Con đường bê-tông uốn lượn quanh dưới chân núi Dài
Đường thông lên tận đỉnh
Gửi “con ngựa sắt” dưới chân núi Cấm (TX. Tịnh Biên), chúng tôi cuốc bộ theo con đường bê-tông để lên khu vực vồ Đầu, rồi qua vồ Bà Cửu. Vài chục năm trước, lữ khách muốn khám phá hoặc tắm suối tại khu vực này chủ yếu men theo lối mòn bậc thang dựng đứng. Đối với sơn dân, hàng ngày vận chuyển huê lợi xuống núi phải gánh vác đi bằng đường mòn rất vất vả. Chuyện đi chợ mua thịt, cá nấu cơm mỗi ngày 2 buổi cho gia đình cũng là bài toán hóc búa đối với bà con ở non cao. Mỗi lần tuột dốc đi chợ, rồi mua đồ nhu yếu phẩm mang lên phải mất nửa ngày. Nhiều khi mệt quá, sơn dân ra vườn chít măng, hái su nụ vào nhà luộc, rồi chấm chao ăn đỡ. Nắm bắt được nhu cầu của người dân trên núi, cái nghề quang gánh, cửu vạn ra đời để phục vụ bà con.
Ông Thảo (ở vồ Bà Cửu) cho hay, ngày trước người dân trên núi “thèm” nước đá phải thuê bà con vác lên, giá đội lên gấp 3 lần. Mấy năm nay, bà con trên núi Cấm tăng cường trồng cây ăn trái cho thu nhập khá. Từ đó, họ rủ nhau hiến đất làm đường bê-tông lên núi. Bây giờ, trên núi có điện, nước, đường sá mở đến tận nhà, cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Ông Nguyễn Văn Bé năm nay 81 tuổi, nhưng trông còn rất khỏe. Ông đã có hơn 50 năm sinh sống trên núi. Nhớ về thời quá khứ, ông Bé kể, thuở trước trên đây hoang vắng, mỗi lần lên núi phải cuốc bộ theo đường bậc thang mất hơn 2 tiếng đồng hồ thì mới tới nhà. Bây giờ, chuyện lên xuống núi hàng ngày đều đi xe gắn máy giống như người ta lưu thông ở dưới đồng bằng.
Ông Bé cho biết thêm, con đường bê-tông được bà con rủ nhau làm, người hiến đất, người hùn tiền, góp công làm xuyên suốt hàng tháng trời. “Đường tới nhà nào thì bà con tự nguyện hiến đất chạy dài tới tận đỉnh. Ở khu vực chùa Phật Nhỏ chạy lên tới vồ Chư Thần có hàng trăm hộ dân sinh sống. Nhiều năm qua, bà con trồng vườn kiếm huê lợi khấm khá nên họ đồng lòng mở đường thuận tiện cho việc đi lại và chở trái cây, măng, su xuống núi” - ông Bé nói. Nhờ tuyến đường này, mỗi khi cao điểm mùa du lịch, ông Bé có thêm thu nhập từ công việc chở du khách tham quan các vồ, điện trên núi Cấm.
Lên, xuống núi dễ dàng
Ở núi Tô (huyện Tri Tôn), người dân đồng lòng cùng nhau hiến đất mở đường lên núi dễ dàng. Từ dưới chân núi, chúng tôi đi “xe ôm” men theo con đường bê-tông ngoằn ngoèo để chinh phục đỉnh. Giờ đây, con đường bê-tông chiều ngang khoảng 2m chạy dài khắp các vồ, điện trên núi. Có những chủ đất nằm cách xa đường mòn, họ vẫn tự nguyện đứng ra làm đường để bà con thuận lợi lên xuống núi. Anh Châu, tài xế “xe ôm”, đưa chúng tôi qua những đèo dốc khúc khuỷu rất điệu nghệ. Có những đoạn dốc dựng đứng, chỉ có bà con ở đây mới dám chạy vì quen đường. Thi thoảng, chúng tôi ngoái cổ lại nhìn phía sau xe, trông chếnh choáng bởi con đường nằm sâu dưới vực thẳm.
Anh Châu kể, lúc trước trên núi Tô đường sá chưa mở rất khó đi, khách du lịch muốn chinh phục đỉnh phải lội bộ theo đường mòn nhỏ, mất nửa ngày. Những du khách khi mới bước chân lên núi Tô không quen cảm thấy rất mệt mỏi. Nhiều người lội bộ lên độ cao hơn 100m là thở hổn hển, tái mặt. Bây giờ, đường sá mở rộng, xe chạy chở khách lên núi dễ dàng. Chuyện sinh hoạt, lập vườn trồng cây ăn trái của bà con nơi đây rất thuận lợi. “Vào mùa mưa, bà con trên núi Tô thu hoạch dâu, măng tre chở xuống núi bán rần rần” - anh Châu cho hay.
Ngồi trong căn nhà trên núi, bà Chín Luận (89 tuổi) nhớ lại, ngày trước vợ chồng bà muốn lên núi phát hoang, lập vườn phải lội bộ theo con đường mòn nhỏ. Từ dưới chân núi cuốc bộ lên tới đỉnh, mất 3 tiếng đồng hồ. Do vậy, vợ chồng bà Chín Luận cất căn nhà lá nhỏ trên núi ở tạm để trồng trọt, lập vườn. Sau này, vườn tược cho huê lợi khá, bà Chín Luận đầu tư cất mới căn nhà, rồi rủ mọi người hiến đất, hùn vốn mở đường cho xe chạy lên tận đỉnh. “Đường mở tới đâu thì bà con có đất tự nguyện hiến. Ai cũng đồng thuận, vì có đường sá xe chạy chở người, đồ đạc lên núi rất nhanh. Ngày trước, đồ nhu yếu phẩm phải gánh lên hì hục thì mới có sử dụng. Bây giờ, có đường xe chạy vài phút là tới nơi” - bà Chín Luận trần tình.
Hôm ghé bến Bà Chi dưới chân núi Dài (huyện Tri Tôn), chúng tôi gặp anh Trần Văn Toàn đang giám sát công đoạn đổ bê-tông mở đường lên núi cho nhà vườn. Anh Toàn cho hay, hiện nay tuyến đường dưới chân núi Dài được bà con đồng thuận hiến đất mở rộng tráng bê-tông kiên cố, vừa thuận lợi cho thương lái thu mua hàng nông sản, trái cây, vừa hỗ trợ cho công tác phòng, chống cháy rừng hiệu quả. Chúng tôi chạy một mạch dưới chân núi Dài, con đường bê-tông mới tinh nằm dưới những bóng xoài vắt qua những mảnh vườn trù phú. Gặp anh Quý, chủ vườn xoài hồ hởi cho biết, ngoài tuyến đường quanh núi tại bến Bà Chi (thuộc xã Lê Trì) nhà vườn còn mở đường lên tận đỉnh núi để vận chuyển trái cây. Nơi đây có hơn 40 hộ lập vườn chuyên canh cây xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan, với diện tích trên 100ha. Mấy năm nay, nhờ cây xoài, nhà vườn có thu nhập ổn định, bà con mạnh dạn hùn vốn mở đường xe chạy đến tận nơi.
Những tuyến đường bê-tông lên núi tuy chiều ngang không lớn, nhưng đối với sơn dân là cả quá trình vận động hiến đất, hùn vốn mở đường, tạo nên diện mạo mới ở vùng cao hẻo lánh. Đường mở, đồng nghĩa với giá trị đất đồi núi cũng tăng theo, bà con lao động hăng say, chịu khó bám vườn, bám núi trồng trọt, tạo ra huê lợi, kiếm thu nhập khấm khá.
LƯU MỸ