Đại biểu cùng trao đổi ý kiến với diễn giả tại hội thảo.
Những ý tưởng đột phá
Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2025" do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp phối hợp với Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục tổ chức tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) trong hai ngày 29 và 30/3 thu hút hơn 250 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, thầy cô giáo trong nước và quốc tế tham dự.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, sáng 30/3 đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Tương lai của Giáo dục trong thời đại AI" với những chia sẻ và góc nhìn thực tế của các chuyên gia giáo dục, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu song hành cùng ngành Giáo dục đã đem đến cho các đại biểu nhiều trải nghiệm, ý tưởng giá trị, ý nghĩa và phù hợp với đơn vị mình.
Ông Kiều Mạnh Toàn chia sẻ những ý kiến dưới góc nhìn quản lý doanh nghiệp.
Trao đổi tại đây, ông Kiều Mạnh Toàn - Giám đốc khối chính phủ và doanh nghiệp lớn, Microsoft Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển như vũ bão hiện nay, các đơn vị, nhà trường cần biết tận dụng những ưu việt của nó để hỗ trợ tích cực cho việc quản lý, giảng dạy cũng như quản trị trong mỗi doanh nghiệp.
Khi tận dụng AI, tạo điều kiện cho giáo dục công bằng cần thiết kế toàn diện, hướng tới cá nhân hóa việc học dựa trên nhu cầu cá nhân của học sinh với nội dung phù hợp và huấn luyện có mục tiêu để hỗ trợ cải thiện; tăng tốc học tập cho học trò bằng cách cung cấp trải nghiệm tương tác, phân tích dữ liệu hiệu quả và tùy chỉnh nội dung.
Đồng thời, tự động hóa các quy trình; xây dựng kiến thức AI giữa nhân viên, nhà giáo dục và học sinh để khuyến khích sử dụng có trách nhiệm và thúc đẩy học tập một cách hiệu quả. Ngoài ra, thầy cô cần trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để phát triển công việc trong tương lai...
Ban tổ chức chụp ảnh cùng các diễn giả và đại biểu.
Cô Nguyễn Hồng Minh trao đổi những ý kiến từ thực tế bản thân.
Từ thực tế làm việc, cô Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc phát triển mạng lưới, đối tác đào tạo toàn cầu Microsoft – InterEDU giới thiệu tổng quan các chương trình giáo dục của Microsoft từ Mầm non đến Đại học; cách các nhà trường tại Việt Nam đang ứng dụng công nghệ Microsoft trong giảng dạy và quản lý; vai trò quan trọng của Cộng đồng Giáo viên Sáng tạo Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số.
Cô Hồng Minh đã có 5 năm giữ vai trò Quản lý chương trình giáo dục Microsoft tại Việt Nam, trực tiếp làm việc với các nhà trường, giáo viên và học sinh trên toàn quốc nhằm nâng cao năng lực công nghệ và chuyển đổi số giáo dục. Cô Minh cũng là 1 trong 4 Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu cao cấp của Microsoft tại Việt Nam, thành viên Ban Quản trị Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam.
Hướng nghiệp một cách thực chất
Diễn giả Yoichi Igarashi trao đổi với các đại biểu nhiều ý tưởng hay và thực tế cao.
Ông Yoichi Igarashi - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH DENSO Việt Nam chia sẻ: Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, việc kết hợp giữa nhà trường – doanh nghiệp – tổ chức giáo dục là chìa khóa để giúp học sinh sẵn sàng bước vào thế giới nghề nghiệp với hành trang vững chắc.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế & tầm nhìn từ các tập đoàn đa quốc gia cũng như những chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực tại Việt Nam có thể học hỏi gì từ mô hình toàn cầu.
Các doanh nghiệp có thể làm gì để định hướng nguồn nhân lực? Không chỉ chờ đợi ứng viên phù hợp, doanh nghiệp ngày nay cần chủ động hơn trong việc kết nối, đồng hành với giáo dục. Làm sao để học sinh hiểu mình muốn gì? Các phương pháp hướng nghiệp hiệu quả giúp các em khám phá năng lực cá nhân, nuôi dưỡng đam mê và định hướng nghề nghiệp từ sớm.
Các đại biểu đặt câu hỏi giao lưu với diễn giả.
Cách tổ chức hoạt động thực tế giúp học sinh hiểu rõ hơn về công việc tương lai, từ đó có lựa chọn đúng đắn. Diễn giả Yoichi Igarashi cho rằng, nhiều học sinh bị mất phương hướng khi lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đây là một thực tế đáng suy ngẫm. Thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, các em biết chọn lọc thông tin và đưa ra quyết định phù hợp là rất quan trọng.
Cũng theo ông Yoichi Igarashi, thực tế có những em băn khoăn không biết sở trường của mình là gì để lựa chọn nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi thầy cô cần hỗ trợ các em thông qua quá trình quan sát, tìm hiểu và trao đổi. Hãy cho học sinh trải nghiệm và dẫn dắt hứng thú, khơi gợi lòng đam mê cho các em.
"Ở Nhật Bản, ngay từ bậc Mầm non, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ tưởng tượng và định hình về xã hội mình đang sống như thế nào? Nếu là giáo viên mầm non, tôi sẽ hướng dẫn trẻ cách lắp ghép mô hình thế nào để hình tượng hóa các sản phẩm trong tương lai. Qua đó, trẻ biết những công việc sau này mình sẽ như thế nào", ông Yoichi Igarashi chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Lệ chia sẻ về sáng kiến
Trong khuôn khổ hội thảo, cô Nguyễn Thị Hồng Lệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh, tỉnh An Giang đã chia sẻ về sáng kiến của nhà trường: Hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ Microsoft 365 Copilot để hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa và phân tích thị trường lao động; hướng dẫn học sinh trải nghiệm Chatbot AI được tạo từ công cụ Microsort Copilot Studio để tìm hiểu các thông tin về thi tốt nghiệp THPT 2025, công cụ tư vấn nghề nghiệp, trắc nghiệm Holland và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đình Tuệ