Ở xóm Trò, xã Kim Lập (huyện Kim Bôi), cái tên "Nam chuối" đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Đây là biệt danh dành cho anh Bùi Thành Nam, một nông dân người dân tộc Mường, khởi nghiệp thành công với mô hình trồng chuối tiêu hồng.
Từ khởi nghiệp với chuối tiêu hồng...
Trước khi “bén duyên” với cây chuối tiêu hồng, anh Nam từng kinh doanh hoa quả tại các chợ trong huyện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Năm 2020, nhận thấy tiềm năng của cây chuối tiêu hồng và được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương, anh Nam quyết định vay vốn để chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa giúp người dân tộc thiểu số ở Hòa Bình nâng cao thu nhập.
Với số vốn vỏn vẹn 30 triệu đồng, anh Nam thử nghiệm trồng 1ha chuối với 2.000 cây. Để đảm bảo hiệu quả, anh áp dụng phương pháp chăm sóc đúng cách, giúp vườn chuối đạt tỷ lệ ra buồng trên 95%. Sau một năm, mô hình này đã bắt đầu đem lại thu nhập, với mức lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.
Nhận thấy tiềm năng, anh Nam tiếp tục mở rộng sản xuất bằng cách thuê thêm đất của các hộ lân cận, nâng tổng diện tích vườn chuối lên hơn 3ha với khoảng 6.000 cây. Đầu vụ, thương lái đã đặt mua chuối tại vườn với giá 200.000 đồng/cây. Năm 2024, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng.
Không chỉ tập trung vào trồng chuối, anh Nam còn tận dụng phụ phẩm từ cây chuối như lá và thân để chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập.
"Để thành công với mô hình này, trước tiên phải hiểu rõ đặc tính sinh học của cây, nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc. Chuối tiêu hồng thích nghi tốt với nhiều loại đất, ưa ẩm và đẻ mầm khỏe, do đó cần tưới nước thường xuyên, tỉa mầm đúng cách để đảm bảo cây phát triển tốt, cho năng suất cao", anh Nam chia sẻ.
Nhờ sự cần cù, chịu khó và quyết tâm trong sản xuất, gia đình anh Nam đã vươn lên thành hộ khá giả trong vùng, có cuộc sống ổn định. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xóm, giúp nhiều hộ khác cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
...Đến triệu phú "mở đất" người Dao
Không chỉ là những trường hợp cá biệt, những năm gần đây, ngày càng có nhiều hộ sản xuất người đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình trở thành triệu phú, tỷ phú.
Điển hình như ông Triệu Văn Bình, triệu phú nông dân người Dao đầu tiên của xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi. Người dân địa phương gọi ông Bình là "triệu phú mở đất" bởi ông và gia đình là một trong những hộ đầu tiên khai hoang ruộng nước, phát triển nương rẫy, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và canh tác ngô.
Dẫn khách tham quan trang trại của mình, ông Bình chia sẻ rằng chỉ trồng lúa, ngô thì khó có thể làm giàu. Vì vậy, gia đình ông đã chọn chăn nuôi làm hướng phát triển chính.
Ông tận dụng toàn bộ diện tích trang trại để xây dựng mô hình V.A.C (vườn, ao, chuồng), nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm, ông Bình kiên trì mở rộng quy mô, từng bước ổn định sản xuất.
Đa dạng hóa cây trồng là chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình thoát nghèo, làm giàu.
Hiện nay, ông Bình sở hữu 4ha mía tím đang cho thu hoạch, đàn trâu 20 con, đàn lợn 30 con. Đàn vật nuôi của ông được chăm sóc theo quy trình khoa học, đảm bảo chất lượng thịt khi xuất chuồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và diện tích vườn rộng để nuôi thêm hàng trăm con gà theo phương pháp hữu cơ.
Nhờ tinh thần chịu khó, kiên trì lao động, ông Bình đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh trong vùng. Những năm gần đây, người dân Thung Dao Bắc ngày càng tích cực phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề, dịch vụ.
Những chuyến xe tải tấp nập chở mía, tiếng máy phay thuốc nam vang lên khắp xóm, báo hiệu cuộc sống ấm no hơn. Cái đói, cái nghèo dần lùi xa, thay vào đó là sự sung túc, ổn định.
Thành công của ông Bình không chỉ khẳng định sự thông minh, sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế ở Hòa Bình, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Và dấu ấn đặc biệt từ các HTX
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, các HTX, tổ hợp tác đang khẳng định dấu ấn đậm nét khi trở thành điểm tựa giúp các thành viên sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.
Điển hình HTX Đa ngành nghề Tâm Cương, ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương. Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, HTX tập trung vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học.
Hiện, HTX có 53 hộ thành viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số, duy trì trang trại với số lượng khoảng 2.000 con, được nuôi theo phương pháp tự nhiên, sử dụng nguồn thức ăn sạch, không hóa chất tăng trưởng, giúp tạo ra sản phẩm thịt lợn chất lượng cao.
Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi, HTX Tâm Cương còn tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc tham gia vào chuỗi sản xuất của HTX đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, trung bình từ 50 – 70 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, gia tăng độ nhận diện, cải thiện sức cạnh tranh, các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hòa Bình ngày càng chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất.
Với sự hỗ trợ của ban ngành chức năng tỉnh, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, hàng loạt hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho nông dân, HTX được tổ chức.
Đặc biệt, hơn 2.970 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn Postmart.vn và 284 sản phẩm trên sàn Voso.vn, giúp nông dân, HTX mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình nhiều lần tổ chức các buổi làm việc, định hướng phát triển kinh tế tập thể và HTX trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng quy mô của các HTX.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cũng khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, giúp các HTX chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả cao. Ví dụ, HTX Dương Nam đã nhận được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh để phát triển mô hình sản xuất.
Có thể nói, những bước tiến trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
An Chi