Chuyên gia Mỹ nói gì về công thức tính thuế quan của ông Trump?

Chuyên gia Mỹ nói gì về công thức tính thuế quan của ông Trump?
8 giờ trướcBài gốc
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng cho các nước trên thế giới, thì Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố công thức tính thuế quan.
USTR định nghĩa, thuế quan đối ứng (còn gọi là thuế quan có qua có lại), mức thuế quan cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và mỗi đối tác thương mại. Thuế quan nhằm giảm trực tiếp lượng hàng nhập khẩu.
USTR đưa ra công thức này với sự nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản là có đi có lại và công bằng.
Theo đó, ∆τi phản ánh sự thay đổi trong thuế suất. Xi là xuất khẩu và Mi là nhập khẩu.
Chỉ số ε được xem là độ co giãn giá của cầu nhập khẩu và được đặt bằng 4, còn chỉ số φ là độ co giãn của giá nhập khẩu liên quan đến thuế quan được đặt bằng 0,25. Tuy nhiên, khi ε x φ sẽ ra con số là 1.
Như vậy công thức rút gọn chỉ còn ∆τi = Xi - Mi/Mi.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin CBS (Mỹ), ông Douglas Irwin, Giáo sư kinh tế Đại học Dartmouth (Mỹ) cho biết, đây là công thức tính thâm hụt thương mại, chứ không phải là thuế quan.
Nói cách khác, ông Trump chỉ quan tâm đến việc bán nhiều hơn và thu tiền nhiều hơn. Và khi Mỹ bán hàng ít hơn mua, ông Trump xem đây là tính bất công.
"Thâm hụt thương mại không phải lúc nào cũng là vấn đề tiêu cực. Hãy xem xét một ví dụ đơn giản.
Mỗi hộ gia đình, mỗi người tiêu dùng đều có thặng dư và thâm hụt thương mại với các thành phần khác nhau của nền kinh tế. Chẳng hạn, chúng ta thường xuyên mua sắm ở cửa hàng tạp hóa, tạo ra thâm hụt thương mại lớn với họ.
Ngược lại, chúng ta nhận lương từ người sử dụng lao động, tạo ra thặng dư thương mại lớn với họ vì chúng ta cung cấp sức lao động nhưng không mua hàng hóa tương đương từ họ.
Vậy, những tình huống này có phải là vấn đề cần giải quyết hay không?" - Giáo sư Douglas Irwin nói.
Theo các chuyên gia vì cách tính như vậy nên mới ra con số thuế quan rất lớn, và sau đó ông Trump chia đôi thuế quan này và khẳng định nước Mỹ đã rất tử tế với các đối tác thương mại.
Tuy nhiên, cũng trên bảng thuế đối ứng đó, khi nhìn về việc Mỹ tuyên bố bị nước Anh tính thuế 10%, và Mỹ sau đó tính thuế đối ứng lại nước Anh cũng 10%. Ở đây không thấy nước Mỹ chia đôi 10% như các nước khác.
Giáo sư Douglas Irwin cho biết, với nước Anh, thì Mỹ đang tính đúng mức thuế mà nước Anh áp cho họ, chẳng liên quan đến công thức phía trên. Trong khi đó, Mỹ đang có thặng dư thương mại với nước Anh. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán và logic trong cách tính toán và áp dụng thuế quan của Mỹ.
Cách áp thuế này có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Mỹ và các quốc gia bị áp thuế.
PHƯƠNG MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/chuyen-gia-my-noi-gi-ve-cong-thuc-tinh-thue-quan-cua-ong-trump-post842719.html