Chiến sự vẫn đang diễn ra trên chiến trường Ukraine song hiện không có chiến dịch tấn công quy mô lớn nào đang diễn ra, cả Kiev và Moscow đang duy trì thế giằng co. Trong bối cảnh này, đài RT dẫn phán đoán từ giới quan sát rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ phát động chiến dịch quân sự xuân-hè.
Giới quan sát cho rằng chiến dịch sắp tới nếu diễn ra sẽ lặp lại kịch bản của năm ngoái: Nga gia tăng sức ép trên nhiều mặt trận, còn Ukraine tiếp tục phòng thủ trong khi nguồn lực ngày càng cạn kiệt.
Theo chuyên gia Nga Sergey Poletaev - đồng sáng lập và biên tập viên của “Dự án Vatfor” có liên hệ với Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), bên dưới mô hình quen thuộc ấy là những thay đổi đáng kể về chiến lược, nhân lực và công nghệ chiến trường, báo hiệu rằng những tháng tới sẽ không đơn thuần là bản sao của năm 2024.
Mục tiêu chiến sự
Theo ông Poletaev, cần lưu ý rằng đối với cả quân đội Nga lẫn Ukraine, việc chiếm giữ hay bảo vệ lãnh thổ không phải là mục tiêu tối hậu. Trong một cuộc chiến tiêu hao, mục tiêu chính là làm suy kiệt đối phương, gây tổn thất nhiều hơn số thiệt hại phải gánh chịu.
Chuyên gia dự đoán rằng nước đi tiếp theo của Nga sẽ mang tính quyết định đối với xung đột Ukraine. Ảnh: RT
Tuy nhiên, Ukraine không phải lúc nào cũng tuân thủ logic đó. Trong 3 năm qua, nhiều lần các tính toán chính trị đã lấn át những cân nhắc quân sự. Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) vì do dự trong việc rút khỏi một số vị trí mà đã chịu nhiều tổn thất nặng nề mang tính cục bộ. Điều này từng xảy ra tại thành trì Bakhmut, Avdiivka, Kurakhovo (đều ở tỉnh Donetsk),... và gần đây nhất là tại thị trấn Sudzha (tỉnh Kursk của Nga).
Ông Poletaev cho rằng tính dễ đoán này đã tạo lợi thế cho Nga.
Quân đội Nga đã thuần thục chiến thuật bao vây thành phố từ nhiều hướng, đặt tuyến tiếp tế của đối phương trong tầm khống chế hỏa lực và từ từ bào mòn lực lượng đồn trú trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Thay vì rút lui khi còn cơ hội, Ukraine thường cố thủ cho đến khi tình hình sụp đổ, rồi rút lui trong hỗn loạn.
Ukraine đang ngày càng bất lợi
Ngày 28-3, trong cuộc gặp với lực lượng chiến đấu tại Kursk, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên công khai tuyên bố mục tiêu của Nga là “ép và nghiền nát” Ukraine, tức giành thắng lợi quân sự quyết định. Điều đó cho thấy Điện Kremlin đang có niềm tin rằng thất bại của Ukraine chỉ còn là vấn đề thời gian.
Có thể thấy, hiện Ukraine vẫn giữ được tuyến phòng thủ. Bất chấp tình trạng thiếu hụt nhân lực, Ukraine đã ngăn chặn được các đột phá lớn của Nga. Để giành được những tiến triển đáng kể, Nga thường phải tập trung lực lượng với tỉ lệ 2:1 hoặc thậm chí 3:1, và tốc độ tiến công vẫn rất chậm.
Một nguyên nhân quan trọng là việc Ukraine sử dụng hiệu quả máy bay không người lái (UAV). Kết hợp với khả năng giám sát và trinh sát liên tục, UAV đem lại lợi thế đáng kể cho bên phòng thủ. Tình hình hiện tại gợi nhớ tới chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I, nơi súng máy và pháo binh khiến bất kỳ đợt tấn công nào qua “vùng đất chết” đều phải trả giá đắt. Trong cuộc chiến này, UAV đang là tài sản chiến lược lớn nhất của Ukraine.
Thứ hai, chiến dịch của Nga mang tính viễn chinh. Ukraine đã huy động toàn diện về quân sự, kinh tế và chính trị. Trong khi đó, Nga chỉ dựa vào lực lượng tình nguyện. Không có lệnh tổng động viên, và nền kinh tế vẫn chưa chuyển hẳn sang trạng thái thời chiến. Dù chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp đôi so với tỉ trọng GDP, nhưng phần lớn được bù đắp bằng doanh thu dầu mỏ tăng và đồng rúp yếu.
Cách tiếp cận này giúp Nga duy trì ổn định kinh tế dài hạn, nhưng lại hạn chế nhân lực và tài nguyên cho tiền tuyến. Chiến lược của Ukraine là làm tiêu hao giới hạn đó và buộc Nga phải chấp nhận lệnh ngừng bắn, đương nhiên là không kèm theo mất thêm lãnh thổ hoặc những nhượng bộ chính trị không thể chấp nhận như giải thể quân đội hay thay đổi thể chế.
Theo ông Poletaev, mọi chiến dịch quân sự, dù là phòng thủ, đều đòi hỏi sự chuẩn bị: kế hoạch, hậu cần, nhân lực. Đối với Ukraine, điều đó có nghĩa là cần viện trợ từ phương Tây và huy động thêm quân.
Tính đến giữa tháng 4, cả hai điều kiện đều chưa được đáp ứng. Mỹ chỉ còn lại phần viện trợ cuối cùng từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, và chưa có gói hỗ trợ mới nào. Châu Âu, dù ủng hộ về mặt nguyên tắc, nhưng không bù đắp quy mô viện trợ như Mỹ.
Nhân lực là vấn đề cấp bách hơn. Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine - ông Alexander Syrsky cho biết Ukraine cần bổ sung 30.000 binh sĩ mỗi tháng chỉ để duy trì lực lượng hiện tại.
Chiến lược phòng thủ của Ukraine cũng chỉ dựa trên một trụ cột duy nhất: UAV. Điều này khiến chiến lược trở nên mong manh. Nếu Nga có thể chế áp hoạt động UAV của Ukraine, thì mọi thứ còn lại có thể sụp đổ.
Quân đội Nga đã cho thấy khả năng thích ứng – dù là trong các đợt tấn công tiêu hao hay phòng thủ kéo dài. Chiến dịch Avdeevka kết thúc hồi tháng 2 đã thiết lập cục diện cho năm 2024. Nga đã thành công khi phối hợp tấn công vu hồi, khống chế tuyến tiếp tế và bao vây, làm suy kiệt lực lượng phòng thủ, với sự yểm trợ của drone, pháo binh và bom dẫn đường.
Ukraine cũng điều chỉnh chiến thuật phòng thủ, nhưng đột phá của Nga tại thị trấn Sudzha đầu năm 2025 lại thể hiện một bước tiến xa hơn. Lần đầu tiên sau thời gian dài, Nga đã xuyên thủng phòng tuyến Ukraine, buộc đối phương phải rút lui hỗn loạn khỏi vị trí phòng thủ kiên cố.
Xét tổng thể, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, khả năng tuyến phòng thủ của Ukraine sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn vào cuối năm đã vượt ngưỡng 50%. Tất cả phụ thuộc vào việc Nga có thể liên tục tạo ra các mũi đột phá hay không.
Hiện trường vụ Nga tấn công Sumy hôm 13-4. Ảnh: TELEGRAM
Đợt tấn công tiếp theo của Nga có thể sẽ như thế nào?
Theo chuyên gia Poletaev, Nga rất có thể sẽ tiếp tục chiến lược của năm ngoái: gây sức ép trên toàn tuyến nhằm kéo giãn lực lượng Ukraine, thăm dò điểm yếu và khai thác các lỗ hổng khi chúng xuất hiện.
Nhìn chung, chiến tuyến có thể chia thành 4 khu vực từ bắc xuống nam:
. Mặt trận Sumy: Sau khi buộc lực lượng Ukraine rút khỏi khu vực Kursk, Nga có thể mở rộng đà tấn công tại khu vực này. Mục tiêu trước mắt có thể là thiết lập một vùng đệm an toàn dọc biên giới.
Ngoài ra, cũng xuất hiện tin đồn về khả năng Moscow tiến quân về phía thành phố Sumy. Dù Nga chưa từng tuyên bố chủ quyền với khu vực này, nhưng Sumy vẫn là một điểm gây áp lực chiến lược hiệu quả không kém bất kỳ nơi nào khác trên toàn tuyến.
. Mũi tiến quân Volchansk–Kupiansk: Khu vực này bị cô lập về mặt địa hình do sông Seversky Donets, tạo nên một chiến tuyến đặc thù. Các mục tiêu của Nga tại đây có thể bao gồm việc kiểm soát hoàn toàn bờ đông sông Oskol, tái chiếm thành phố Lyman và tìm cách bao vây TP Kupiansk.
Ngoài ra, một đòn tấn công sâu hơn nhằm vào Kharkiv từ hướng bắc qua Volchansk cũng là một kịch bản có thể được tính đến.
. Mặt trận Donetsk: Đây là chiến trường trọng điểm trong năm 2024. Hai hướng tấn công chính của Nga tập trung vào các TP Konstantinovka và Pokrovsk. Trong đó, mũi đánh Pokrovsk được đánh giá có triển vọng hơn nhờ việc phía Moscow đã thiết lập hệ thống hậu cần ổn định, triển khai các chiến thuật đánh vu hồi và còn giữ lại nhiều điểm tập kết từ các chiến dịch trước.
Trong khi đó, Konstantinovka hiện đang bị bao vây một phần, nhưng việc tiếp cận từ hướng bắc gặp nhiều trở ngại do con kênh Seversky Donets–Donbass cắt ngang, gây gián đoạn nghiêm trọng cho tuyến tiếp tế cho quân Nga.
. Mặt trận phía Nam: Vào tháng 3, sau khi các trận chiến mùa đông tạm lắng, giao tranh đã bùng phát trở lại quanh khu vực sông Dnipro. Đây có thể là bước chuẩn bị của Nga nhằm chiếm giữ hai bờ con sông, tạo bàn đạp cho một cuộc tấn công hướng về thành phố Zaporizhia.
Thành phố này chỉ cách tiền tuyến khoảng 30km và đã được Ukraine tăng cường phòng thủ từ mùa thu năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Poletaev nhấn mạnh không nên đánh giá thấp Ukraine.
“Dù một cuộc phản công quy mô lớn có thể vượt quá khả năng hiện tại, nhưng những đòn tấn công bất ngờ như cuộc đột kích trước đó vào khu vực Kursk vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay, việc Kiev thể hiện năng lực quân sự trước các nhà tài trợ phương Tây quan trọng không kém gì việc duy trì phòng tuyến” - vị chuyên gia nhận định.
DƯƠNG KHANG