Chuyên gia, tài xế nói gì việc Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168?

Chuyên gia, tài xế nói gì việc Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168?
4 giờ trướcBài gốc
UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự kiến có 107 hành vi vi phạm giao thông sẽ được Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Đáng chú ý, một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.
Trong 107 lỗi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt, UBND Hà Nội cho rằng có 3 nhóm hành vi chính: Có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Lý giải về việc đề xuất tăng mức phạt, UBND thành phố cho biết thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước với dân số khoảng 8,5 triệu người. Đây là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, ngoại giao, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.
Trên địa bàn thành phố phát triển đa dạng các loại hình giao thông vận tải, nhiều chủng loại xe cộ với mật độ cao, từ đó kéo theo sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khác biệt hẳn so với các tỉnh thành khác trên cả nước.
Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hiện vẫn được áp dụng tương tự các địa phương khác. Cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của thủ đô.
Chính quyền thành phố cũng đánh giá ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn và thường lặp lại với một số hành vi nhất định như: Không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu; không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều; đi vào đường cấm; không chấp hành đèn tín hiệu. Nguyên nhân một phần do sự đa dạng về người tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Người dân chấp hành luật tốt hơn sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.
Mức phạt cần phù hợp điều kiện, không phải hành vi nào cũng tăng
Trao đổi với PV Báo Tiền Phong, ông Bùi Phi Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ông ủng hộ các giải pháp của cơ quan chức năng đưa ra để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và giảm ùn tắc. Với việc Hà Nội đang lấy ý kiến về mức phạt tăng so với Nghị định 168, ông Long cho rằng, về mặt pháp lý thì Hà Nội có cơ sở để thực hiện việc này khi Luật Thủ đô đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo ông Long, Luật Thủ đô cho phép thành phố có các cơ chế đặc thù trong việc quản lý, phát triển đô thị, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trong đó có tăng mức phạt so với mức quy định chung cả nước.
“Tuy nhiên về điều kiện thực tiễn thì thành phố sau khi lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội cần cân nhắc đề xuất mức phạt cho phù hợp, tránh các mức phạt vượt quá mức thu nhập của người dân” ông Long nói.
Đưa ra giải pháp hài hòa cho việc này, ông Long cho rằng, cùng với mức phạt phù hợp, các cơ quan tham mưu và thành phố Hà Nội cần có rà soát thống kê những nguyên nhân nào đang gây ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông. Từ đó phân loại các hành vi cần phải tăng mức xử phạt, chứ không nên tăng “đại trà” tất cả các hành vi.
Từ thực tế giao thông Hà Nội hiện nay, ông Long nhìn nhận nếu tăng mức xử phạt thì cần tăng vào các nhóm các hành vi, như đua xe; điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng trên đường; xe dùng biển giả, che biển số; xe khách, xe hợp đồng trá hình vào các tuyến phố nội đô dừng đỗ, lập bến đón trả khách…
“Đây là các hành vi vừa gây ùn tắc giao thông vừa gây nguy cơ tai nạn và khó khăn cho công tác quản lý, điều tiết giao thông. Với hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, dùng biển số giả… thì ngoài phạt nặng, theo tôi do gây nguy hiểm cho xã hội thì cần phải tịch thu xe, truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Long bày tỏ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội) cho hay, Nghị định 168 có hiệu lực đã cải thiện rõ tình hình giao thông trong nước, gồm cả việc chấp hành luật và số vụ tai nạn cũng đã giảm mạnh.
Cá nhân ông Hùng rất ủng hộ việc tăng mức phạt, theo ông, Hà Nội đề xuất cũng dựa trên quy định của pháp luật “chứ không tự áp đặt được”.
“Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi ngược chiều gây nhiều hệ lụy như tai nạn, ùn tắc, cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Hà Nội”, ông Nguyễn Công Hùng nói.
Cần xem xét lại hạ tầng giao thông
Cùng trao đổi với Báo Tiền Phong, anh Lương Đình Luynh (tài xế taxi tải hay di chuyển vào nội đô) lo lắng khi nhiều tuyến giao thông trong thành phố xuống cấp, biển báo hiệu, thậm chí là các đèn tín hiệu có lỗi chưa được khắc phục triệt để làm nhiều tài xế điều khiển phương tiện cảm thấy bất an.
“Mức phạt theo Nghị định 168 hiện đã rất cao, có những lỗi khiến cánh tài xế như chúng tôi mất nửa năm thu nhập. Việc Hà Nội đề xuất tăng thêm mức phạt làm ý thức người tham gia giao thông tốt hơn nhưng cũng cần xem xét hạ tầng, đèn đường, biển báo. Một lỗi phạt oan dễ khiến tài xế, người dân lâm cảnh túng quẫn”, tài xế Luynh băn khoăn.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho biết, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực là một bước tiến trong nỗ lực cải thiện trật tự giao thông. Việc áp dụng các mức phạt cao trong Nghị định là cần thiết để tăng cường tính răn đe đối với hành vi vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh tai nạn là vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam, mỗi năm "cướp" đi hàng nghìn sinh mạng.
Tuy nhiên với đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội, luật sư Hoàng Trọng Giáp có quan điểm cho rằng, chính quyền thành phố nên xem xét kỹ về hạ tầng giao thông để áp dụng cho từng hành vi.
“Các nhân tôi thấy, hạ tầng đường xá của thành phố rất bất cập, nhiều tuyến đường ổ gà, nắp hố ga lồi lên hoặc lõm xuống tràn lan, vạch kẻ đường không rõ, biển báo nhiều nơi chưa lắp đầy đủ. Việc áp dụng xử phạt hành chính cao thì chất lượng hạ tầng giao thông cần phải tương xứng, nhìn qua các nước trong khu vực, hạ tầng họ tốt và mức phạt họ thậm chí là thấp hơn”, luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.
Hoàng An - Trọng Đảng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chuyen-gia-tai-xe-noi-gi-viec-ha-noi-de-xuat-nang-muc-phat-gap-15-2-lan-so-voi-nghi-dinh-168-post1715063.tpo