Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, khả năng này rất thấp, mốc giảm sâu nhất chỉ có thể là 105 - 110 triệu đồng/lượng.
Đại diện của một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, những ngày qua giá vàng biến động quá mạnh và lượng cầu của người dân đang rất cao, trong khi cả vàng nhẫn và vàng miếng trong nước vẫn khan hiếm.
“Vì thế, tuy giá vàng có thể có phiên điều chỉnh giảm nhưng việc quay trở về mốc 100 triệu hoặc dưới 100 triệu đồng/lượng là rất khó xảy ra trong bối cảnh này. Nếu có thể thì tôi thiên về mốc 105 - 110 triệu đồng/lượng nhiều hơn, nhưng với điều kiện xu hướng giảm phải diễn ra dồn dập trong nhiều phiên giao dịch.
Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nào chính sách thuế quan của Mỹ chính thức được công bố theo chiều hướng tích cực và giá vàng thế giới về mốc 3.000 USD/ounce thì giá vàng trong nước có thể giảm về mốc 100 triệu đồng/lượng”, vị này nói.
Chuyên gia cho biết, giá vàng chưa thể về mốc 100 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - phân tích, người dân Việt Nam thường có tâm lý đám đông và sợ bỏ lỡ khi mua vàng. Vì thế, nhu cầu đang lớn thì khó có thể khiến giá giảm sâu.
Trên thế giới, thời gian qua, giá vàng tăng mạnh chủ yếu do những biến động dữ dội trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Cùng lúc đó, thị trường tài chính đặt kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại do thương mại toàn cầu bất ổn. Việc hạ lãi suất sẽ làm giảm sức hút của các tài sản như trái phiếu chính phủ, từ đó thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng, đẩy giá tăng.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng mức thuế Mỹ áp cho Trung Quốc đang rất cao nên khó duy trì trong dài hạn và cũng khó có thể cao hơn nữa. Vì mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Donald Trump là câu chuyện đàm phán.
"Do đó, có thể một vài tuần hoặc một vài tháng tới sẽ có những thỏa thuận, đàm phán. Khi đó, rủi ro thương mại được giải quyết, việc nhà đầu tư chốt lời vàng có thể xảy ra, đẩy giá vàng thế giới có thể trở lại vùng giá 3.000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra, giá vàng trong nước có thể quay lại mốc 100 triệu đồng/lượng", TS Nguyễn Hồng Minh nhận định.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, khả năng giá vàng rơi về mốc 110 triệu đồng/lượng có thể xảy ra trong thời gian tới, còn về 100 triệu đồng/lượng thì sẽ khó xảy ra hơn.
Theo ông, hiện sự tăng trưởng của giá vàng đã vượt xa mọi dự đoán. “Vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ từ sự biến động của giá vàng thế giới. Việc giá vàng tăng cao thời gian qua đang có tác động nhất định đến thị trường tài chính. Bởi khi giá vàng tăng cao, không ít người đã chuyển tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay gửi tiết kiệm, bất động sản để đầu tư vàng”, ông nói.
Ông Doanh bày tỏ quan điểm không khuyến khích người dân đổ một lượng lớn tiền vào mua vàng. Vì số tiền đổ vào vàng sẽ "nằm chết" và không phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dẫn đến lãng phí một nguồn lực tài chính đối với nền kinh tế.
“Thay vì gửi tiết kiệm để ngân hàng sử dụng vốn cho vay, hoặc đầu tư vào chứng khoán giúp dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh, hay mua bất động sản để thúc đẩy thị trường, khi mua vàng, phần lớn người dân chỉ giữ vàng và cất giấu trong két sắt. Việc này đã không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đồng thời gây lãng phí một nguồn lực tài chính", ông Doanh nói.
Cuối ngày 24/2, giá vàng miếng ở SJC và Doji là 118,5 - 121 triệu đồng/lượng (mua - bán). Còn giá vàng nhẫn ở Doji là 113,5 - 116,3 triệu đồng/lượng.
PHẠM DUY