Bà Trần Ngọc Thảo chia sẻ tại Lễ công bố chương trình GEARS@VIETNAM sáng 16/1. Ảnh: BSA.
Chia sẻ tại Lễ công bố chương trình GEARS@VIETNAM do doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức sáng 16/1, bà Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành TMS Việt Nam, Nhà sáng lập HR Talks cho biết khi nói đến danh tiếng thương hiệu, nhiều người chỉ nghĩ đến thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, bà Thảo khẳng định việc nhận diện thương hiệu với ứng viên cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
"Lý do hàng đầu khiến nhân viên bỏ đi là vì người quản lý. Họ không cảm thấy được đối xử công bằng, bình đẳng, không cảm thấy có cơ hội thăng tiến công bằng", bà Thảo chia sẻ.
Theo bà, việc tuyển dụng nhân tài là một thách thức, nhưng làm cách nào để có thể giữ chân họ gắn bó với công ty cũng là một khó khăn lớn không kém. Đáng nói, lương không phải là yếu tố để đầu tiên để nhân viên cân nhắc mà họ sẽ xem xét văn hóa công ty.
Nếu không đảm bảo được môi trường làm việc cởi mở và thân thiện, doanh nghiệp có thể rơi vào vòng lặp tuyển dụng liên tục một vị trí.
"Nếu có một vị trí mà nhân viên cứ vào ra liên tục thì có vấn đề và vấn đề nằm ở chính nhà tuyển dụng", bà Thảo nhận định, đồng thời cho rằng môi trường làm việc tích cực sẽ đồng thời giúp tăng cường sự gắn kết và hài lòng của nhân viên.
Do đó, bà Thảo cho rằng doanh nghiệp cần có chính sách rõ ràng về bình đẳng giữa nam và nữ ở nơi làm việc, như vậy việc gắn kết giữa các nhân sự trong công ty sẽ diễn ra hiệu quả hơn. Bà cũng lưu ý các doanh nghiệp cần xác định rõ người có năng lực tốt, tài năng, từ đó có kế hoạch hỗ trợ nhân sự để họ có cơ hội thể hiện tốt nhất tài năng của bản thân.
Bà nhấn mạnh một tiêu chí quan trọng trong thực hành ESG là DEI (Diversity - Equity - Inclusion), tức là các yếu tố đa dạng, bình đẳng và dung hợp.
Đối với các công ty công nghệ vốn có đặc thù nam nhiều hơn nữ, họ cũng đã khuyến khích các ứng viên nữ nộp đơn ứng tuyển. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cân bằng giới. "Các công ty đa quốc gia hiện ưu tiên tỷ lệ 40-60 hoặc 30-70, thậm chí một số công ty của Pháp đặt tiêu chí 50-50", bà nói thêm.
Đồng tình với bà Thảo, ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE cho biết tiêu chí DEI đã trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, khi nói về DEI, doanh nghiệp phải có số liệu. Các con số sẽ cho doanh nghiệp biết mình có đạt được các mục tiêu đa dạng, bình đẳng, dung hợp hay không và đặc biệt là minh chứng cho các đối tác, nhà đầu tư", ông Bình chia sẻ.
GEARS giúp doanh nghiệp đo lường và hoạch định chiến lược quản trị và phát triển nguồn nhân lực, với các kết quả có thể được đưa vào báo cáo phát triển bền vững.
Bộ công cụ bao gồm 13 khía cạnh liên tầng có liên quan đến giới trong môi trường sản xuất và kinh doanh, từ tuyển dụng, chính sách, lương thưởng, thăng tiến, chống quấy rối và phân biệt đối xử... cho đến đảm bảo bình đẳng giới trong chuỗi cung ứng.
Anh Nguyễn