Đây là chia sẻ của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBS) với nhà đầu tư trong Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” tổ chức mới đây.
Thị trường chứng khoán giảm mạnh khi chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 3/1 vượt 109 điểm, lên mức cao nhất trong 2 năm khi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt trội và lãi suất tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao. Hiện đang có những lo ngại về việc chỉ số DXY có khả năng mạnh lên vượt mức 110 trong quý I/2025, điều này có thể gây áp lực giảm giá đáng kể lên đồng VND.
Chỉ số DXY đã giảm sau khi vượt 109 điểm tiến sát mốc 110 điểm
NHNN đã công bố một cách tiếp cận hỗn hợp để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Thay vì chỉ bán USD giao ngay với tỷ giá 25.450 VND, NHNN cũng sẽ cung cấp các hợp đồng kỳ hạn đáo hạn vào ngày 23/1 (có kèm quyền chọn hủy) với cùng tỷ giá 25.450 VND. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hủy giao dịch kỳ hạn toàn bộ hoặc từng phần trước ngoài đáo hạn. Giá trị hợp đồng 100 triệu USD trở lên được hủy tối đa 3 lần, dưới 100 triệu USD được hủy tối đa 2 lần.
Ông Trần Hoàng Sơn phân tích, trong năm 2024, tỷ giá của Việt Nam và hầu hết khu vực mới nổi và cận biên đều chịu áp lực, có những thị trường đã giảm so với đầu năm từ 10 - 12%. Việt Nam là một trong những thị trường có độ mở kinh tế rất lớn về mặt xuất nhập khẩu, nhưng có mức giảm tỷ giá ít hơn (hơn 4%), là một thành công lớn.
Trong năm 2024, Fed đã neo nền lãi suất rất cao và bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng rất cao, là một trong những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ trong năm qua cũng được đánh giá rất mạnh, với tăng trưởng GDP hàng quý ở mức rất cao, từ 2 đến hơn 3%. Thị trường lao động của Mỹ cũng rất vững vàng.
Với xu hướng kinh tế mạnh mẽ như vậy, Mỹ đã hút dòng tiền rất lớn từ các kênh đầu tư, trong đó có cổ phiếu, crypto, thị trường tiền tệ…, do vậy, trong cấu phần thanh toán quốc tế, giá trị đồng USD tăng lên, khiến dòng tiền trở lại Mỹ, tạo áp lực điều chỉnh tỷ giá ở những nền kinh tế khác.
Trong ngắn hạn, yếu tố ảnh hưởng lớn đến tỷ giá là đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD, kể từ tháng 9 đến sau bầu cử, hai chỉ số này đều tăng rất mạnh.
Ngoài ra, vào ngày 20/1 sắp tới, ông Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ và đồng USD vẫn có thể neo giữ ở mức cao cho tới thời điểm này.
Tuy nhiên, các chuyên gia trên thị trường tài chính quốc tế, cũng đã phân tích rằng trong giai đoạn vừa qua, những yếu tố tích cực nhất đã phản ánh vào giá USD. Có thể từ nay đến thời điểm ông Trump nhậm chức, USD có thể tăng thêm một đợt nữa, DXY có thể lên đến 110.
Trong tuần qua, DXY có thời điểm vượt 109, gây áp lực đến tỷ giá. So sánh giai đoạn 2016 – 2018, chỉ số DXY cũng tăng rất cao và sau khi ông Donald Trump nhậm chức, DXY đã hạ nhiệt và giảm dần đều.
Giới phân tích lo ngại rằng, nếu ông Donald Trump áp dụng những mức thuế đã tuyên bố trong giai đoạn tranh cử, thì những chính sách trên có thể gây áp lực lạm phát trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tỷ giá.
Ngoài ra, nhân dân tệ có thể chịu áp lực chính trong thời kỳ chiến tranh thương mại lần 2 (Tradewar 2.0). Nếu ông Trump đánh thuế, nhân dân tệ có thể mất giá, vượt qua ngưỡng 7,3 CNY/USD và lên một vùng cao mới.
Bloomberg nhận định, trong năm 2025, nếu chính sách thuế mạnh tay được đưa ra, nhân dân tệ có thể lên 7,5 – 7,6 CNY/USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn từ Trung Quốc và xuất siêu sang Mỹ và châu Âu. Do đó, khi nhân dân tệ mất giá, tỷ giá của các quốc gia trong khu vực và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Theo ông Sơn, nhìn lại năm 2024, giai đoạn tháng 6 và tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Trong năm 2025, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tăng lãi suất thì có thể phải lên biên độ tỷ giá mới.
Về mặt điều hành, với chính sách hỗ trợ tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, NHNN và Chính phủ có thể không tăng lãi suất ngay. Nhưng trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM cũng đã đẩy mạnh tín dụng và tăng huy động. Đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng lên.
“Có thể về xu hướng trong năm 2025, lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. Nếu NHNN chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn”, ông Sơn nhận định.
“Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, chính trị ổn định được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, FDI tăng trưởng 9,4% trong năm 2024, tương ứng giải ngân 25,3 tỷ USD là minh chứng cho việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu thích Việt Nam. Do vậy, ảnh hưởng của tỷ giá đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 vẫn có, nhưng không mạnh như 2024.
Nhìn tổng quan, trong năm 2024, hầu hết thị trường đều bị rút vốn, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) bị rút 20 tỷ USD, Thái Lan bị rút 4 tỷ USD, còn Việt Nam bị rút khoảng hơn 3 tỷ USD. Rõ ràng Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng con số không quá lớn. Do Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn nên chúng tôi kỳ vọng tất cả sự gập ghềnh trên có thể vẫn còn trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, câu chuyện tích cực có thể bắt đầu vào nửa cuối năm nay”, ông Sơn nói.
Theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, việc NHNN tái áp dụng hợp đồng kỳ hạn USD có quyền chọn hủy, là một điều kiện thuận lợi vì lãi suất chính sách của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 4,5% vào tháng 12 năm ngoái, phù hợp với lãi suất tái cấp vốn của Việt Nam, do đó về mặt lý thuyết, giá kỳ hạn không còn thấp hơn giá giao ngay nữa.
Ngoài ra, các hợp đồng kỳ hạn đáo hạn vào ngày 23/1 báo hiệu kỳ vọng của SBV về sự ổn định tỷ giá hối đoái quanh mức 25.450 VND trong tháng 1 và cho thấy dòng tiền dự kiến chảy vào trước Tết Nguyên đán.
HSC cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường ngoại hối. Dự trữ ngoại hối hiện tại ước tính vào khoảng 80 tỷ USD, phù hợp với dự báo của HSC. Trong tương lai, SBV có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá hối đoái trung tâm hàng ngày tùy thuộc vào biến động của USD toàn cầu và cũng có thể tăng giá bán USD theo tỷ giá trung tâm nếu áp lực lên USD tiếp tục gia tăng.
“Chúng tôi không thấy động lực nào khiến SBV tăng biên độ giao dịch (hiện được đặt ở mức +-5%) xung quanh tỷ giá trung tâm”, bộ phân phận tích của HSC nhận định.
T.H