Xây dựng trạm dừng tạm tại Km 199+700 trên cao tốc Hảo - Phan Thiết. Ảnh: TL
Ngày 25-2, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) đã đưa ra những nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam năm 2025, theo TTXVN.
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt tăng trưởng "hai con số" cho giai đoạn 2026-2030, ông Suan Teck Kin cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam đã có động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với mức tăng trưởng trên 7%.
Theo ông Suan Teck Kin, để đạt mức tăng trưởng trên 7% và tiến tới 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thách thức với Việt Nam do các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng là thương mại quốc tế.
Ông Suan Teck Kin lưu ý, năm 2025 Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Cụ thể, về trực tiếp, nếu Tổng thống Trump áp thuế lên hàng hóa Việt Nam do thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, tác động sẽ lan rộng đến cả ngành sản xuất và dịch vụ, làm giảm chi tiêu trong nước. Về gián tiếp, nếu nhu cầu xuất khẩu giảm do hoạt động kinh tế chậm lại thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Việt Nam có mức độ phụ thuộc rất lớn vào thương mại, với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP - cao thứ hai trong ASEAN sau Singapore (174%) và vượt xa Malaysia (69%). Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, chu kỳ bán dẫn suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Một trong những giải pháp quan trọng được ông Suan Teck Kin chỉ ra là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng. Theo dữ liệu từ IMF, tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn (capital formation expenditure) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của Việt Nam dường như đang quá thận trọng ở giai đoạn phát triển hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% xuống 31% vào năm 2029. Để tăng đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn.
Một vấn đề quan trọng khác được ông Suan Teck Kin nhận định là tốc độ giải ngân và thực hiện đầu tư công. Ngay cả khi ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, quá trình triển khai cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành.
Thành Tín