Chuyện giữ rừng ở Huổi Lóng

Chuyện giữ rừng ở Huổi Lóng
4 giờ trướcBài gốc
Rừng được bảo vệ tốt nên cung cấp nguồn nước dồi dào phục vụ cuộc sống người dân bản Huổi Lóng.
Men theo con đường dốc quanh co, dưới những tán rừng xanh mướt, chúng tôi đến bản Huổi Lóng, nơi có gần 90 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trò chuyện với anh Vừ A Nọi, Trưởng bản Huổi Lóng, chúng tôi được biết: Bản được giao quản lý, bảo vệ hơn 910ha rừng. Trong rừng chủ yếu là các loại cây như: Thồ lộ, pơ mu, dổi... có những cây gỗ thân đã phủ rêu xanh, 3 - 4 người ôm. Ngoài ra, rừng ở Huổi Lóng còn có thảm thực vật phong phú, nhiều loại cây thuốc quý và động vật trú ngụ.
Nhiều diện tích rừng do bản Huổi Lóng quản lý là rừng phòng hộ đầu nguồn, nên rừng ở đây giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống xói mòn, ổn định mạch nước ngầm và đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiểu được rằng, có rừng mới có môi trường sống tốt lành, bản Huổi Lóng đã xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Nếu ai tự ý chặt cây, săn bắt động vật, xâm lấn đất rừng sẽ bị phạt rất nặng. 100% số hộ trong bản đều ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng. Vì vậy, nhiều năm qua, trong bản không có trường hợp vi phạm pháp luật về rừng.
Các thành viên tổ bảo vệ rừng bản Huổi Lóng chuẩn bị tư trang cho chuyến tuần tra rừng.
Để bảo vệ rừng, bản Huổi Lóng còn duy trì, phát huy hiệu quả vai trò của tổ bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Tổ gồm 10 thành viên, đều là những người có uy tín của bản, có sức khỏe, tinh thần nhiệt huyết. Mỗi tháng, tổ sẽ chia làm 2 nhóm và chia làm các tuyến khác nhau đi tuần rừng từ 1 - 2 lần, vào mùa khô thì 1 tuần 1 lần. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, giám sát diện tích rừng, phát dọn đường băng cản lửa vào mùa khô, hướng dẫn bà con tuân thủ các quy định khi đốt dọn nương...
Là một trong những thành viên tích cực của Tổ bảo vệ rừng bản Huổi Lóng, anh Sình A Dua chia sẻ: Mỗi chuyến đi tuần rừng các thành viên đều chuẩn bị đầy đủ tư trang, như: Dao phát, thuốc, đèn pin, cơm nắm, thức ăn, võng để ngủ trong lán trại. Đi tuần rừng vào mùa mưa mặc dù tần suất ít hơn so với mùa khô nhưng lại vất vả và nguy hiểm hơn. Bởi đường tuần rừng là đường mòn, đường đất, có những đoạn dốc thẳng đứng, cheo leo nguy hiểm. Bù lại những chuyến tuần rừng vất vả, khó khăn, rừng của bản được bảo vệ xanh tốt là động lực để các thành viên trong tổ bảo vệ rừng cũng như người dân trong bản quyết tâm, đồng lòng giữ rừng.
Có thể nói, công tác quản lý và bảo vệ rừng của Huổi Lóng là sự đồng lòng của toàn thể người dân trong bản. Bảo vệ rừng tốt, trung bình một năm, mỗi hộ gia đình ở Huối Lóng được chi trả từ 9 - 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài bảo vệ và khai thác nguồn lợi sẵn có từ rừng, nhiều gia đình trong bản còn tận dụng bìa rừng trồng sắn để tăng thêm thu nhập. Được biết, vụ sắn năm 2024, bản Huổi Lóng trồng hơn 90ha sắn. Từ trồng sắn nhiều hộ có thêm nguồn thu bình quân từ 20 - 30 triệu đồng. Cá biệt có hộ thu cả trăm triệu đồng từ trồng sắn như gia đình anh Giàng A Lâu trồng hơn 10ha; gia đình anh Sình A Dua có hơn 9ha sắn…
Bìa rừng được người dân Huổi Lóng tận dụng trồng sắn, tăng thu nhập.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang cho biết: Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nhưng tinh thần giữ rừng của người dân bản Huổi Lóng rất cao, nhiều năm nay người dân Huổi Lóng không phá rừng làm nương. Trước đây, bản Huổi Lóng có khoảng 20ha nương nằm xen giữa những cánh rừng, nhưng hiện nay diện tích này đã giảm đáng kể và thay thế vào đó diện tích rừng đang được phủ xanh dần. Huổi Lóng hiện là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã.
Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của bản, bảo vệ nguồn sống. Với tâm niệm ấy, rừng bây giờ, trong tâm thức của người dân bản Huổi Lóng đã không chỉ là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên. Để từ đây, màu xanh của những cánh rừng ở Huổi Lóng tiếp tục được nhân lên.
Bài, ảnh: Thu Hằng
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quan-ly-bao-ve-rung/chuyen-giu-rung-o-huoi-long