Những năm qua, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước đã tồn tại một vấn đề chung là tổ chức giao thông không được tích hợp đầy đủ vào quy hoạch tổng thể. Nói một cách dễ hiểu thì các tuyến đường cứ được xây dựng lên, sau đó mới tính đến phương án lưu thông như thế nào, phục vụ loại hình phương tiện gì, năng lực đáp ứng bao nhiêu. Chính vì vậy nên tổ chức giao thông gặp không ít bất cập.
Theo các chuyên gia giao thông, tổ chức giao thông là yếu tố vô cùng quan trọng, là kịch bản để vận hành hệ thống giao thông, càng khoa học sẽ càng phát huy tác dụng giảm thiểu ùn tắc giao thông, tối ưu hóa năng lực cho hạ tầng. Phương án tổ chức giao thông không chỉ có kẻ vạch, phân làn, lắp đặt đèn tín hiệu mà còn phải bao gồm cả các điều chỉnh hạ tầng bổ sung, ví dụ như xây cầu đi bộ, cầu vượt nhẹ qua các nút giao… để tháo gỡ khó khăn cho giao thông, giúp người dân tuân thủ tốt hơn phương án tổ chức giao thông.
Về lâu dài, mỗi dự án đường giao thông phải xây dựng kịch bản tổ chức giao thông ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, theo đúng quy định tại Luật Đường bộ 2024. Nghĩa là có phương án cho từng giai đoạn từ khi thi công đến đưa vào sử dụng, dự phòng khi có thay đổi thực tế. Điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng khi quyết định áp dụng phương án tổ chức giao thông phải làm đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng để né tránh áp lực. Nếu làm đúng, làm vì mục đích tốt thì phải kiên trì đồng hành, vận động người dân thực hiện.
Tiến Bình
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/chuyen-gia-hien-ke-to-chuc-giao-thong-thu-do-344984.htm