Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã ký ban hành Quyết định số 83/2024 về quy định việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố.
TP.HCM đã chính thức cấm phân lô bán nền tại 5 huyện ngoại thành. Ảnh: Lê Toàn
Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên toàn địa bàn Thành phố không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của Thành phố, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Khoản 1, 2 Điều 45 Luật Đất đai 2024, chủ đầu tư được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nói quy định này là chưa phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp đất không thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III…
Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Như vậy, chiếu theo quy định này, chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở tại 16 quận và TP. Thủ Đức.
Riêng với 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ, ông Châu cho rằng cần quy định chi tiết việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở tại địa bàn các xã.
Trước đó, theo đánh giá của Sở Xây dựng, TP.HCM đang xây dựng Đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030", theo đó, từ nay đến năm 2030, các huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng hưởng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc Thành phố.
Để tránh sự phân biệt giữa các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật trên địa bàn Thành phố, chủ đầu tư dự án bất động sản trên toàn địa bàn Thành phố phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở theo quy định, sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng tuy Thành phố đã đặt mục tiêu các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ sẽ lên quận hoặc Thành phố trực thuộc TP.HCM đến năm 2030, nhưng hiện nay tất cả 5 huyện vẫn đang là huyện thuộc thành phố chứ chưa phải là quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM.
“Với tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì tất cả 5 huyện vẫn thuộc các khu vực còn lại, Thành phố căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở”, ông Châu nói.
Ngoài ra, ông Châu đánh giá quy định của Thành phố vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, và nhu cầu của người dân muốn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn 5 huyện này để tự xây dựng nhà ở.
Trọng Tín