Chuyên gia Trung Quốc: Cải cách hành chính thể hiện quyết tâm của Việt Nam

Chuyên gia Trung Quốc: Cải cách hành chính thể hiện quyết tâm của Việt Nam
15 phút trướcBài gốc
Phó giáo sư Lý Tuấn Khải, Phó Chủ nhiệm Khoa Giảng dạy Đa ngôn ngữ của Viện Phương Nam toàn cầu thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc), người từng 2 lần sang Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với cảnh đẹp, ẩm thực và sự phát triển kinh tế nơi đây, nhấn mạnh ông rất quan tâm đến những cải cách mạnh mẽ thời gian gần đây ở Việt Nam, bởi đây là một trong những đối tượng nghiên cứu chính về Phương Nam toàn cầu.
Ông cho rằng, việc Việt Nam sáp nhập tỉnh trên quy mô lớn và bỏ cấp huyện dựa trên sửa đổi Hiến pháp, là một cuộc cải cách cơ cấu có tính đến cả hiện đại hóa quản trị và kiểm soát chi phí. Cách làm này giúp tập trung các nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và quyền phê duyệt vốn phân tán trước đây cho chính quyền tỉnh có năng lực phối hợp tốt hơn, đồng thời đưa các dịch vụ công cấp huyện trực tiếp xuống xã, phường thông qua nền tảng chính phủ số.
Chuyên gia này nhấn mạnh, cuộc "phẫu thuật hành chính" này có những nét tương đồng với việc sáp nhập vùng của Pháp và cách làm "xóa huyện lập khu (quận), sáp nhập thị trấn và xã" của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách làm của Việt Nam "vừa tránh được khoảng trống trong quản trị, vừa cho thấy sự đồng thuận mạnh mẽ ở cấp cao nhất và quyết tâm cải cách về mặt chính trị".
Phó giáo sư Lý Tuấn Khải
Theo Phó giáo sư Lý Tuấn Khải, trong tương lai, các tỉnh được sáp nhập sẽ lớn hơn, chức năng toàn diện hơn, các quyết sách về tài chính và đầu tư có thể được triển khai tập trung hơn.
"Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể đầu tư nhiều nguồn vốn hơn vào cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và nền kinh tế số, thay vì đổ vào các hoạt động của bộ máy chính phủ. Về mặt bố trí công nghiệp, các tỉnh sau sáp nhập ở miền Bắc và miền Trung sẽ dễ dàng hơn trong việc thống nhất quy hoạch cảng biển, đường sắt và khu công nghiệp. Ở cấp độ dịch vụ công, nếu nền tảng chính phủ số "mỗi tỉnh, một đám mây" vận hành trơn tru, các dữ liệu như thẻ căn cước, bảo hiểm y tế và đăng ký đất đai sẽ được chia sẻ giữa các tỉnh, giúp rút ngắn quá trình giải quyết công việc của người dân", Phó giáo sư Lý Tuấn Khải.
Ông cho rằng, chỉ cần các chính sách phụ trợ theo kịp, Việt Nam sẽ có thể gặt hái "những khoản lợi tức" trong trung và dài hạn tương tự về quy mô kinh tế như các vùng của Pháp có được do sáp nhập và sức sống kinh tế đô thị từ việc chuyển huyện thành quận như Trung Quốc.
Ông cũng đánh giá, Việt Nam đã cho thấy động lực mạnh mẽ trong sản xuất xuất khẩu, công nghiệp số và năng lượng xanh những năm gần đây. Do vậy, nếu công cuộc cải cách đơn giản hóa hành chính lần này thực hiện thành công, sẽ giúp giảm hơn nữa chi phí giao dịch về mặt thể chế, tạo môi trường thể chế thuận lợi hơn cho các đối tác Phương Nam toàn cầu hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng mới, nông nghiệp thông minh và cảng biển số...
Ông tin rằng, Việt Nam sẽ cân bằng được cơ hội phát triển giữa các thành phố lớn với các thị trấn vừa và nhỏ, tích hợp bản sắc địa phương vào các chiến lược vùng như Pháp và thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn thông qua "chính phủ số" như Trung Quốc.
"Theo cách này, Việt Nam sẽ không chỉ có thể củng cố xu thế tăng trưởng nhanh chóng của riêng mình, mà còn được kỳ vọng sẽ cung cấp một mô hình quản trị kết hợp "giảm gánh nặng cơ cấu và đảm bảo số hóa" cho các nước thu nhập trung bình và thấp, đồng thời đóng vai trò quan trọng hơn trong sự trỗi dậy chung của Phương Nam toàn cầu", Phó giáo sư Lý Tuấn Khải nói.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-gia-trung-quoc-cai-cach-hanh-chinh-the-hien-quyet-tam-cua-viet-nam-post1213647.vov