Chuyện ít biết về giải Vô địch Quốc gia đầu tiên và bóng đá Việt thời gian khó

Chuyện ít biết về giải Vô địch Quốc gia đầu tiên và bóng đá Việt thời gian khó
14 giờ trướcBài gốc
Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại sân Hàng Đẫy vào một ngày tháng Tư đã diễn ra giải đấu giao hữu của các cựu cầu thủ. Họ đến từ đội Tổng cục Đường sắt, Hải quan TP.HCM và Công an Hà Nội, ba đội từng tham dự vòng chung kết Giải bóng đá A1 toàn quốc năm 1980.
Theo ông Trần Duy Long, đây là ngày hội của các cựu cầu thủ, vừa để gặp gỡ vừa ôn lại chuyện xưa, kỷ niệm 45 năm ngày tổ chức giải vô địch bóng đá quốc gia đầu tiên. Những danh thủ một thời nay tuổi tác đã cao, nhưng vẫn hào hứng xỏ giày một lần nữa và thi đấu với nhiệt huyết không khác khi xưa.
“Trước đây điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, anh em cầu thủ vẫn ra sân với tinh thần cao ngất, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ. Bây giờ người còn người mất, nhưng mừng là các anh em có mặt tại đây vẫn mạnh khỏe, phấn khởi. Nhiều người còn hẹn nhau 5 năm, 10 năm tới lại gặp nhau trong dịp kỷ niệm 50, 55 năm”, ông Trần Duy Long cười nói.
Các cựu cầu thủ gặp nhau tại Hàng Đẫy, kỷ niệm 45 năm ngày tổ chức giải vô địch bóng đá quốc gia đầu tiên - Giải bóng đá A1 Toàn quốc năm 1980. (Ảnh: Khuất Tú)
Tại giải giao hữu tổ chức trên sân Hàng Đẫy, các cựu cầu thủ của Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội và Hải Quan đã tái hiện lại vòng chung kết Giải bóng đá A1 Toàn quốc năm 1980. (Ảnh: Khuất Tú)
Trên khán đài Hàng Đẫy, dưới ánh nắng của những ngày tháng Tư lịch sử, ông Trần Duy Long - danh thủ từng khoác áo ĐTQG trong thập niên 1960, sau đó trở thành HLV của Tổng cục đường sắt và nhiều năm huấn luyện ĐTQG - nói với phóng viên báo Tiền Phong về bóng đá Việt những thủa ban đầu.
“Trong những năm tháng chiến tranh, Đảng và Nhà nước vẫn hết sức coi trọng phát triển thể dục thể thao, đặc biệt là bóng đá”, ông Trần Duy Long nói, “Từ năm 1955, tức chỉ một năm sau chiến thắng Điện Biên, quân ta tiếp quản thủ đô, giải bóng đá Hòa Bình đã được tổ chức, sau đổi thành Giải hạng A miền Bắc. Chúng ta cũng có đội tuyển quốc gia (ĐTQG) thường trực tập ở trường huấn luyện quốc gia (Nhổn), được huấn luyện bởi các chuyên gia hàng đầu của bóng đá Xô Viết.
Khi ấy tôi được chọn vào ĐTQG nên không tham dự giải hạng A miền Bắc. Thay vào đó, thường đá giao hữu với CLB Quân đội (tức Thể Công). Có lần chúng tôi chơi tại sân Cột Cờ, phục vụ anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Vào mùa hè đội tuyển được tập huấn ở Đông Âu, có đợt đi 5-6 tháng, qua nhiều nước. Lúc về lại mời các đội thuộc khối Xã hội chủ nghĩa anh em tới đá giao lưu, học hỏi”.
Hình ảnh Giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông tại Bình Nhưỡng năm 1957 (ảnh 1), Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa năm 1956 (ảnh 2) và một trận bóng đá tại giải A1 Toàn quốc năm 1980 (ảnh 3).
Một trong những giải đội tuyển tham dự là Giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông, bao gồm các đội Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Mông Cổ. Năm 1960 giải tổ chức tại Việt Nam, trên sân Hàng Đẫy, mang lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp cầu thủ của ông Trần Duy Long.
“Trận cuối cùng đá với Trung Quốc, tôi lừa bóng qua cả thủ môn Trương Tuấn Tú rồi ghi bàn, khiến sân như vỡ tung” ông nhớ lại, “Trên đường biên, các nữ sinh trường Trưng Vương có nhiệm vụ thả bóng bay lúc bế mạc cũng nhảy lên ăn mừng, rồi thả hết những quả bóng đang cầm trên tay. Ông Lê Mai bên Sở TDTT Hà Nội gặp tôi mắng vốn, tại mày mà hỏng cả lễ bế mạc. May lúc ấy có bình ô xy ở cửa 6, tất cả hè nhau ra bơm bóng”.
Cũng theo ông Trần Duy Long, trong năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đội tuyển tập luyện tại Nhổn phải đào hầm tăng xê (hầm trú ẩn) xung quanh sân. Mỗi khi nghe thấy loa phát thanh báo “máy bay địch đang vào bầu trời Hà Nội”, các tuyển thủ phải chui xuống hầm, đến khi nghe báo “máy bay địch đã đi xa”, lại lên đá tiếp.
Ông Trần Duy Long khi còn thi đấu nổi tiếng là một tiền vệ thông minh, tư duy chiến thuật sắc bén và kỹ thuật điêu luyện.
“Ngày xưa điều kiện thiếu thốn, làm gì có giày đinh”, danh thủ góp phần làm nên chiến thắng 1-0 của ĐTQG trước tuyển thanh niên Liên Xô năm 1966 kể, “Chúng tôi phải lấy đinh guốc của chị em, gọt đi rồi đóng ngược lên. Đá xong trận đấu, bỏ giày ra chân với tất đầy máu, vì đinh đâm lên. Thời ấy ai sắm được đôi giày Ngọc Liên mua ở bốt Hàng Đậu đã là kinh khủng lắm, nhưng cũng chỉ đá vài trận là tan”.
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, phong trào thể dục thể thao, bao gồm bóng đá, lên rất cao. Năm 1976, Tổng cục Thể dục thể thao đứng ra tổ chức ba giải Hồng Hà ở miền Bắc, Trường Sơn tại miền Trung và miền Nam là giải Cửu Long.
Sau các giải mang tính thử nghiệm này, Tổng cục Thể dục thể thao quyết định tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia, gọi là Giải bóng đá A1 toàn quốc, lần đầu diễn ra vào năm 1980. 18 đội tham dự, gồm 8 đội từ giải Hồng Hà, 2 đội từ giải Trường Sơn và 8 đội từ giải Cửu Long, được chia làm 3 bảng đá vòng tròn hai lượt. Vì CLB Quân đội (tức Thể Công) xin rút, nên giải diễn ra với 17 đội. Các đội đứng cuối mỗi bảng sẽ xuống hạng A2, còn ba đội đứng đầu tiến vào vòng chung kết.
Đội Tổng cục Đường sắt vô địch giải A1 Toàn quốc năm 1980, với ông Mai Đức Chung đứng thứ 6 từ trái sang và HLV Trần Duy Long đứng thứ hai từ phải sang (ảnh 1) cùng hai đội Công an Hà Nội, Hải Quan TP.HCM.
Thời điểm này ông Trần Duy Long đã giải nghệ, được cử sang học tại Đại học Thể dục thể thao Kiev (Ukraine) rồi về nước dẫn dắt đội Tổng cục Đường sắt từ năm 1973. Vốn nổi tiếng là một tiền vệ thông minh, tư duy chiến thuật sắc sảo, lại được đào tạo bài bản bởi các HLV hàng đầu ở Kiev, ông đã tạo nên đội Tổng cục Đường sắt rất mạnh với sơ đồ 4-3-3 hiện đại.
“Vì ở bảng B đá tại miền Trung, mùng 2 Tết đội Đường sắt đã phải tạm biệt gia đình, lên ô tô di chuyển vào Đà Nẵng. Thời ấy không có khái niệm sân nhà, sân khách như bây giờ, mà đá rải rác ở một số sân. Cơ sở vật chất còn khó khăn lắm, gọi là sân cỏ nhưng cỏ chỉ được nhìn thấy ở 4 khu phạt góc, còn lại toàn đất với cát.
Tuy nhiên không khí thi đấu từ trong sân đến bên ngoài rất tuyệt vời. Thời đó không nhiều thứ để giải trí như bây giờ, vậy nên các trận bóng đá luôn thu hút rất đông khán giả. Có trận khán giả còn ngồi tràn xuống cả đường biên”, ông cho biết.
Ông Mai Đức Chung khi còn là cầu thủ đội Tổng cục Đường sắt.
Sau khi đứng đầu bảng B, Tổng cục Đường sắt vào vòng chung kết cùng Công an Hà Nội và Hải Quan. Ba đội đá theo thể thức vòng tròn một lượt trên sân Hàng Đẫy. Cùng đánh bại Hải Quan, trận cuối cùng giữa Tổng cục Đường sắt và Công an Hà Nội vào ngày 1/5 trở thành chung kết đúng nghĩa, bởi đội nào giành chiến thắng sẽ là nhà vô địch đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Cuối cùng, với bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 của Mai Đức Chung, Đường sắt lên ngôi xứng đáng.
Ông Trần Duy Long cười lớn khi tôi hỏi về giải thưởng. “Được tham gia đã là sung sướng lắm. Vô địch còn vui hơn nữa. Vì thành tích ấy, đội Đường sắt được nhận bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho đội vô địch Giải bóng đá A1 toàn quốc đầu tiên. Cá nhân tôi cũng có bằng khen dành cho HLV trưởng. Bây giờ tôi vẫn treo trang trọng ở nhà. Với chúng tôi, đó là những phần thưởng giá trị hơn tiền bạc”.
Ông Trần Duy Long cũng chia sẻ, sau chiến tranh, đất nước rất khó khăn. Thế nhưng các cầu thủ đều được ưu ái, từ công tác, sinh hoạt đến lương thực thực phẩm.
Ông Trần Duy Long và ông Mai Đức Chung trong giải giao hữu kỷ niệm 45 năm Giải bóng đá A1 Toàn quốc lần đầu được tổ chức năm 1980. (Ảnh: Khuất Tú)
Cầu thủ đội Đường sắt cũng như các đội khác như Công an Hà Nội, Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công nhân Nghĩa Bình, Công nghiệp thực phẩm… đều không phải cầu thủ chuyên nghiệp, việc chính vẫn là ở cơ quan, đơn vị hay các phân xưởng nhà máy, xí nghiệp. Nhờ đá bóng nên không phải đi làm. Được ưu tiên như vậy, ai cũng quyết tâm.
Ông nói: “Dù bóng đá nghiệp dư, nhưng phải nói rằng các cầu thủ thời ấy đều là những người có năng khiếu thực sự, ai cũng có màu sắc, sự độc đáo riêng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ.
Ngày nay các cầu thủ có cuộc sống tốt hơn, thể hình, thể lực cũng vượt trội thế hệ trước, tôi rất vui mừng. Hy vọng các em, các cháu coi đó là động lực để thi đấu hết mình, ra sân với danh dự, niềm tự hào và mang lại vinh quang cho Tổ quốc”.
“Nhìn vào bóng đá chuyên nghiệp, thế hệ cầu thủ hiện tại cùng những gì đã đạt được, tôi có niềm tin mạnh mẽ về tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam, cả đội tuyển nam cũng như đội tuyển nữ”, ông Trần Duy Long nói trong sự xúc động và tâm huyết của người cả đời cống hiến cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Thanh Hải
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chuyen-it-biet-ve-giai-vo-dich-quoc-gia-dau-tien-va-bong-da-viet-thoi-gian-kho-post1739043.tpo