Sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống
Chiều 31/3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Cuộc thanh tra đột xuất 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 được Thanh tra Chính phủ triển khai theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường, hình ảnh 2 bệnh viện to lớn, sừng sững được Nhà nước đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng nhưng để cỏ mọc um tùm vì không sử dụng được trong 10 năm qua, từ lâu đã là 1 hình ảnh gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công.
Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Hoàn.
Kết quả thanh tra cho thấy, những sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước; có yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu.
Hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Vừa ký hợp đồng xong thì 8 ngày sau đã phải đề nghị điều chỉnh thiết kế cơ sở. Thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có bản vẽ thiết kế thi công và chưa có cả dự toán.
Đặc biệt, giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng.
Hiện tượng “lãng phí” tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Bộ Công an xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng phân tích cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, so sánh thực tiễn để xác định giá trị lãng phí và kiến nghị việc chống lãng phí phải được đặt ở trọng tâm cao hơn nữa, làm thay đổi nhận thức và thói quen cố hữu, để tinh thần này được lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa vấn nạn này.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường cho biết cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật thật đầy đủ, đồng bộ từ việc xác định hậu quả, giá trị lãng phí đến cơ chế thanh kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tương xứng, có tính răn đe cao đối với các hành vi gây lãng phí.
Việc này đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “để giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công thì trọng tâm phải là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật”.
Theo ông Cường, hiện tượng “lãng phí” tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, có hệ lụy về vật chất như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả.
Qua thanh tra, chúng tôi nhận thức về bản chất lãng phí là giá trị bị mất đi, không thể lấy lại được; lãng phí là mầm mống của thiệt hại và tình trạng lãng phí sẽ là rào cản của rào cản trong giai đoạn đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới”, Phó Tổng Thanh tra nêu rõ.
Kết luận thanh tra đã tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan, được thẩm định theo quy trình chặt chẽ, được Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ cho ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Ông Cường hy vọng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sẽ rút ra bài học kinh nghiệm sau thanh tra, đồng thời sớm đưa hai bệnh viện vào hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân.
Thanh tra Chính phủ đã khẩn trương công bố quyết định thanh tra vào ngày 8/1, với thời gian thanh tra trực tiếp chỉ 40 ngày.
Thời gian thanh tra ngắn, nhưng thời kỳ thanh tra rất dài, đến 10 năm (năm 2014 đến năm 2024. Giai đoạn này, hệ thống pháp luật có rất nhiều thay đổi, nhiều quy định được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, áp dụng chuyển tiếp.
Đoàn thanh tra đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá gần 3.000 đầu mục tài liệu, đối chiếu với hàng nghìn quy định cũ, mới khác nhau.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.
Giữa tháng 2 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34 về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quỳnh An