Tự ý bán rừng sản xuất, chặt luôn rừng phòng hộ
Chiều 25/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cho biết, đã gửi văn bản kèm các bút lục tài liệu, giấy tờ liên quan đến vụ chặt hạ rừng phòng hộ tại phường Phong Quảng (xã Quảng Công cũ, huyện Quảng Điền) đến Công an TP Huế để xem xét theo quy định của pháp luật.
Rừng phòng hộ ven biển tại phường Phong Quảng (TP Huế) có chức năng bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở... đã bị "cạo trọc" để bán gỗ.
Vụ việc hiện được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an TP Huế tiếp nhận, giải quyết.
Theo kết quả xác minh ban đầu của kiểm lâm, tại khu vực phường Phong Quảng đã có tổng cộng hơn 3,1ha rừng bị chặt hạ, bao gồm gần 2,6ha rừng phòng hộ và hơn 0,5ha rừng sản xuất, với 1.461 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ. Thời gian chặt phá rừng diễn ra từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2025.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đình Thông - nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công, hiện giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng, xác nhận vụ việc chặt hạ để thanh lý rừng trồng đã được thống nhất trong cuộc họp mở rộng của Ban Chấp hành Đảng ủy xã do ông Lê Duận - Bí thư Đảng ủy xã thời điểm đó chủ trì.
Việc khai thác được lãnh đạo xã Quảng Công thống nhất thông qua với chủ trương bán 8ha rừng sản xuất, ước thu 85 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế quá trình chặt hạ đã xâm phạm hơn 2,5ha rừng phòng hộ. Diện tích này thuộc tiểu khu 89, có chức năng phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở và hiện tượng cát bay xâm lấn khu dân cư và đất sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Quốc (trú tại Phong Điền, Huế) là người mua diện tích rừng nói trên và trực tiếp tổ chức khai thác cây keo. Ông Quốc khai với cơ quan chức năng, được ông Lê Nguyễn An - cán bộ địa chính xã Quảng Công, xác định vị trí khai thác từ thôn An Lộc đến khu vực các trụ điện giáp xã Hải Dương cũ. Ông An còn thường xuyên có mặt tại hiện trường, theo dõi quá trình khai thác.
Tiền bán rừng sản xuất và rừng phòng hộ không được nộp vào ngân sách.
Toàn bộ gỗ rừng sau khai thác được vận chuyển bằng khoảng 10 chuyến xe đến bán cho Công ty CP Năng lượng sinh học Huế tại Khu công nghiệp Phú Bài, với giá 900.000 đồng/tấn (chưa bao gồm chi phí nhân công, vận chuyển). Tuy nhiên, số tiền thu được không được nộp vào ngân sách xã theo quy định.
Phần lớn tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân của lãnh đạo xã
Theo lời khai, ngày 19/4, ông Quốc chuyển 85 triệu đồng vào tài khoản của bà Cao Thị Thủy - thủ quỹ UBND xã Quảng Công. Tuy nhiên, đến ngày 14/5, do chưa khai thác đủ diện tích 8ha như thỏa thuận, lãnh đạo xã yêu cầu bà Thủy hoàn trả tiền cho ông Quốc.
Chỉ một ngày sau, tức 15/5, ông Quốc chuyển tiếp 30 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Đình Thông - Chủ tịch UBND xã Quảng Công lúc đó; đồng thời, đưa trực tiếp 35 triệu đồng tiền mặt cho ông Lê Nguyên Oai - Phó Chủ tịch UBND xã, tại phòng làm việc của ông này. Như vậy, tổng cộng 65 triệu đồng đã được chuyển thẳng cho lãnh đạo xã thay vì nộp vào ngân sách địa phương qua hệ thống kho bạc.
Theo nhận định của một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, vụ việc chặt hạ rừng nêu trên có tính chất phức tạp, liên quan đến dấu hiệu vi phạm về quản lý rừng, quản lý tài sản công và chức vụ.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm khẩn trương lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai các đối tượng liên quan, bảo vệ hiện trường, hoàn tất thủ tục tố giác tội phạm, chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra theo quy định.
Vụ việc có dấu hiệu liên quan đến vi phạm về quản lý rừng, quản lý tài sản công.
Sở cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an để xử lý vụ việc theo đúng pháp luật. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc với UBND các xã, phường để hướng dẫn, chấn chỉnh hoạt động quản lý lâm nghiệp, thống nhất ranh giới địa bàn rừng sau sáp nhập hành chính, cập nhật dữ liệu quản lý rừng cho các đơn vị hành chính mới.
Hiện UBND TP Huế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy Huế về toàn bộ vụ việc.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cho biết, liên quan vụ việc này, đơn vị đã họp kiểm điểm, quyết định kỷ luật khiển trách một kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc thành phố, là người phụ trách địa bàn xã Quảng Công trước đây. Đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm khu vực phía Bắc thành phố do để xảy ra vụ việc trong quá trình quản lý, điều hành; cùng một kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền cũ.
Ngọc Văn