng hoặc thực hiện chuyển tiếp là chưa gắn chặt hướng xử lý với tính chất của vi phạm, có thể phát sinh tình huống là không gắn nguyên nhân, người thực hiện hành vi với hậu quả.
Theo ông Tuấn, nếu hợp đồng có những vi phạm dẫn đến vô hiệu mà vô hiệu dẫn đến chấm dứt hợp đồng thì chấm dứt, còn dẫn đến vô hiệu mà không dẫn đến chấm dứt toàn bộ hợp đồng thì chỉ chấm dứt cái phần do vô hiệu, còn những phần khác vẫn thực hiện bình thường.
Ông Quách Ngọc Tuấn
"Trong đó có nội dung vi phạm sẽ điều chỉnh cho đúng quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh và cho thực hiện tiếp. Trường hợp hợp đồng có kết luận của Thanh tra, Tòa án, Trọng tài kinh tế mà khác với hợp đồng thì thực hiện theo kết luận của Thanh tra, Tòa án… nêu trên", đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đề nghị.
Cho phép làm dự án BOT trên công trình hiện hữu
Dự thảo Luật cũng đưa trở lại quy định cho phép đầu tư dự án BOT và thu phí trực tiếp đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nội nói rằng, quy định này đã từng được áp dụng nhưng do vướng mắc nên bỏ, để quyền lựa chọn cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông, các dự án PPP đến lúc hết hạn nâng cấp, vấn đề là thu phí dự án BOT cải tạo, mở rộng, nâng cấp phải thấp hơn mức phí thu đối với công trình làm mới.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường thu hút đầu tư dự án PPP thì thay vì phải chuyển từ PPP sang đầu tư công (phải chi ngân sách 100%), Nhà nước nên cân nhắc tham gia cùng nhà đầu tư vào dự án PPP và nhường nhà đầu tư hoàn vốn trước.
Bên cạnh đó, cần thành lập Quỹ PPP, có thể ban đầu Bộ Tài chính hoặc 1,2 địa phương lớn là cơ quan chủ quản (ví dụ Hà Nội, TPHCM) được phép thí điểm. Quỹ PPP này động theo cơ chế cho vay, các nơi có dự án cần thiết thì mượn sau đó các chủ đầu tư bồi hoàn và tính vào chi phí đầu tư.
Ngoài nguồn ngân sách, Quỹ PPP có thể huy động từ quốc tế và từ đấu giá quỹ đất được Nhà nước tạo ra do phát triển hạ tầng.
Ngoài ra các chuyên gia cũng kiến nghị các vấn đề: Đề nghị luật hóa vấn đề chủ sở hữu công trình BOT, mặc dù trong luật đã quy định nhưng hiện nay vai trò của doanh nghiệp phát triển dự án rất mờ nhạt so với chủ đầu tư, thống nhất căn cứ phân loại dự án PPP, làm rõ các căn cứ thực hiện chuyển tiếp loại hợp đồng này...
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong 4 luật sửa đổi lần này, Luật PPP có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhất. Khi nhận được tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế từng đề nghị tách Luật PPP ra sửa riêng vì quá nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ tịch thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất áp dụng sửa luật theo quy trình thủ tục rút gọn để có thể có hiệu lực sớm nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang vướng mắc nhanh nhất.
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng cho hay, các ý kiến đóng góp của chuyên gia sẽ được nghiên cứu cẩn thận trước khi Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án luật này.
Hiện tại, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang chuẩn bị thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về đầu tư nói trên. Sau đó, dự thảo Luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp trong tháng 10/2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 khóa XV sẽ khai mạc ngày 21/10 tới.
Minh Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-gia-hien-ke-nang-cao-hieu-qua-du-an-ppp-post355285.html