Văn học nghệ thuật - ngọn đuốc tinh thần, truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh nội lực cho dân tộc
Từ thời khắc lịch sử Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng hiện nay, văn học nghệ thuật nước ta đã đi một chặng đường dài với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Không chỉ phản ánh hiện thực đời sống, văn học nghệ thuật còn đóng vai trò như "ngọn đuốc" tinh thần, truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh nội lực cho dân tộc trong mọi hoàn cảnh. Đây là khẳng định của nhiều đại biểu khi tham dự Hội nghị toàn quốc 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nhận định về tiến trình này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, chặng đường 50 năm qua, văn học nghệ thuật Việt Nam là sự tiếp nối dòng chảy liên tục của nền văn học nghệ thuật dân tộc. Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền văn học nghệ thuật đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Chúng ta tự hào với đội ngũ văn nghệ sĩ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và khốc liệt của chiến tranh, cống hiến hết mình để tạo nên nền văn học nghệ thuật, xứng đáng với lịch sử hào hùng của đất nước ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, thể hiện được chiều sâu của tư tưởng, ý chí và tâm hồn dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, khích lệ ý chí chiến đấu và tinh thần hy sinh của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là nguồn động viên mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho hàng triệu trái tim, hun đúc nền tảng tinh thần đại đoàn kết và làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
“Văn học nghệ thuật đã truyền tải hình ảnh bộ đội cụ Hồ vượt không gian, thời gian đến với công chúng, trở thành ngọn đuốc soi sáng tinh thần người lính, làm sống dậy tinh thần bất khuất của dân tộc, giúp cho họ vượt qua thách thức và gian khổ trong cuộc sống, hướng tới cái đẹp và lý tưởng sống của sự hiến dâng, hy sinh vì Tổ quốc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ nhận biết và trân trọng giá trị bền vững và cao đẹp, hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong ngày nay. Những giá trị không chỉ giới hạn trong thời chiến mà còn tỏa sáng trong thời bình, trở thành nền tảng vững chắc cho lòng yêu nước và thôi thúc họ vượt qua mọi trở ngại, gian khổ, hướng tới cái đẹp và lý tưởng sống cao đẹp”, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tiếp nối dòng cảm hứng về sự thống nhất, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận thời điểm lịch sử sau năm 1975 như một bước ngoặt của văn học nghệ thuật. Sự hòa hợp giữa các lực lượng văn nghệ sĩ từ ba miền và Việt kiều đã tạo nên dòng chảy thống nhất, mạnh mẽ, phản ánh chân thực và đa chiều về xã hội, lịch sử và con người Việt Nam.
Gắn bó văn nghệ sĩ với thực tiễn phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta, văn học nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, là vũ khí đấu tranh cách mạng, bất cứ lúc nào con người cũng cần đến văn học nghệ thuật, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu rõ: Văn học, nghệ thuật thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, dân tộc, thời đại. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị để làm giàu, đẹp cho cuộc sống con người. Lĩnh vực sản xuất tinh thần ngang với lĩnh vực sản xuất vật chất. Nếu sản xuất vật chất tạo ra của cải vật chất để nuôi dưỡng con người, thì sản xuất tinh thần tạo ra giá trị con người, phẩm chất con người.
Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Có thể thấy, trong suốt chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cả về tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Tuy nhiên văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên Giáo Trung ương, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, công chúng vẫn đang chờ đợi, mong muốn được tiếp nhận, thụ hưởng nhiều hơn những tác phẩm văn nghệ tương xứng với tầm vóc và sức sáng tạo của đất nước đổi mới; có sức lay động, cảm hóa, dẫn dắt, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam thời đại mới. Công chúng mong muốn được tôn vinh, tự hào về những văn nghệ sĩ Việt Nam tinh hoa, tài năng lớn, có uy tín tầm khu vực, quốc tế, mong muốn nền văn học nghệ thuật của dân tộc văn hiến, văn hóa tỏa sáng trong hệ giá trị sáng tạo văn nghệ toàn cầu.
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Ảnh: Hồ Long
GS.TS Phùng Hữu Phú cũng cho rằng, trong kỷ nguyên phát triển mới, văn học, nghệ thuật nước nhà cần kết hợp nhuần nhuyễn, giải quyết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, nghệ thuật và công nghệ. Muốn vậy, cần thống nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý và của toàn xã hội về tầm quan trọng, vị thế đặc biệt của văn học, nghệ thuật cũng như vai trò, sứ mệnh của văn nghệ sĩ trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Vì thế, GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị, cần gắn kết chặt chẽ sự nghiệp xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật với công cuộc kiến tạo kỷ nguyên mới, làm cho văn học, nghệ thuật thấm sâu, lan tỏa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các quan hệ cộng đồng, thực sự trở thành động lực phát triển. Gắn bó văn nghệ sĩ với thực tiễn phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyển hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc thành lý tưởng thẩm mỹ, thành khát vọng tự thân, thành cảm hứng sáng tạo chủ đạo của văn nghệ sĩ. Nâng tầm tư tưởng, giá trị nhân sinh, vai trò nền tảng của văn học, nghệ thuật. Phát huy vai trò tiên phong của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân.
Còn Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, Đảng, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư dài hạn, bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đối với các thiết chế văn hóa; nhất là xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhất là văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp với văn nghệ sĩ có đóng góp xuất sắc, tạo điều kiện cho sự ra đời của những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Đầu tư vào dự án văn học, nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển nền tảng công nghệ số, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến chương trình giáo dục, đưa các tác phẩm tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vào sách giáo khoa, chương trình ngoại khóa tại các nhà trường, để thế hệ trẻ sớm tiếp cận với nền văn học, nghệ thuật cách mạng và trải nghiệm sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc.
Đại tá Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị, cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, phát huy và đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các trại sáng tác văn học, nghệ thuật. Chú trọng phát hiện thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ sáng tác kế cận có tài năng, bản lĩnh, tâm huyết và sáng tạo. Nghiên cứu đổi mới phương thức sáng tác ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sử dụng đa dạng phương tiện để đưa nội dung đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đến gần hơn với công chúng trẻ.
Với những giải pháp tổng thể, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, cùng với tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ tin tưởng, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chắc chắn văn học Việt Nam cũng sẽ vươn mình cùng với dân tộc, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.
Anh Thảo