Chuyên gia: Tuyển sinh khối ngành y dược không có môn Hóa, Sinh là không phù hợp

Chuyên gia: Tuyển sinh khối ngành y dược không có môn Hóa, Sinh là không phù hợp
một ngày trướcBài gốc
Tổ hợp có Hóa, Sinh để xét tuyển y dược đã đúng từ hàng chục năm qua
Từ nhiều năm qua, môn Sinh học và Hóa học vẫn được xem là những phần kiến thức “chủ lực” của khối ngành y dược. Bởi vậy, việc một số cơ sở giáo dục đại học đưa ra tổ hợp không có các môn này để xét tuyển vào y dược đã khiến không ít chuyên gia băn khoăn về chất lượng tuyển sinh, đào tạo.
Trên thực tế, thời gian qua, một số trường đào tạo khối ngành sức khỏe đã đưa ra những tổ hợp xét tuyển “lạ”, không có môn Hóa học, Sinh học để chọn lựa thí sinh vào các ngành đào tạo nhân lực y tế.
Ảnh minh họa: Ngân Chi.
Cụ thể, năm 2025, Trường Đại học Y tế công cộng xét tuyển có cả tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) đối với các ngành: Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam dùng tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) để xét tuyển các ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học. Trường Đại học Phan Châu Trinh cũng dùng tổ hợp A01 để xét tuyển các ngành: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng đa khoa, Điều dưỡng nha khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Ngoài ra, năm 2025, Trường Y Dược (Đại học Đà Nẵng) cũng dự kiến tuyển sinh 2 ngành mới là Hóa dược có cả xét tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) và Tâm lý học (định hướng lâm sàng) xét cả tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Anh).
Trường Y Dược (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh 2 ngành mới năm 2025. Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, năm 2024, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh 20 chỉ tiêu ngành Y tế công cộng có cả tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Tương tự, mặc dù hiện tại, Trường Đại học Y Dược Thái Bình chưa có đề án tuyển sinh năm 2025, song, năm 2024, nhà trường cũng sử dụng thêm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) để xét tuyển ngành Dược học.
Năm 2024, Trường Đại học Y Dược Thái Bình sử dụng cả tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) để xét tuyển ngành Dược học. Ảnh chụp màn hình.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương bày tỏ: “Gần đây, tôi được biết, một số trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe có đưa ra các tổ hợp tuyển sinh không có môn Hóa học và Sinh học.
Tôi xin có một số quan điểm như sau: Trước hết, phải khẳng định, 2 môn Hóa học và Sinh học là những thành phần không thể thiếu trong các tổ hợp tuyển sinh vào y khoa. Điều đó đã tồn tại qua hàng chục năm nay và khẳng định được đó là tổ hợp đúng, bởi có thể lựa chọn được những thí sinh yêu thích và có năng khiếu, năng lực học tốt 2 môn Hóa, Sinh. Cả 2 môn học này đều sẽ có liên quan rất nhiều trong quá trình học tập tại các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe; đặc biệt là sau này, khi thực hành hoặc học lên bậc học cao hơn, 2 môn Hóa và Sinh đều rất cần thiết.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, không được phép “loại” 2 môn Hóa học và Sinh học khỏi các tổ hợp xét tuyển vào khối ngành y dược.
Bên cạnh đó, có một số môn như Ngữ văn - mà mọi người khẳng định là rất cần thiết để ứng xử nhân văn, văn hóa… nên đã đưa vào tổ hợp. Tuy nhiên, không phải lựa chọn những môn này để thay thế 2 môn Hóa học và Sinh học. Theo tôi, đối với việc tuyển sinh vào lĩnh vực y khoa, tổ hợp Toán, Hóa, Sinh là tổ hợp chuẩn nhất. Hoặc nếu cần, có thể tuyển bằng tổ hợp Văn, Hóa, Sinh (thay môn Văn bằng môn Toán, đảm bảo 1 trong 2 môn bắt buộc, nhưng không thể bỏ Hóa và Sinh). Trong đó, có một số chuyên khoa trong ngành y có thể lấy môn Văn làm môn chính như Y học cộng đồng, Công tác xã hội trong ngành y… thì có thể có môn Văn”.
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC.
Đối với một số tổ hợp xét tuyển khác như Toán, Lý, Anh để xét tuyển vào một số ngành như Y khoa, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học…, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Đối với Tiếng Anh, phải coi đó như một công cụ bắt buộc mà lĩnh vực nào cũng cần, nhưng không nên “độc tôn hóa” và coi là thước đo duy nhất. Tiếng Anh đối với lĩnh vực y khoa trong nghiên cứu khoa học, trong kỹ thuật, trong khám chữa bệnh, trong công tác xã hội… đều rất quan trọng. Tuy nhiên, dùng tiếng Anh để thay thế cho các môn như Hóa học, Sinh học là không nên.
Vì thế, ngoại ngữ nói chung và đặc biệt là tiếng Anh, các thí sinh đương nhiên phải học. Lấy ví dụ như ngay bản thân tôi, năm 1976, khi thi vào trường y, tôi không biết một từ ngoại ngữ nào, nhưng khi vào trường, nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ thì bản thân phải quyết tâm học cho bằng được. Đối với dân y khoa, học ngoại ngữ là một chuyện rất bình thường, giống như một công cụ cơ bản trong công việc. Chúng ta cũng đang hướng đến đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và trên thực tiễn cũng đang diễn ra như vậy.
Vì những lý do đó, tôi cho rằng, không cần thiết phải đưa môn Tiếng Anh vào tổ hợp để xét tuyển ngành y dược. Các nhà trường vẫn phải đảm bảo các môn Hóa học, Sinh học trong tổ hợp xét tuyển. Còn đối với tiếng Anh, chúng ta có thể bổ sung thành một tiêu chí xét tuyển phụ, đồng thời với những phương thức xét tuyển chính được đưa ra, chứ không thể thay thế những môn cơ bản đối với lĩnh vực y dược”.
Thực tế chứng minh tuyển y dược không đủ Hóa và Sinh là không hợp lý
Theo Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, từ lâu nay, thí sinh thi vào khối ngành sức khỏe đều sử dụng khối B (nay là tổ hợp B00) với 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Bởi, việc đào tạo khối ngành y dược thực chất vẫn có rất nhiều nội dung đi từ nền tảng kiến thức của Sinh học và Hóa học.
Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Chính vì vậy, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng: “Tuyển sinh đầu vào khối ngành y dược vẫn nên sử dụng các tổ hợp có Sinh học và Hóa học sẽ tốt hơn.
Trước đây, khi còn tham gia giảng dạy, nhà trường từng thử nghiệm tuyển một khóa thí sinh với các môn Toán, Văn, Sinh, với lý do cho rằng các thế hệ y bác sĩ ra trường sẽ có sự rung cảm với bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều đó không hợp lý, một số thí sinh xét tuyển Toán, Văn, Sinh đó không học tốt được như các thí sinh khác. Từ việc học kém hơn, các sinh viên này dần đánh mất sự say mê, niềm tin với ngành học”.
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình cũng nhấn mạnh: “Đối với những người làm công tác y tế, đòi hỏi trí tuệ và sự phân tích chi tiết, cụ thể; việc học y cũng luôn luôn rất “nặng”, đòi hỏi người học phải có nền tảng học Toán, Hóa, Sinh tốt thì mới tiếp thu và lĩnh hội tốt nhất”.
Đồng tình với những chia sẻ trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khẳng định, Hóa và Sinh là những bộ môn liên quan trực tiếp đến các kiến thức trong lĩnh vực y dược.
“Đào tạo những ngành thuộc khối sức khỏe có liên quan trực tiếp con người, kiến thức môn Sinh học trong lúc học tập, nghiên cứu và làm việc sẽ cần sử dụng rất nhiều; còn môn Hóa học sẽ có nhiều sự liên quan đến các loại thuốc. Một sinh viên có những kiến thức cơ bản về Hóa, Sinh, có thể tiếp thu tốt hơn. Những kiến thức này có thể không ứng dụng trực tiếp nhưng sẽ có sự liên quan, chẳng hạn, về các phản ứng trong cơ thể con người khi dùng thuốc, quan sát các triệu chứng và chẩn đoán…
Trong đó, Hóa học liên quan đến ngành dược nhiều hơn, nên những ngành dược chắc chắn phải có môn Hóa. Còn ngành y cần phải có cả 2 môn Sinh và Hóa. Sinh viên ngành y mà không có kiến thức tốt về sinh học, về cơ thể con người thì khó có thể học tốt được. Do đó, tôi cho rằng, người học ngành y dược không thể không có 2 môn Hóa, Sinh, vì đó đều là những kiến thức cơ bản của người làm cán bộ y tế” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duệ bày tỏ.
Ngân Chi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-tuyen-sinh-khoi-nganh-y-duoc-khong-co-mon-hoa-sinh-la-khong-phu-hop-post250278.gd