Việc tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu có thực sự cần thiết hay không là vấn đề được dư luận đặt ra những năm gần đây do xuất hiện nhiều biểu hiện biến tướng, bạo lực cũng như nguy cơ mất an toàn. Trả lời Báo điện tử VTC News, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho rằng, lễ hội này hiện đã mất đi giá trị khởi nguyên, chỉ còn là một trò chơi núp bóng lễ hội, kích thích giải trí.
Chuyên gia cho biết, ở Việt Nam có một số nơi tổ chức lễ hội chọi trâu, tuy nhiên lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn được coi là đáng chú ý hơn cả. Sự tích lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn cho thấy sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, gắn với nước, mặt trăng trong sinh hoạt tâm linh của người xưa.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biển.
"Người xưa nhận thấy rằng, khi thủy triều lên thường mang lại thiên tai. Do đó, họ mới tổ chức lễ hội chọi trâu vào những ngày nhất định, nơi tổ chức thường là trước ngôi đền có sự chứng kiến của thành hoàng làng. Lễ hội được tổ chức để nhắn gửi tới các thần linh rằng, nhân cuộc chọi trâu này, hỡi thần linh, hãy nghe lời thỉnh cầu của chúng tôi, hạn chế tai họa của thủy triều, để cho chúng tôi những vụ cá bội thu, mùa màng tươi tốt, xóm làng tươi vui, người dân ấm no", nhà nghiên cứu cho biết.
Theo ông, sở dĩ người xưa chọn con trâu vì nó gắn với đồng ruộng - con trâu là đầu cơ nghiệp - và đặc biệt hơn: "Những con trâu được chọn mang ra chọi thường có hai sừng cân phân, giống như mặt trăng lưỡi liềm. Điều này chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mặt trăng của người dân Việt xưa kia. Ánh trăng hết sức quan trọng với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sự lên xuống của thủy triều, sự vận động của biển cả. Ánh trăng vàng khiến trai gái yêu nhau, muôn loài sinh sôi phát triển.
Những con trâu được chọn phải có màu đen tuyền (giống với màu nước ở sâu dưới biển), trên hai vai, hai hông của chúng phải có những cuộn xoắn lại, biểu hiện sự vận động của dòng nước và hơn cả là sự vận động của muôn loài".
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu ngày nay được tổ chức ở sân vận động thay vì trước mặt đình và đã bị biến tướng, mất đi giá trị khởi nguyên mà chuyển sang một hình thức khác. Nó chỉ còn là một trò chơi núp bóng lễ hội, kích thích giải trí.
"Việc tổ chức lễ hội chọi trâu chuyển sang cái mà người ta gọi là tinh thần thượng võ nhưng thực ra chỉ để phục vụ tính hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận người xem. Nó mất tính thiêng xưa kia. Lễ hội chọi trâu bây giờ không còn bệ đỡ tinh thần, bị tách khỏi không gian tinh thần ở mức độ cao, bị dày vò bởi đồng tiền. Nó chỉ còn là hình thức gắn liền với cuộc sống bình thường".
Chuyên gia cho biết, ở lễ hội chọi trâu xưa kia hoàn toàn không có chuyện xẻ thịt bán giá cao như hiện nay, càng không có quan niệm "ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn" như được quảng cáo rầm rộ trong các lễ hội hiện đại.
Lễ hội chọi trâu ngày này đã thay đổi rất nhiều so với ngày xưa. (Ảnh: Người đưa tin)
"Việc xẻ thịt trâu bán với giá cao chỉ gắn liền với lợi nhuận thương mại. Thế mà ngày nay, người bán lại gắn cho nó ý nghĩa tâm linh là ăn thịt trâu chọi sẽ có nhiều may mắn. Còn người ăn thì coi đó là niềm hạnh phúc, như là khoán ước với thần linh. Họ ăn thịt trâu đó mà như ăn vàng, ăn bạc. Tôi cho rằng, việc mua thịt trâu với giá trên trời rồi ăn như một hình thức cầu tài, cầu lộc là một hình thức phi trí tuệ, mà khi đã không có trí tuệ thì sẽ gắn liền với sự ngu tối, là mầm mống của tội ác".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, nên trả lễ hội chọi trâu về với ý nghĩa tâm linh như xưa, đừng để nó biến tướng như hiện nay.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về sự biến tướng của lễ hội chọi trâu ngày nay: "Bên cạnh những giá trị truyền thống, lễ hội chọi trâu ngày nay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Một trong những lo ngại lớn nhất là tính bạo lực và tác động đến nhận thức xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, khi quan điểm về quyền động vật và ứng xử văn minh ngày càng được đề cao, nhiều người cho rằng việc duy trì những lễ hội mang tính chất bạo lực không còn phù hợp.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, một số lễ hội chọi trâu đã có dấu hiệu thương mại hóa, biến tướng so với ý nghĩa ban đầu, khi mà các trận đấu không còn đơn thuần mang ý nghĩa tín ngưỡng mà trở thành cơ hội để cá cược, kinh doanh, làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống và tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực".
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải cân bằng giữa giá trị văn hóa - lịch sử và tác động xã hội của các hoạt động này, tránh tạo ra sự kích thích mang tính bạo lực thay vì tôn vinh giá trị văn hóa.
Tính an toàn cũng là điều đại biểu Quốc hội quan tâm: "Công tác đảm bảo an toàn cho các lễ hội chọi trâu vẫn còn nhiều hạn chế. Một số sự cố đáng tiếc đã xảy ra trong các kỳ lễ hội trước, như trâu bất ngờ tấn công người hoặc thoát khỏi khu vực thi đấu, gây nguy hiểm cho khán giả và cả những người trực tiếp tham gia, đặt ra câu hỏi liệu công tác kiểm soát, hàng rào bảo vệ, sơ cứu y tế và các biện pháp ứng phó khẩn cấp đã được chuẩn bị đầy đủ hay chưa?".
Lan Phương