Một cơ sở lọc dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Ông Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng của công ty theo dõi giá dầu OPIS, cho biết thị trường đang rất lo ngại về triển vọng giá dầu trong năm 2025. Ông cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng hoặc 40 USD/thùng nếu OPEC+ tăng sản lượng và không đạt được thỏa thuận thực sự nào để kiềm chế nguồn cung. Chuyên gia này cho biết cho biết thị phần của OPEC+ đã giảm đáng kể trong những năm qua.
Mức giá 40 USD/thùng đồng nghĩa với việc giá dầu thô hiện tại sẽ giảm khoảng 40%. Dầu Brent Biển Bắc hiện đang giao dịch ở mức 72 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở mức khoảng 68 USD/thùng.
Ông Henning Gloystein, người đứng đầu bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, nhận định rằng với việc nhu cầu dầu trong năm tới có thể chỉ tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày, việc OPEC+ tăng sản lượng vào năm 2025 bằng cách hạ các mức cắt giảm sản lượng của mình chắc chắn sẽ khiến giá dầu thô giảm mạnh, có thể xuống gần 40 USD/thùng.
Tương tự, nhà phân tích năng lượng cấp cao Saul Kavonic của công ty MST Marquee cho rằng nếu OPEC+ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng mà không quan tâm đến nhu cầu, điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến về giá để tranh giành thị phần, đẩy giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.
Chiến lược gia về năng lượng Martoccia Francesco của Citibank cho biết, thị trường đang dự đoán rằng lượng dầu dự trữ sẽ tăng "đáng kể" vào năm tới. Theo ông Francesco, nếu OPEC+ thực hiện kế hoạch khôi phục dần sản lượng, tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 1,6 triệu thùng/ngày. Ngay cả khi OPEC+ không hạ các mức cắt giảm sản lượng, tương lai của giá dầu vẫn ảm đạm. Các nhà phân tích của Citi dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 60 USD/thùng vào năm tới.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho biết một yếu tố khác làm gia tăng thêm triển vọng tiêu cực của giá dầu là chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Sự trở lại của ông được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại. Ông Kloza dự đoán nếu căng thẳng thương mại leo thang, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, giá dầu sẽ giảm xuống mức thấp hơn nhiều.
Ông Trump cũng chủ trương kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ gia tăng sản lượng và cam kết sẽ khiến giá năng lượng giảm một nửa. Ông Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Kpler, cho biết để giá xăng bán lẻ giảm một nửa, giá dầu sẽ phải giảm xuống dưới 40 USD/thùng.
OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ
Trong báo cáo hằng tháng phát hành ngày 12/11/2024, OPEC cho biết nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2025 xuống còn 1,54 triệu thùng/ngày từ mức 1,64 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc chiếm phần lớn trong lần điều chỉnh giảm cho năm 2024. Cụ thể, OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuống còn 450.000 thùng/ngày từ mức 580.000 thùng/ngày và cho biết tiêu thụ dầu diesel vào tháng 9 giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng liên tiếp. Theo OPEC, tại Trung Quốc, diesel đang chịu áp lực từ sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng trong bối cảnh hoạt động sản xuất yếu và việc sử dụng xe tải chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngày càng phổ biến.
Triển vọng yếu hơn đã làm nổi bật thách thức mà OPEC và các nước đối tác (OPEC+) đang phải đối mặt. Trước đó, OPEC+ đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12/2024 trong bối cảnh giá dầu giảm.
Sau khi OPEC công bố dự báo, giá dầu đã giảm với dầu Brent được giao dịch ở mức dưới 73 USD/thùng.
T.T