Năm 2024, xây dựng được 21.000 căn nhà ở xã hội
Thông tin này được Bộ Xây dựng cho biết trong dự thảo tài liệu tổng kết công tác của ngành. Theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn. Dù nỗ lực, các tỉnh, thành phố cũng chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch. Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhiều lần cho biết việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội (NOXH) còn nhiều khó khăn, thách thức.
Việc thực hiện gói vay ưu đãi cho loại hình nhà ở này cũng hạn chế. Cụ thể, đến nay mới có 16 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỷ.
Từ năm 2021 đến nay, theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước có 644 dự án NOXH được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, chỉ có 96 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 57.620 căn. 133 dự án đã khởi công với trên 110.200 căn. Còn lại 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cung cấp thêm hơn 412.200 căn nếu xây xong.
Trong năm qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện 5.000 căn NOXH cho lực lượng vũ trang mỗi đơn vị. Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội để thúc đẩy phát triển NOXH tại Hà Nội.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 9, Bộ Xây dựng cho biết việc phát triển NOXH tại hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP HCM còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu dù nhu cầu rất lớn. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng thời điểm đó mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Nhà ở xã hội 987 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.
TP HCM có chỉ tiêu xây xong 26.200 căn đến 2025. Tuy nhiên, thành phố đạt khoảng 21% mục tiêu với 6 dự án đã cấp phép, khởi công (gần 4.400 căn) và 4 dự án hoàn thành (hơn 1.200 căn). Ngoài ra, TP HCM đăng ký đưa 6 dự án vận hành vào năm 2025.
Theo báo cáo về thị trường bất động sản của Đoàn giám sát Quốc hội, việc triển khai NOXH còn bị động, do nguồn vốn ngân sách chưa bố trí thỏa đáng. Vì thế, phần lớn dự án xây bằng nguồn vốn ngoài nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã xây dựng. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp không mặn mà việc xây nhà cho công nhân.
Cùng với đó, nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập, chủ yếu phụ thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, giai đoạn 2015-2023, chỉ có 18 trên 63 tỉnh thành bố trí quỹ đất độc lập làm NOXH và 35 địa phương bố trí quỹ 20% trong dự án nhà thương mại. Điều này dẫn đến chưa đảm bảo nguồn cung, ảnh hưởng đến giá bán, cho thuê, thuê mua NOXH.
Cởi trói để phát triển nhà ở xã hội
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, trước đây việc thực hiện dự án NOXH có nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 5 yếu tố như quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay, vấn đề thủ tục, đầu ra và vốn thì các quy định của pháp luật đã gần như “cởi trói” rất mạnh cho phát triển NOXH. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” trong thực hiện NOXH vẫn còn nhiều, nhất là vấn đề về lãi suất.
“Chính quyền địa phương nơi các doanh nghiệp tiếp cận vẫn có rào cản. Bên cạnh đó, những quy định, quy trình hướng dẫn thực hiện vẫn lúng túng. Đến lúc này, thực trạng thực thi luật tại một số địa phương vẫn còn khó khăn, vướng mắc”, ông Đính nói.
TS Cấn Văn Lực cũng khẳng định, chương trình NOXH hiện còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và thực thi, mỗi địa phương làm một kiểu. Trong khi đó, nguồn vốn phát triển NOXH cũng là một vướng mắc lớn. Vốn làm NOXH trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các “gói hỗ trợ” ngắn và trung hạn nên chỉ mang tính thời điểm và không bền vững, chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, quỹ đất khi có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển NOXH tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu đến từ công tác quy hoạch. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển NOXH, chưa chủ động dành những quỹ đất trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cho xây dựng NOXH, chưa có quy chuẩn nào về quỹ đất NOXH…
Một vướng mắc khác mà ông Lực dẫn chứng ra là giới hạn về lợi nhuận của các dự án NOXH ở mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư. Theo ông Lực, đây không phải là mức lợi nhuận hấp dẫn. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác khiến cho việc triển khai dự án NOXH “rất khiêm tốn”, như: hoạt động thanh tra, kiểm tra phức tạp, các dự án phải tuân thủ quy định khá phức tạp...
Để tháo điểm nghẽn, ông Lực kiến nghị các địa phương cần chủ động xây dựng quỹ đất phát triển NOXH; rà soát, thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch quỹ đất, chất lượng công trình dành cho NOXH.
“Đối với các dự án NOXH còn vướng mắc trên địa bàn cần rà soát để kịp thời tháo gỡ, cho phép chuyển đổi công năng một số dự án phù hợp để chống lãng phí. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ của riêng địa phương, phù hợp với đặc thù của địa phương để thúc đẩy phát triển NOXH, nhà ở công nhân trên địa bàn…”, ông Lực đề xuất.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các dự án NOXH hiện nay thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp đầu tư xây dựng bằng vốn của doanh nghiệp chứ không phải xây dựng bằng tiền của Nhà nước. “Cá nhân tôi đánh giá xây dựng NOXH khó hơn là lựa chọn phân khúc nhà ở thương mại”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu mong muốn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp các địa phương triển khai thực hiện sớm các vấn đề liên quan đến NOXH. Thứ nhất là quy chuẩn về NOXH để tránh hiện tượng mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Thứ hai quy chuẩn về quỹ đất NOXH. Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải vào cuộc với các địa phương để đưa hoạt động phát triển NOXH tốt hơn trong năm tới.
Bình Minh