Người cao tuổi tập thể dục. Ảnh: Sputnik
Quá trình lão hóa có những cơ chế sinh lý nào và chúng có thể bị ảnh hưởng như thế nào? Thuốc chống lão hóa có thật không? Điều gì đến trước: lão hóa hay những căn bệnh đi kèm với tuổi già? Chuyên gia Nga Olga Nikolaevna Tkacheva sẽ trả lời các câu hỏi này.
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva là bác sĩ chuyên ngành lão khoa tại Bộ Y tế Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm Lâm sàng và Nghiên cứu Lão khoa thuộc Đại học Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga mang tên N.I. Pirogov, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ lão khoa Nga.
Điều gì đến trước: lão hóa hay bệnh tật? Có đúng hay không khi cho rằng con người già đi vì đã mắc một số bệnh, hay là thể chất con người suy yếu vì đã đến tuổi?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Trước hết phải nói rằng, tốc độ lão hóa không chỉ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của một người cao tuổi mà còn vào lối sống của người đó từ khi sinh ra. Thậm chí còn có một giả thuyết về tốc độ lão hóa được lập trình sẵn trong tử cung. Theo giả thuyết này, tốc độ lão hóa của cơ thể, chẳng hạn như hệ thống tim mạch, phụ thuộc vào điều kiện phát triển thai nhi và được xác định chính xác trong thời kỳ đó. Tác giả của giả thuyết này, nhà khoa học nổi tiếng người Thụy Điển Peter Nilsson đã mô tả hội chứng lão hóa sớm ở trẻ em. Đây là khái niệm lão hóa mạch máu sớm (Early Vascular Aging, viết tắt là EVA), trong đó những người trẻ tuổi có mạch máu già cứng.
Tất nhiên, quá trình lão hóa tạo môi trường cho các bệnh tật liên quan đến tuổi tác phát triển. Và sự lão hóa có thể được mô tả theo hai cách. Đầu tiên là sự suy giảm chức năng theo tuổi tác. Nghĩa là, một người lớn lên, phát triển, đạt đến đỉnh cao và sau đó các chức năng thể chất, nhận thức và xã hội bắt đầu suy giảm.
Lão hóa cũng có thể được gọi là gánh nặng của các bệnh liên quan đến tuổi tác, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đáng kể theo tuổi tác. Đó là các bệnh tim mạch và bệnh ung thư, bệnh Alzheimer, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tiểu đường tuýp 2, các bệnh hệ cơ xương: viêm xương khớp, thiểu cơ, loãng xương. Như thường lệ, những người cao tuổi được chẩn đoán không phải một bệnh mà là nhiều bệnh lý khác nhau. Điều này là do các bệnh này có nguồn gốc chung, vì quá trình lão hóa tạo môi trường cho các bệnh này phát triển.
Phát biểu tại một hội thảo khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga năm 2022, bà đã trình bày Bảng xếp hạng các quốc gia theo độ tuổi khi bắt đầu phát triển các bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Ở Nga, độ tuổi này là 59,2 tuổi, ở Mỹ - 68,5 tuổi, ở Nhật Bản - 76,1. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân ở các quốc gia này cao hơn từ 8–12 năm. Thống kê này có đúng với hầu hết các trường hợp không?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Hoàn toàn đúng, bảy, tám, mười năm là những năm người già phải chung sống với bệnh tật. Và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ kéo dài tuổi thọ mà không mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác. Đồng thời, thời gian người già phải chung sống với những căn bệnh như vậy sẽ giảm. Đây là nhiệm vụ của các bác sĩ lão khoa. Con người phải sống tới 100 tuổi, đồng thời chết khi tương đối khỏe mạnh, tức là cho đến khi chết con người không mắc các bệnh liên quan đến tuổi già.
Hiện có khoảng 300 giả thuyết về quá trình lão hóa, nhưng chúng có thể được chia thành hai nhóm lớn. Theo một nhóm giả thuyết, lão hóa là một quá trình được lập trình sẵn. Nghĩa là, chúng ta chắc chắn sẽ đi theo con đường lão hóa, câu hỏi duy nhất là phải làm thế nào để làm chậm quá trình lão hóa và bằng cách nào chúng ta có thể tác động đến nó.
Một nhóm giả thuyết khác cho rằng, lão hóa là sự tích tụ lỗi. Trong suốt cuộc đời, cơ thể mắc nhiều lỗi ở mỗi tế bào trong quá trình tổng hợp protein, sao chép DNA, v.v. Cơ thể xác định và nhanh chóng sửa chữa những sai lầm như vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, trong cơ thể tích tụ quá nhiều lỗi, và chúng khiến hệ thống không thể đối phó với điều đó. Kết quả là bắt đầu phát triển những bệnh liên quan đến tuổi tác và xảy ra quá trình lão hóa.
Có những phương pháp nào tác động đến quá trình lão hóa? Đây có phải là những loại thuốc và công nghệ sinh học mới?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Đây là những phương pháp hoàn toàn khác nhau và trong số đó có rất nhiều phương pháp không dùng thuốc.
Ví dụ, hoạt động thể chất - cho đến nay chưa có gì tốt hơn - được phát minh ra để kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh. Có một loại protein gọi là myostatin, nó có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào cơ. Nếu protein này bị chặn, thì cơ bắp của một người sẽ không bị teo đi, người đó sẽ không bắt đầu suy nhược mà sẽ trẻ trung và năng động lâu hơn. Có vẻ như có một mục tiêu cần được tác động. Nhưng ngày nay chúng ta không thể chặn protein này bằng bất kỳ loại thuốc nào. Chúng ta chỉ có thể tác động đến nó thông qua hoạt động thể chất trên mô cơ. Nếu một người hoạt động thể chất thì tình trạng teo cơ do tuổi tác xảy ra chậm hơn.
Phương pháp thứ hai là dinh dưỡng. Được biết, những người sống trên 100 tuổi không bao giờ ăn quá nhiều, đồng thời có những chế độ ăn kiêng và thực phẩm đặc biệt giúp làm chậm quá trình lão hóa. Ví dụ, có các phương pháp kích thích quá trình tự thực của tế bào và làm sạch tế bào, chẳng hạn như nhịn ăn gián đoạn. Thông thường những gì chúng ta ăn không chỉ cung cấp năng lượng mà còn làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Cơ thể không có khả năng xử lý lượng thức ăn lớn như vậy.
Phương pháp thứ ba là hoạt động nhận thức. Được biết, học càng nhiều, sống càng thọ! Đó là lý do tại sao có rất nhiều nhà khoa học sống lâu. Có lẽ lão hóa não là chủ đề chính trong vấn đề lão hóa nói chung, bởi não là cơ quan dẫn dắt mọi cơ quan và hệ thống.
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva. Ảnh: Sputnik
Ngoài ra, ngày nay có nhiều loại thuốc khác nhau, chẳng hạn như thuốc điều trị các bệnh tim mạch có tác dụng bổ sung chống lão hóa. Các loại thuốc tim mạch ảnh hưởng đến một trong 14 cơ chế lão hóa đã biết. Tác dụng bổ sung này chưa được nghiên cứu và các loại thuốc tim mạch chưa được coi là chất chống lão hóa, nhưng chúng có tác dụng như vậy.
Ngày nay, trong danh sách các chất chống lão hóa “geroprotector” có tiềm năng làm chậm quá trình lão hóa có khoảng 300 sản phẩm. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có hướng dẫn “được chỉ định để làm chậm quá trình lão hóa”. Các nhà khoa học đang thực hiện những dự án nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, bao gồm cả một số nghiên cứu đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nhưng vẫn chưa có loại thuốc cụ thể nào có thể làm chậm quá trình lão hóa.
Thực ra bà đang nói về việc phát triển một loại thuốc hoặc vaccine chống lại tuổi già. Về mặt lý thuyết điều này có thể thực hiện được không?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Theo tôi, nhiệm vụ này có thể được thực hiện. Nhưng có những khó khăn nhất định liên quan đến việc tổ chức những nghiên cứu như vậy. Để chứng minh hiệu quả của một thuốc nào đó có khả năng làm chậm quá trình lão hóa cần phải nghiên cứu suốt đời. Hoặc sử dụng máy tính có chức năng tính tuổi tác chưa được phát triển đầy đủ. Ngoài ra, khi thực hiện những tính toán như vậy phải tính đến đặc điểm của từng dân tộc.
Mặt khác, liệu pháp kỹ thuật di truyền và y học tái tạo - đây là những công nghệ tiên phong định hình tương lai - có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình lão hóa. Nếu bạn dựa vào chúng, bạn có thể lập ra những kế hoạch đầy tham vọng để phát triển nội tạng và cấy ghép chúng.
Vấn đề là các nhà khoa học có thể đi được bao xa theo hướng này. Liệu có khả năng lắp ráp một người mới?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Đây là những vấn đề đạo đức chưa có câu trả lời. Tất nhiên, con người mơ ước được sống lâu hơn trong khi vẫn năng động. Chúng tôi giao tiếp với nhiều bệnh nhân cao tuổi và gia đình họ: hầu hết họ không sợ chết mà lo âu về những bệnh tật trong những năm cuối đời - tình huống mà họ sẽ liên tục có cảm giác bị lệ thuộc, nhờ vả người khác.
Vào đầu những năm 2000, bác sĩ phẫu thuật người Nga F.G. Uglov thọ đến 103 tuổi, đã xuất bản cuốn sách “Sống thọ 100 tuổi không đủ cho con người”. Trong cuốn sách này, ông nêu ra 12 nguyên tắc trường thọ của mình. Điều thú vị là các nguyên tắc quan trọng nhất, theo ông, không phải là hai yếu tố nổi tiếng “không uống rượu và không hút thuốc” mà là “hãy yêu quê hương, yêu công việc của mình, đừng bao giờ nản lòng”. Theo quan điểm khoa học, cách tiếp cận đạo đức như vậy ảnh hưởng đến tuổi thọ như thế nào?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Trong cuốn sách này, bác sĩ Uglov nói rằng, bạn cần tận hưởng cuộc sống và tạo ra sự thoải mái cho riêng mình. Ví dụ, bà vợ của ông cho biết, ông luôn đến làm việc với tâm trạng vui vẻ. Có vẻ như ông ấy rất giỏi quản lý cảm xúc. “Kiểm soát bản thân, yêu gia đình, yêu quê hương” - trước hết đây là cảm xúc tích cực để hạnh phúc và tự tin hơn.
Suy nghĩ tích cực giúp bạn kéo dài tuổi thọ. Ví dụ, ở các vùng xanh, mọi người luôn có tâm lý đón nhận sự việc tốt hơn, người dân ở đó chỉ đơn giản là “quên” cái chết. Vùng xanh là các khu vực có nhiều người sống thọ nhất trên thế giới. Đó là Okinawa (Nhật Bản), Ikaria (Hy Lạp), Nicoya (Costa Rica), Loma Linda (California, Mỹ) và Sardinia (Italy). Tôi đã từng đến một ngôi làng ở Okinawa, nơi tập trung nhiều người có mức tuổi thọ cao. Tại đó, chúng tôi đến thăm một người phụ nữ thọ trên 100 tuổi. Khi chúng tôi bước vào nhà, bản nhạc vui đang vang lên rộn ràng và cụ bà ấy đang nhảy. Sau đó cụ bà cho biết bà làm như vậy mỗi ngày vì rất thích nhảy. Cụ bà có tâm trạng tốt, mỉm cười với chúng tôi và có vẻ hạnh phúc. Tôi hỏi: ước mơ của cụ bà là gì? Cụ bà cho biết bà mơ được đến gặp cháu trai của bà ở Tokyo. Tức là cụ bà lập kế hoạch và nhìn nhận tình hình một cách tích cực. Trên thực tế, mọi người thường đánh giá thấp tầm quan trọng của suy nghĩ tích cực.
Giáo dục và khai sáng ảnh hưởng như thế nào đến sức mạnh trường tồn của dân tộc?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Chúng ta đã bước sang một thời đại mới khi mỗi người phải hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Ví dụ, bác sĩ không nên hạn chế bởi việc kê đơn thuốc cho người bệnh. Cần phải giải thích tại sao phải dùng thuốc này mà không phải thuốc khác, tại sao phải ăn một số loại thực phẩm nhất định, tại sao việc dùng thuốc là rất quan trọng. Nếu không có hướng dẫn như vậy, người bệnh không thể giúp được bác sĩ. Nếu nói về quá trình lão hóa, thì mỗi người phải tự nhận thức về cách làm tăng tuổi thọ của mình và hiểu mình đang làm gì.
Có những câu chuyện phổ biến trên Internet về những người cao tuổi đã hút thuốc và uống rượu cả đời nhưng vẫn sống hơn 100 năm tuổi. Bà nghĩ gì về những câu chuyện như vậy?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Cụ bà Jeanne Calment sống thọ nhất thế giới đến tận năm 117 tuổi mới bỏ thuốc lá. Nhưng điều này không có nghĩa là hút thuốc có tác dụng chống lão hóa. Có lẽ nếu không hút thuốc, bà có thể sống không phải 122 năm tuổi mà là 125 năm hoặc hơn. Bởi vì hút thuốc làm tăng tốc độ lão hóa, và đây là một sự thật khoa học không thể chối cãi. Hút thuốc làm tăng tốc độ bước vào giai đoạn mãn kinh, làm tổn thương lớp lót bên trong mạch máu - và các mạch máu trở nên cứng và cũ, đồng thời kích thích các cơ chế lão hóa liên quan đến viêm nhiễm. Tất cả điều này đã được chứng minh.
Vâng, có một số trường hợp khi những người hút thuốc sống rất lâu. Nhưng nếu những người này bỏ thuốc lá, họ có thể sống lâu hơn và tốt hơn.
Xét đến những tiến bộ của khoa học và y học hiện đại, những người sinh ra trong những năm gần đây có thể sống tối đa bao nhiêu năm?
Tiến sỹ Y khoa Olga Tkacheva: Điều này đã được các nhà nhân khẩu học tính toán và báo cáo. 50% trẻ em sinh ra hôm nay thì có khả năng sống đến 100 tuổi. Hãy tưởng tượng: một nửa trẻ em! Và chúng ta phải hiểu rằng chúng ta có nghĩa vụ tạo ra tương lai cho họ. Khi bước sang tuổi 60, họ vẫn còn 40 năm nữa - gần một nửa cuộc đời. Và chúng ta cần phải tạo cơ sở để họ có ích cho xã hội và gia đình và có thể hưởng thụ cuộc sống không chỉ sống tốt hơn mà còn có thể sống lâu hơn.
Theo Sputnik