Chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam

Chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Giáo sư Go Ito trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản. Ảnh (tư liệu): Vietnam+
Theo Giáo sư Ito, sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào tháng 1/1973, Nhật Bản đã cố gắng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội mở cửa vào tháng 10/1975. Trong 50 năm kể từ đó, hai nước đã dần làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương và Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh đường lối chính sách của mình để ứng phó hiệu quả với các hoàn cảnh bên ngoài, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Giáo sư Ito cho biết bản thân ông rất bất ngờ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1995 và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có thể nhận thấy Việt Nam đã áp dụng quan điểm linh hoạt trong điều chỉnh hướng đi của đất nước phù hợp với tình hình thế giới. Điều này có thể thấy rõ qua việc Việt Nam nối lại viện trợ phát triển chính thức với Nhật Bản ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập APEC năm 1998 và tích cực thúc đẩy tham gia vào các khuôn khổ đa phương.
Theo Giáo sư Ito, chính sách Đổi mới đã giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng hơn 100 lần so với năm 1975. Tại Đại hội đảng năm 1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã quyết tâm hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi định vị nền kinh tế đất nước trong sự phân công lao động và sự phụ thuộc lẫn nhau trên trường quốc tế, từ đó xây dựng một chiến lược phát triển linh hoạt. Việt Nam đã đồng thời phát triển kinh tế và cải cách chính trị.
Đánh giá về đường lối “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam, Giáo sư Ito cho rằng trong thế kỷ XXI, Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và mong muốn xây dựng quan hệ đối tác không chỉ với Đông Nam Á mà còn với các cường quốc bên ngoài khu vực. Việt Nam có "mối quan hệ đặc biệt" với các nước láng giềng Lào và Campuchia và xây dựng được cấp độ quan hệ song phương cao nhất (quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện) với 12 quốc gia, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia. Việt Nam cũng đã ký các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với hàng chục đối tác và phát triển nền ngoại giao "toàn diện", đồng thời xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các quốc gia.
Giáo sư Ito cho rằng “ngoại giao cây tre” của Việt Nam linh hoạt ở chỗ không phân biệt kẻ thù hay đồng minh mà chú trọng vào bản chất kép của hợp tác và đấu tranh. Theo nhận định trước đó của Tiến sĩ Tomotaka Shoji thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, kết quả cuối cùng của "Ngoại giao cây tre" là sự không liên kết, thể hiện rõ trong chính sách “4 không" trong lĩnh vực quốc phòng.
Đề cập đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay tại Việt Nam, Giáo sư Ito so sánh với những gì đã diễn ra tại Nhật Bản. Ông cho biết cải cách hành chính là vấn đề chính ở Nhật Bản kể từ những năm 1980. Trước đây, Nhật Bản có khoảng 3.000 thành phố với mỗi thành phố cơ bản có 1 thị trưởng và 1 hội đồng, có quyền tự chủ nhưng chi phí lại rất lớn. Sau "Đại hợp nhất Heisei", Nhật Bản chỉ còn khoảng 1.000 thành phố.
Giáo sư Ito cho rằng Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy táo bạo, giúp cải thiện hiệu quả khu vực chính phủ. Theo ông, mặc dù cuộc cách mạng này có thể tạo ra một số xung đột lợi ích trước mắt nhưng là con đường không thể tránh khỏi để giảm lãng phí tiền thuế của dân và thúc đẩy phát triển của toàn xã hội Việt Nam.
Cũng theo Giáo sư Ito, Việt Nam đang áp dụng chính sách "cây tre" trong cả đối nội và đối ngoại. Thái độ mềm dẻo nhưng kiên quyết, và trên hết là việc thực hiện các chính sách, là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm nhậm chức vào tháng 8/2024 và đã đưa ra các khẩu hiệu về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển và cải cách hơn nữa của Việt Nam.
Giáo sư Ito bày tỏ bất ngờ thú vị khi được biết cơ chế hiệu trưởng của trường đại học ở Việt Nam được lựa chọn thông qua bầu chọn. Ông tin rằng những cải cách dần dần nhưng chắc chắn sẽ quyết định vị thế của Việt Nam cả ở trong nước và quốc tế. 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Việt Nam thống nhất, Giáo sư Ito hoàn toàn tin tưởng rằng "chính sách cây tre" của Việt Nam sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong tương lai.
Nguyễn Tuyến - Xuân Giao (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-gia-nhat-ban-danh-gia-cao-ngoai-giao-cay-tre-cua-viet-nam-20250428170449573.htm