Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Phiên họp toàn thể Cuộc họp thường niên lần thứ 21 của Câu lạc bộ Valdai tại Sochi, vùng Krasnodar, Nga, ngày 7/11. (Nguồn: Reuters)
Kết thúc xung đột Nga-Ukraine trong 24 giờ?
Khẳng định điểm yếu lớn nhất của Tổng thống Nga Putin hiện nay là kinh tế. Giám đốc WIFO phân tích: "Nền kinh tế chiến tranh có nghĩa là mọi người sản xuất xe tăng và tên lửa thay vì đồ nội thất, quần áo hoặc thực phẩm. Một số bộ phận của nền kinh tế Nga không phục vụ cho người dân mà thay vào đó lại dành cho việc tạo ra vũ khí ở Ukraine. Đây không phải là nền kinh tế hiệu quả".
Trong khi đó, theo nhà kinh tế học này, để các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đạt hiệu quả hơn, cần được các quốc gia khác hỗ trợ, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Felbermayr còn cho rằng, các nước phương Tây vẫn có cơ hội thắt chặt lệnh trừng phạt Nga, đặc biệt là bằng cách áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu hàng hóa của Moscow như kim loại và khí đốt tự nhiên.
Thủ tướng Anh Keir Starmer mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục "gây đau đớn tối đa cho Nga" bằng các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có và cùng chung tay tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trên thực tế, tình hình cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine dù sắp bước sang năm thứ 4 nhưng vẫn khó tìm thấy hồi kết, khi mà cả hai bên đều đặt ra các điều kiện mà theo giới quan sát cho là khó để bên nào có thể “nhường nhịn” bên nào.
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể Cuộc họp thường niên lần thứ 21 của Câu lạc bộ Valdai tại Sochi (7/11), Tổng thống Putin nói rõ về điều kiện tiên quyết rằng, Moscow đã công nhận biên giới hậu Xô Viết của Ukraine dựa trên niềm tin trung lập và họ luôn sẵn sàng đàm phán nếu có sự cân nhắc đầy đủ về lợi ích hợp pháp của nhau. Do đó, Kiev nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và biên giới của Ukraine phải tuân theo nguyện vọng của người dân.
Trong khi đó, nói về điều kiện để đi đến đàm phán hòa bình, trong cuộc phỏng vấn với Sky News (29/11), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Nếu chúng tôi muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc xung đột, chúng tôi cần đưa lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi đang kiểm soát vào "chiếc ô" của NATO.
Chúng tôi cần phải làm điều đó nhanh chóng. Và sau đó Ukraine có thể lấy lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát theo phương thức ngoại giao". Ông Zelensky cũng làm rõ rằng Kiev sẽ không chính thức từ bỏ các yêu sách đối với Crimea và bốn khu vực khác đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 và 2022.
Trong bối cảnh này, lời cam kết giải quyết xung đột Nga-Ukraine "trong vòng 24 giờ" của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có vẻ như chưa đủ thuyết phục, nhưng nó đã phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng ở Washington rằng họ ủng hộ một giải pháp đàm phán. Và trên thực tế, như NBC News đưa tin rằng, "ông Trump thực sự nghiêm túc về việc muốn đạt được lệnh ngừng bắn ngay ngày đầu tiên nhậm chức".
Đường đi nước bước của Tổng thống đắc cử Mỹ thế nào không được tiết lộ, nhưng bình luận trên tờ Foreign Affairs, nhà phân tích Theodore Bunzel - Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Tư vấn địa chính trị của Lazard, người cũng từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ tại Moscow và Nghiên cứu viên cao cấp Elina Ribakova của Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, nếu Mỹ muốn trở thành một “trọng tài” giữa Nga và Ukraine, Washington cần phải có những con bài để mặc cả.
Theo đó, “may mắn” cho phương Tây, Nga có một điểm yếu chí tử chính là nền kinh tế. Giới quan sát cho rằng, bên ngoài có vẻ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine là không hiệu quả và nền kinh tế của nước này vẫn đang phát triển tốt.
Vậy tác động của lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga có hay không? Và ảnh hưởng đến mức nào?
Phân tích của hai nhà nghiên cứu Theodore Bunzel và Elina Ribakova cho thấy, trên thực tế, các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại đáng kể và làm giảm khả năng điều chỉnh chính sách của Điện Kremlin và giờ đây nền kinh tế Nga đang bị bóp méo một cách nguy hiểm khi chi phí cho cuộc xung đột ngày càng tăng.
Nguồn cung lao động đang thu hẹp do chiến dịch quân sự kéo dài, trong khi chi tiêu quốc phòng đang ngốn một lượng ngân sách khổng lồ. Và nếu doanh thu từ năng lượng của Moscow— huyết mạch của nền kinh tế Nga—và nguồn cung hàng hóa sử dụng kép do phương Tây sản xuất chậm lại đáng kể, nước này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép cả về kinh tế và quân sự.
“Thắt chặt thòng lọng trừng phạt sẽ khiến nỗ lực khổng lồ hiện nay của Moscow kém bền vững hơn về mặt tài chính, với viễn cảnh về cỗ máy quân sự chậm lại và tình hình kinh tế xấu đi trông thấy, theo đó, Nga có thể cảm thấy áp lực để phải chấp nhận các điều khoản có lợi hơn cho Ukraine”, theo phân tích của hai nhà nghiên cứu Theodore Bunzel và Elina Ribakova trên tờ Foreign Affairs.
Theo đó, Washington và các đối tác châu Âu có thể hành động ngay lập tức, tận dụng những tuần còn lại của chính quyền Tổng thống Joe Biden để gây sức ép, buộc Nga tiếp cận cả giảm doanh thu năng lượng và ngăn chặn nhập khẩu hàng công nghệ. Đặc biệt, trong lúc này, khi giá dầu và tỷ lệ lạm phát đang giảm ở Mỹ và châu Âu, các chính phủ phương Tây nên sẵn sàng hơn trong việc phá vỡ dòng năng lượng của Nga so với năm 2022.
Tổng thống Putin nói gì?
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội lần thứ 22 đảng Nước Nga thống nhất ở Trung tâm quốc gia Nga ở Moscow, ngày 14/12, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, "việc tống tiền Nga là vô ích".
"Nga đang phát triển, nền kinh tế đang tăng trưởng và điều này diễn ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa từng có, sự can thiệp trắng trợn và áp lực từ giới tinh hoa cầm quyền của một số quốc gia". Đồng thời Tổng thống Putin nhấn mạnh "không có việc tống tiền hay nỗ lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở chúng ta sẽ mang lại kết quả. Moscow sẽ đạt được tất cả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn".
Washington và các đồng minh phương tây đã áp đặt kỷ lục 22.000 lệnh trừng phạt đối với Moscow kể từ năm 2014. Số lượng các biện pháp trừng phạt vào Nga tăng đột biến sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của phương Tây, Nga vẫn tích cực tham gia vào thương mại quốc tế. Một số quốc gia trong EU vẫn tiếp tục mua năng lượng có nguồn gốc từ Nga, công khai thách thức lời kêu gọi thoái vốn của Brussels, trong khi những quốc gia khác thực hiện thông qua các bên trung gian, theo các nhà nghiên cứu theo dõi nguồn cung.
Tháng trước, tờ Bloomberg đã cảnh báo rằng vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ, nhắm vào Gazprombank của Nga, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Tây Âu.
Trong khi đó, RT cho hay các đợt trừng phạt liên tiếp đã không thể "làm sụp đổ" nền kinh tế Nga như Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán vào năm 2022. Thay vào đó, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6% trong năm 2024, trong khi nền kinh tế Anh tăng trưởng 1,1%, theo số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế.
"Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các lệnh trừng phạt của phương Tây", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói với nhà báo người Mỹ Tucker Carlson hồi đầu tháng 12 và quả quyết – "Họ sẽ không bao giờ khiến chúng tôi gục ngã. Chúng tôi thậm chí còn mạnh mẽ hơn".
Minh Anh