Vào tháng 2, ông Richard VanMetter (76 tuổi) đang đi nghỉ ở Boca Raton, bang Florida (Mỹ). Ông VanMetter đến một cửa hàng và tìm mua bánh mì kẹp giá 6 USD. Tuy nhiên, thời điểm ông VanMetter dùng thẻ tín dụng để thanh toán đã dẫn ông đến một sự thật kinh hoàng.
Ông VanMetter bị từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhưng khi ấy ông VanMetter chỉ nghĩ chiếc thẻ của ông gặp lỗi.
Sau đó, ông VanMetter gọi đến ngân hàng và biết rằng chính phủ đã “thông báo” cho mọi tổ chức tài chính mà ông từng sử dụng dịch vụ rằng ông "đã chết".
Trên thực tế, chính phủ Mỹ cũng đã thu hồi khoản trợ cấp an sinh xã hội, cắt các khoản trợ cấp hưu trí và bảo hiểm y tế Medicare của ông.
"Đó là nỗi ám ảnh của cuộc sống tôi" – ông VanMetter nói.
Ông Richard VanMetter. Ảnh: THE WASHINGTON POST
“Vô tình” được thêm vào dữ liệu hồ sơ tử vong
Ông VanMetter đã "vô tình" được thêm vào hồ sơ tử của cơ sở dữ liệu an sinh xã hội thuộc Cơ quan An sinh Xã hội Mỹ (SSA). Hồ sơ này được chính phủ Mỹ dùng để ghi nhận những người đã chết không còn được hưởng trợ cấp nữa và chia sẻ thông tin này cho các tổ chức tài chính, người sử dụng lao động, văn phòng bầu cử và các tổ chức khác.
Bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu này đã thừa nhận rằng có khoảng 600 người được đưa vào cơ sở dữ liệu một cách nhầm lẫn mỗi tháng, vì nhiều lý do, bao gồm lý do hành chính và thông tin sai lệch.
Theo tờ The Washington Post, điều này xảy ra trùng hợp với thời điểm ông Elon Musk – người được cho là lãnh đạo trên thực tế Bộ Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) – cho rằng nhiều người đã chết vẫn được hưởng trợ cấp xã hội.
Ông Musk đã nhiều lần tuyên bố rằng có tới 20 triệu người Mỹ trên 100 tuổi nhận được trợ cấp an sinh xã hội. Theo The Washington Post, điều này dường như là không chính xác vì ở Mỹ hiện chỉ có khoảng 100.000 người sống trên 100 tuổi.
Theo số liệu The Washington Post thu thập được, hơn 10 triệu người đã được thêm vào hồ sơ tử vong của cơ sở dữ liệu an sinh xã hội từ đầu tháng 3. Cũng theo tờ báo, nhóm của ông Musk đã thúc đẩy hành động này, dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy những người bị chuyển vào hồ sơ tử vong là những người đã qua đời.
Ông Musk và DOGE chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, trong bài đăng vào ngày 16-3, DOGE cho biết cơ quan này và SSA "đang hợp tác để tăng độ chính xác của 'Hồ sơ tử vong’".
Ngoài ra, SSA cũng đã chuyển tên và số an sinh xã hội của hơn 6.000 người nhập cư còn sống vào hồ sơ tử vong vào đầu tháng này, bất chấp sự phản đối của nhân viên. Nhân viên SSA cho rằng bước đi này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhằm mục đích gây sức ép buộc những người nhập cư rời khỏi nước này.
Tỉ phú Elon Musk được cho là người đang lãnh đạo trên thực tế DOGE. Ảnh: GETTY IMAGES
Hậu quả nghiêm trọng
Động thái này có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với những người bị ảnh hưởng, làm xáo trộn gia đình họ, có khả năng tước đoạt nhà ở, phương tiện đi lại và quyền lợi được chăm sóc y tế của họ.
Những người còn sống bị thêm tên vào hồ sơ tử vong đã ghi nhận tình trạng tài khoản ngân hàng của họ bị đóng, tờ khai thuế bị từ chối, bảo hiểm Medicare và Medicaid bị dừng hiệu lực và các phúc lợi của chính phủ cũng không còn.
Họ cũng thường xuyên bị mất lịch sử tín dụng. Điều này đồng nghĩa việc họ không thể vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch, xin việc làm, được chấp thuận cho thuê căn hộ, thuê ô tô hoặc mở tài khoản tiện ích. Nhiều người cũng bị xóa khỏi danh sách cử tri của tiểu bang họ sống.
Thông tin hồ sơ tử vong cũng được gửi đến các cơ quan liên bang và tiểu bang, các ngân hàng, công ty tín dụng, các cơ quan báo cáo tín dụng, đại lý ô tô và người sử dụng lao động.
"Đối với những người bị ghi nhầm là đã chết, hậu quả là rất nghiêm trọng" – cựu nhân viên an sinh xã hội Tiffany Flick nói.
Khi ông VanMetter đọc các tin tức về những người nhập cư được thêm vào cơ sở dữ liệu tử vong, ông cũng hiểu điều đó có thể gây ra những hậu quả lớn, đặc biệt là những người không có kỹ năng làm việc tốt và không có mạng lưới an toàn tài chính như công dân Mỹ.
"Việc chết không phải là vấn đề lớn đối với cá nhân tôi, nếu tôi thực sự đã chết. Nhưng nếu bạn vẫn còn sống, điều đó sẽ tạo ra một mớ hỗn độn" – ông VanMetter nói.
Đối với nhiều người, điều đó thậm chí còn hơn cả mớ hỗn độn.
Vào tháng 2, bà Pam Johnson – vợ ông Leonard Johnson (82 tuổi) – nhận được một lá thư với nội dung theo bà là kỳ quặc.
"Chúng tôi vừa nhận được thông báo về sự ra đi của LEONARD A. JOHNSON. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất. Chúng tôi biết đây là thời điểm khó khăn và chúng tôi ở đây để giúp đỡ bạn. Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Cơ quan An sinh Xã hội để trả lại các khoản trợ cấp đã gửi vào tài khoản của LEONARD A. JOHNSON sau khi ông qua đời. Bạn không cần phải làm gì cả, chúng tôi đã khấu trừ tiền từ tài khoản của LEONARD A. JOHNSON” – nội dung lá thư viết.
Ông Leonard Johnson và vợ. Ảnh: THE SEATTLE TIMES
Lúc đầu, bà Pam Johnson tưởng đây là một trò lừa đảo. Nhưng khi xem kỹ lại, bà thấy lá thư liệt kê rõ cách 5.201 USD bị rút khỏi tài khoản của chồng bà, vì cho rằng ông đã chết. Đó là tổng tiền từ các khoản trợ cấp xã hội ông Leonard Johnson nhận được vào tháng 12-2024 và tháng 1-2025.
Để giải quyết vấn đề này, ông Johnson đã mất nhiều ngày liên lạc và đến các cơ quan để chứng minh một điều vốn rất hiển nhiên, rằng ông vẫn còn sống. Mãi đến giữa tháng 3, ông mới nhận lại được các khoản tiền bị ngân hàng khấu trừ.
KHOA ĐIỀM