Nông dân xã Xuân Sơn Nam, huyện miền núi Đồng Xuân nuôi bò nhốt chuồng. Ảnh: TRÂM TRÂN
Mùa mưa cỏ ngoài đồng, trong gò đồi phát triển tốt là nguồn thức ăn dồi dào, trong khi giá bò tương đối ổn định nên nông dân miền núi nuôi bò nhốt đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không tốn công chăn, bò lại lớn nhanh
Gia đình bà Hờ Nhạn ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) là một trong những hộ dân nuôi bò cỏ. Trước đây, gia đình bà chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông bò trong núi La Hiên, mỗi lần đi kiểm tra bò tốn công sức leo núi mà hiệu quả kinh tế thấp nên bà đã chuyển sang hình thức nuôi nhốt.
Sau khi tìm hiểu mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng hiệu quả, bà Nhạn đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để thả bò lai nuôi nhốt. Hiện gia đình bà nuôi 4 con bò vỗ béo. Bà Nhạn cho biết, nuôi bò vỗ béo bằng cách cắt cỏ cho bò ăn, rồi nấu cháo từ rau muống, cám gạo cho ăn thêm, bò mập, giáp năm là xuất chuồng.
Theo bà Nhạn, giống bò cỏ nuôi bầy số lượng 8-10 con thả rông, thường thì mỗi tuần, người nuôi leo núi đi thăm một lần. Nuôi thả rông gặp rủi ro là nghé con mới sinh mùa này gặp mưa lạnh chết cóng, có con bị kẹt chân dưới suối đá làm gãy chân. Còn nuôi bò lai nhốt chuồng không tốn công đi thăm, bò lại lớn nhanh nên rất phù hợp với hình thức nuôi vỗ béo lấy thịt. Hiện tại, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt đúng quy trình, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ nên bò của gia đình phát triển tốt.
“Gia đình tôi nuôi thúc (vỗ béo), khi bò cao trên 1,5m là xuất bán, lãi 15 triệu đồng/con. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán 3 con bò lai. Thương lái nhìn con bò mua theo tỉ lệ thịt xẻ, một con bò đực lai có giá gấp 3 lần bò cỏ”, bà Nhạn nói.
Nhiều người nuôi bò ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), trước đây nuôi bò chăn dắt, nay chuyển sang nuôi nhốt, không tốn công chăn, bò lại lớn nhanh. Theo kinh nghiệm của nhiều người, nuôi bò nhốt hiệu quả cao còn nằm ở khâu chọn con giống. Điển hình như gia đình Ma Trong, nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã đầu tư xây chuồng trại. Nền chuồng được tráng xi măng nhám và xây hơi nghiêng, cho bò khỏi trượt chân và giúp việc lấy phân bò ra khỏi chuồng thuận lợi. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng cỏ tạo nguồn thức ăn ổn định hằng ngày cho bò.
Ông Trong tìm mua nghé đực giống lai 3B từ 6-8 tháng tuổi, nuôi nhốt vỗ béo giáp năm sẽ xuất bán. Ma Trong cho rằng, nuôi bò thịt cao gần 2m, ở thời điểm xuất bán có giá 45 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi con cho lãi bình quân 30 triệu đồng. Mùa này, từ ruộng bậc thang gần suối cho đến gò đồi có nhiều cỏ, nên cắt về cho bò ăn. Vỗ béo bò 3B ngoài ăn cỏ, khi nấu cháo có thêm gạo, cám; cho ăn ngày 2 lần. Bình quân mỗi năm nuôi vỗ béo 2 con bò 3B, mang lại lợi nhuận 60 triệu đồng.
“Ngày trước nuôi chăn dắt lùa đi xa, giáp ranh với xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) thả bò ăn cả ngày mới lùa về. Người nuôi bò chăn dắt rất khổ khi mùa này đứng ngoài mưa, bò ít phát triển vì lạnh, muỗi mồng đeo bám. Còn nuôi bò nhốt, chỉ bỏ công một buổi cắt cỏ cho bò ăn cả ngày”, ông Trong cho biết.
Hướng đi phù hợp
Nuôi bò chăn dắt hay thả rông dù ít hay nhiều cũng phải có người chăn thả nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, việc nuôi bò chăn thả cũng gặp nhiều rủi ro do bò dễ bị nhiễm dịch bệnh cũng như ăn trúng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên đồng ruộng. Gần đây, áp dụng mô hình nuôi bò nhốt chuồng, người nuôi chủ động được thời gian chăm sóc và nguồn thức ăn. Hơn nữa nuôi nhốt bò lai có trọng lượng lớn, phát triển nhanh nên mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ chăn thả.
Thế nhưng, để nuôi bò vỗ béo đạt hiệu quả, việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Nhiều người miền núi hiện nay chọn nuôi bò lai 3B, vì giống bò khỏe mạnh, mông bằng, lưng dài, nuôi vỗ béo mau mập. Hơn nữa đây là giống bò nhiều thịt, tỉ lệ thịt xẻ cao, được thương lái ưa chuộng nên bán được giá. Sau khi mua về, người chăn nuôi cần thực hiện công tác tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Nhiều nông dân nhận thấy thuận lợi khi áp dụng mô hình nuôi nhốt bò vỗ béo. Nông dân Nguyễn Văn Tràng ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho rằng: Hầu như nhà nào trong thôn cũng nuôi bò. Đối với người dân miền núi, trồng cây mía, sắn chỉ đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình. Nuôi bò mang lại nguồn thu nhập cao mới có dư làm của để dành, vì vậy, bò là tài sản quý giá trong gia đình. Gần đây, nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi nhốt thuận lợi, tuân thủ đúng kỹ thuật, phòng dịch bệnh nên bò phát triển nhanh, mang lại lợi nhuận cao.
Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có tổng đàn trâu, bò 160.000 con, tỉ lệ bò lai chiếm trên 74% tổng đàn. Trong đó, mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại các địa phương miền núi ngày càng khẳng định hiệu quả. Sở NN&PTNT khuyến cáo, trong điều kiện quỹ đất dành cho sản xuất trồng trọt đang dần thu hẹp, không có đồng cỏ chăn thả thì mô hình nuôi bò thịt nhốt chuồng sẽ là hướng đi phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay. Sở khuyến cáo người nuôi, ngành chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh, góp phần thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng hàng hóa.
Theo Sở NN&PTNT, nuôi bò nhốt chuồng không những cho hiệu quả cao về kinh tế, hạn chế dịch bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy, người chăn nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để bò tăng trưởng và phát triển nhanh, đảm bảo chất lượng.
MẠNH LÊ TRÂM