Chuyên gia SSI: Thuế quan Mỹ 46% có thể không kéo dài

Chuyên gia SSI: Thuế quan Mỹ 46% có thể không kéo dài
một ngày trướcBài gốc
Mức thuế 46%: Bất ngờ về con số, không bất ngờ về danh sách
Theo thông tin được công bố, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và phải đối mặt với mức thuế 46% áp lên một số nhóm hàng cụ thể, dự kiến từ giữa tháng 4/2025. Các mặt hàng bị nhắm tới bao gồm điện tử (linh kiện, bán dẫn), thép, nhôm và năng lượng tái tạo (pin mặt trời, tuabin gió). Các quốc gia khác như Trung Quốc (34%), Thái Lan (36%), Campuchia (49%) cũng đối mặt với các mức thuế khác nhau.
Ông Hưng cho rằng, việc Việt Nam và nhiều quốc gia khác nằm trong "tầm ngắm" của chính sách thương mại Mỹ không phải là điều quá bất ngờ. Báo cáo gần đây của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã liệt kê gần 60 quốc gia với các chính sách và rào cản thương mại cần xem xét. "Điểm bất ngờ chính là độ lớn của con số," ông Hưng nhấn mạnh. Mức thuế đề xuất 46% đối với Việt Nam là rất cao, vượt xa các dự đoán trước đây vốn chỉ xoay quanh mức 10-15%.
Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ tại Cà phê cùng chứng
Nếu mức thuế 46% thực sự được áp dụng và kéo dài, tác động lên kinh tế Việt Nam sẽ rất đáng kể. Ông Hưng đưa ra một phép tính sơ bộ: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khoảng 120 tỷ USD. Giả định giá trị gia tăng tạo ra chiếm 30%, tương đương 36 tỷ USD đóng góp vào GDP. Con số này chiếm khoảng 7,5% tổng GDP của Việt Nam.
"Trong trường hợp xấu nhất, tác động ban đầu có thể lên tới mức dưới 7% GDP," ông Hưng ước tính. Con số này cao hơn nhiều so với các kịch bản thuế suất thấp trước đây (chỉ ảnh hưởng 1-1,5% GDP).
Ông Hưng cũng lưu ý, thông tin chi tiết về thời điểm và danh mục hàng hóa áp thuế vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. “Hiện tại, thông tin quá chi tiết chưa rõ ràng. Ví dụ, mức thuế cơ bản 10% được cho là áp dụng từ ngày mùng 5/4, nhưng còn những mức thuế đối ứng, hay các quy định ‘protocal’ thì có thể kéo dài thêm 1, 2 tuần nữa mới diễn ra,” ông Hưng cho biết. Theo ông Hưng, việc danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng cũng cần thêm thông tin để xác định rõ ràng mức độ tác động.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, tác động không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Khi hàng loạt quốc gia (gần 60 nước) cùng lúc đối mặt với chính sách thuế mới, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là hiện hữu. "Lúc này, việc tính toán tác động cần nhìn ở góc độ rộng hơn, có thể so sánh với các giai đoạn suy thoái trước đây hay thời điểm đại dịch COVID-19," ông Hưng phân tích.
Kịch bản tích cực: Thuế trần và dư địa đàm phán
Dù bức tranh ban đầu có vẻ u ám, ông Hưng vẫn chỉ ra những điểm "tích cực" hoặc ít nhất là hy vọng. Ông Hưng cho rằng, thuế trần cho đàm phán ở mức 46% (hay 34% với Trung Quốc) có thể chỉ là "mức trần" ban đầu, đóng vai trò là điểm khởi đầu cho quá trình đàm phán giữa các quốc gia với chính quyền Mỹ. "Không có nghĩa đây là mức thuế sẽ được áp dụng mãi mãi," ông Hưng nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, Việt Nam đã rất chủ động thực hiện nhiều biện pháp thể hiện thiện chí trong quan hệ thương mại song phương. Việc giảm thuế cho 14 mặt hàng Mỹ, các động thái liên quan đến cấp phép cho Starlink, và đặc biệt là dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược (nhấn mạnh bảo vệ sở hữu trí tuệ) là những minh chứng rõ ràng. Ông Hưng cho rằng, nhiều vấn đề Mỹ nêu ra trong báo cáo USTR đã và đang được Việt Nam tích cực xử lý.
Nói về khả năng bình thường hóa, ông Hưng nghiêng về khả năng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra nhanh chóng, dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ và mức thuế thực tế áp lên Việt Nam sẽ thấp hơn đáng kể so với con số 46%, thậm chí có thể chỉ còn 10% hoặc không còn mức thuế đặc biệt nào. "Ảnh hưởng ngắn hạn chắc chắn là có, nhưng trong dài hạn hơn, sẽ có sự bình thường hóa... Thậm chí, giống như mọi cuộc chiến tranh thương mại khác, Việt Nam cuối cùng vẫn có thể là quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển," ông Hưng lạc quan.
Bàn luận về thị trường chứng khoán, ông Hưng cho biết, phản ứng ban đầu thường là tiêu cực do tâm lý lo ngại. Tuy nhiên, ông Hưng đưa ra góc nhìn đa chiều. Sự kiện này có thể thúc đẩy hành động. "Tin tức cực xấu có thể thúc đẩy chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề, không để ảnh hưởng kéo dài đến đối tác thương mại lớn nhất", ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, rủi ro thương mại là mối lo ngại lớn nhất của khối ngoại đối với Việt Nam. Khi kịch bản xấu nhất (dù chỉ là đề xuất) được đưa ra, nó có thể là điểm để họ đánh giá lại thị trường. "Đâu đấy những tin xấu nhất có thể đã ra rồi," ông Hưng nói. Nếu thị trường điều chỉnh, các vùng định giá hấp dẫn hơn có thể xuất hiện.
Ngoài ra, so với thời điểm chiến tranh thương mại 2018 (PE thị trường lên tới 23-24), hiện tại định giá chỉ bằng khoảng một nửa. Áp lực bán tháo mạnh như trước đây có thể không lớn. Đáng chú ý là tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Ông Hưng cho rằng, đây vẫn là yếu tố khó lường khi nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 90% giao dịch, dễ dẫn đến biến động ngắn hạn.
Theo ông Hưng, những doanh nghiệp có xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ sẽ chịu tác động trực tiếp lớn nhất. “Các ngành hàng như thủy sản, nông sản, hàng tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng vì lựa chọn thay thế của nhà nhập khẩu Mỹ cũng không quá phong phú,” ông nhận định. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng “mức độ ảnh hưởng có thể được kiểm soát nếu như chính sách thuế không kéo dài và chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chẳng hạn chỉ trong tháng tư.”
Ngoài ra, ông Hưng cho rằng, “những doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ nội địa, như các công ty ngành điện… có thể sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi mà thị trường điều chỉnh theo thông tin tiêu cực.” Điều này cho thấy sự phân lớp trong lựa chọn cổ phiếu khi các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro và cơ hội.
Việt Nam vẫn có cơ hội trong bối cảnh toàn cầu bất ổn
Dù chính sách thuế quan mới của Mỹ gây ra không ít lo ngại, nhưng những phân tích của ông Phạm Lưu Hưng cho thấy Việt Nam vẫn có nhiều điểm mạnh để đối phó. “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với cơ chế nội địa ổn định, tỷ lệ doanh thu từ nội địa chiếm phần lớn, và có nhiều room chính sách từ Ngân hàng Nhà nước,” ông nói.
Ông Hưng cũng chia sẻ: “Dù gặp khó khăn từ thị trường quốc tế, nhưng nhờ vào lợi thế dân số trẻ và các chính sách cải thiện hạ tầng, Việt Nam hoàn toàn có thể đương đầu và thậm chí hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.” Sự chủ động trong các cải cách, đồng thời thể hiện thiện chí trong đàm phán với Mỹ, đã và đang giúp Việt Nam định vị lại vị thế của mình trên bản đồ thương mại thế giới.
Trước bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn, lời khuyên của ông Hưng gửi gắm đến các nhà đầu tư là cần phân lớp cổ phiếu hợp lý. “Những doanh nghiệp thu nhập chủ yếu từ nội địa có thể sẽ trở thành điểm sáng trong thời kỳ điều chỉnh, còn những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì cần cân nhắc kỹ lưỡng,” ông nhấn mạnh. Điều này vừa giúp nhà đầu tư tránh rủi ro, vừa tạo cơ hội tận dụng các đợt điều chỉnh thị trường.
O.L
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chuyen-gia-ssi-thue-quan-my-46-co-the-khong-keo-dai-139659.html