Dịp đầu năm mới Ất Tỵ 2025, tại Việt Nam, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến trở nên tinh vi và đa dạng hơn, đặc biệt trong bối cảnh người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho mua sắm, du lịch và giao dịch tài chính…
Nạn nhân liên tiếp chuyển khoản cho đối tượng với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng (Ảnh chụp màn hình)
Mất tiền tỷ vì chiêu cũ đặt phòng khách sạn trực tuyến
Mới đây nhất, một người dân tại Hải Phòng đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại fanpage có tích xanh mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh”.
Theo chia sẻ của nhân vật, xuất phát từ nhu cầu muốn cùng gia đình đi du lịch trong dịp Tết, chị T. có lên facebook cá nhân tìm hiểu các địa điểm du lịch yêu thích. Sau vài ngày nghiên cứu, chị T. quyết định chọn trang facebook mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh” và chủ động nhắn tin với trang này để trao đổi thông tin và cọc tiền phòng.
Sau khi được chốt giá đặt phòng khách sạn, chị T. chuyển 6,5 triệu đồng tiền cọc vào số tài khoản có tên: Công ty TNHH TMDV VINSMART. Ngay lúc này, trang fanpage xác nhận đã nhận tiền. Tuy nhiên, cho rằng khách chuyển sai nội dung nên trang này yêu cầu chị “copy mã này dán vào nội dung” để chuyển lại, công ty sẽ hoàn lại tiền theo hóa đơn lần 1 chuyển sai.
Từ lần chuyển tiền không thành công này, các đối tượng bắt đầu dẫn dắt chị vào tròng với hàng loạt chiêu thức tinh vi. Đối tượng gọi điện cho chị, viện lý do là hóa đơn chuyển khoản bị “GHI SAI NỘI DUNG” nên nhờ vị khách hàng này thực hiện thêm một giao dịch chuyển khoản khác cùng với hứa hẹn “sau khi ghim phòng thành công, kế toán bên em sẽ hoàn tiền lại hóa đơn sai cho mình”.
Bằng chiêu trò này, đối tượng đã lừa chị T. liên tiếp thực hiện 5 lần chuyển tiền tương tự với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đến lúc này chị mới nghi ngờ, mở máy tính lấy số điện thoại nóng trên fanpage “Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình” gọi điện để xác minh thì được biết, tên tài khoản của công ty khác, và tài khoản chị chuyển tiền là sai.
(Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Quang, trường hợp người dân bị lừa đảo trực tuyến qua hình thức đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay đã xảy ra vài năm nay, tuy nhiên, số lượng nạn nhân báo cáo với cơ quan chức năng không nhiều. Trường hợp này là do số tiền bị lừa lớn nên mới thông báo sớm.
“Đây không phải thủ đoạn lừa đảo mới, các năm trước đó mỗi dịp cận Tết lại rộ lên tình trạng lừa đảo mua vé máy bay, đặt phòng, đặt tour du lịch giá rẻ. Phổ biến nhất là các trang mạng xã hội chào mời bán vé dịp Tết với giá thấp hơn so với thị trường chung, kèm theo ngày giờ bay thuận tiện để thu hút khách hàng”, ông Quang cho hay.
Thậm chí, để tạo niềm tin, người đăng tải chào mời mua vé máy bay giá rẻ còn tự tạo ra các bức ảnh chụp giao dịch thành công. Tuy nhiên, khi người dùng chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn facebook, hoặc chặn liên lạc điện thoại, xóa toàn bộ dấu vết.
Nhiều fanpage trên mạng xã hội (mua cả tick xanh – chứng nhận uy tín của nhóm), thậm chí là trang web bán phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch… với giá rẻ hơn hẳn giá niêm yết. Người dân tìm kiếm thấy giá rẻ quá nên đặt, lại còn chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp, thậm chí đối tượng còn gửi ảnh hóa đơn có dấu đỏ (tự chế)… Song, đến khách sạn, sân bay hay đến tận nơi mới phát hiện ra mình bị lừa đảo.
Trước chiêu trò tinh vi trên, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé tàu, tour du lịch, phòng khách sạn... cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống, ứng dụng di động hoặc trực tiếp tại phòng vé và đại lý chính thức của hãng.
Khách hàng mua vé bay, dịch vụ… trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé. Nếu nhận được những lời chào hàng quá rẻ so với thông tin của hãng thì không nên vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó chiêu trò của các đối tượng xấu với mục đích lừa đảo. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
“Nuôi nhốt” chủ tài khoản ngân hàng để tiếp tay lừa đảo trực tuyến
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Thượng tá Lê Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, tại Việt Nam, các phương thức tấn công mạng phổ biến rất đơn giản, không phải kỹ thuật cao cấp nhưng tần suất bị tấn công vẫn nhiều.
Lý giải điều này, Thượng tá Lê Xuân Thủy nhận định, vấn đề hết sức nhức nhối tại Việt Nam là ý thức, nhận thức cảnh giác trước rủi ro của người dân.
Việc lừa đảo trên không gian mạng phức tạp và muôn hình vạn trạng hơn rất nhiều so với đời thực. Những vai đi lừa là vai ảo đủ thể loại, đủ lứa tuổi… Thêm vào đó là đặc thù phi biên giới, tội phạm có thể ngồi ở quốc gia khác lừa nạn nhân ở Việt Nam và hiện còn xuất hiện thêm dạng tội phạm lợi dụng hạ tầng ở Việt Nam để đi lừa đảo.
Thượng tá Lê Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an
Cũng theo đại diện Trung tâm An ninh mạng, sau khi quy định giao dịch trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên phải thông qua sinh trắc học có hiệu lực, việc kiểm soát các tài khoản cá nhân đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, gần đây tội phạm đã biến tướng ra các hình thức mới để lách luật nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Các đối tượng thuê người đứng tên tài khoản ngân hàng, thậm chí là “nuôi nhốt” để phục vụ riêng thao tác xác định sinh trắc học khuôn mặt để chuyển tiền đi. Bản thân những chủ tài khoản đó không biết bao nhiêu tiền, tiền đi đâu và tiền đi như thế nào…
“Hình thức “nuôi nhốt” này có nhược điểm là không dễ áp dụng với quy mô lớn, do đó có thêm phương thức nữa là lừa đảo chuyền tiền vào tài khoản doanh nghiệp, vừa xử lý được số tiền rất lớn, vừa “tạo uy tín” để lừa đảo nạn nhân dễ dàng hơn”, Thượng tá Lê Xuân Thủy cho hay.
“Hiện nay chúng ta chưa thực hiện xác thực sinh trắc học với tài khoản doanh nghiệp. Trong thời gian rất dài, chúng ta không làm tốt việc định danh các chủ doanh nghiệp, dẫn đến có rất nhiều công ty “ma”, thậm chí có khi công ty còn được mở bằng các chứng minh thư, căn cước công dân giả… Tiền lừa đảo được từ các nạn nhân sẽ được chuyển đi từ tài khoản của các công ty “ma” đó”, đại diện Trung tâm An ninh mạng cho biết thêm.
Cơ quan chức năng khuyến cáo: “Người dân không nên tùy tiện cho “mượn” thông tin cá nhân, sinh trắc học để người khác sử dụng. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại vụ án, người cho thuê sinh trắc học như vậy có thể bị xử lý vì tội tiếp tay cho tội phạm”.
Thực tế, hiện tuy chưa có thống kê cụ thể con số nhưng kể từ khi thực hiện việc sinh trắc học đối với giao dịch ngân hàng từ 10 triệu đồng trở lên đã không còn những vụ kiện tụng khách hàng “tự dưng” mất tiền trong tài khoản. Do đó, theo nhiều chuyên gia nếu thực hiện định danh được doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, định danh số điện thoại… việc lừa đảo trực tuyến sẽ giảm một cách rõ rệt nữa.
Từ 1/1/2025, chứng minh nhân dân không còn giá trị sử dụng. Mọi người sẽ phải đổi sang sử dụng căn cước công dân gắn chip. Khi nào căn cước công dân đứng tên doanh nghiệp xác minh được tương ứng với toàn bộ doanh nghiệp sẽ kiểm soát được vấn nạn tội phạm sử dụng công ty ma lừa đảo trực tuyến.
“Đây là thời cơ chín muồi để thực hiện tất cả những việc này vì chính sách, công nghệ, kỹ thuật đều đã có. Quan trọng nhất là quyết tâm làm”, Thượng tá Lê Xuân Thủy nhấn mạnh.
Vân Anh/VOV.VN