Chuyên gia: Mỹ không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm mới của Nga

Chuyên gia: Mỹ không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm mới của Nga
6 giờ trướcBài gốc
Bà Karin Kneissl - cựu Ngoại trưởng Áo, người đứng đầu Trung tâm GORKI tại Đại học tổng hợp St. Petersburg. Ảnh: TASS
Trong bài đăng trên Telegram, bà Kneissl cho rằng Nga đã đáp trả nhiều hành động khiêu khích gần đây của NATO.
“Kho vũ khí của Nga có nhiều thứ hơn nhiều người nghĩ. Nga đã thực hiện một cuộc tấn công kết hợp vào các mục tiêu ở Ukraine bằng cách sử dụng một tên lửa siêu vượt âm tầm trung mới”, bà viết.
Bà Kneissl nói thêm rằng hiện tại, cả Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới đều không sở hữu hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm mới của Nga.
Bình luận của bà Kneissl được đưa ra sau khi Tổng thống Putin xác nhận Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới nhất, mang tên Oreshnik, để tấn công cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine tại Dnipro vào sáng 21/11. Tên lửa này thuộc thế hệ vũ khí tầm trung mới của Nga, có tốc độ đạt Mach 10 (2,5-3 km/s).
Tổng thống Putin nhấn mạnh không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay, kể cả những hệ thống mà Mỹ triển khai ở châu Âu, có thể đánh chặn được Oreshnik. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay, không có biện pháp nào để đối phó với loại vũ khí này”.
Tổng thống Putin cũng cho biết vụ tấn công này nhằm đáp trả quyết định gần đây của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Theo ông Putin, cuộc tấn công đã phá hủy thành công một trong những khu công nghiệp thời Liên Xô lớn nhất của Ukraine chuyên sản xuất công nghệ tên lửa.
Các quan chức phương Tây cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa tầm trung lấy từ kho vũ khí chiến lược của nước này là điều đáng chú ý bởi hầu hết mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí thông thường mà Moskva thường xuyên sử dụng trong suốt cuộc chiến. Nhưng lần này, Nga đã phóng một tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, chủ yếu nhằm mục đích răn đe.
Theo giới phân tích, Nga có thể muốn gửi lời cảnh báo cứng rắn tới Ukraine và các đối tác thông qua động thái này. Ông Fabian Rene Hoffmann, chuyên gia về vũ khí tại Đại học Oslo, cho hay: “Điều mà Nga muốn nói có thể là cuộc tấn công đêm 21/11 không mang theo vũ khí hạt nhân, nhưng nếu phương Tây tiếp tục vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ của Nga thì bất cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ là đầu đạn hạt nhân”.
Về phần mình, trên mạng xã hội X, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi vụ phóng tên lửa Oreshnik là “động thái thứ hai trong năm nay để leo thang và mở rộng xung đột”.
“Tên lửa đạn đạo mới đã được sử dụng. Nga đã tấn công thành phố Dnipro của chúng ta - một trong những thành phố lớn nhất ở Ukraine. Đây là sự leo thang rõ ràng và nghiêm trọng”.
Ông Zelensky cho rằng Nga đã thực hiện động thái này khi phớt lờ lời kêu gọi toàn cầu nhằm tránh leo thang. “Họ phớt lờ lời kêu gọi từ Trung Quốc, Brazil, các nước châu Âu, Mỹ và các nước khác”, ông nói.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Tass)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/chuyen-gia-my-khong-co-kha-nang-danh-chan-ten-lua-sieu-vuot-am-moi-cua-nga-20241122155053734.htm